Olympic Rio 2016: Độ tuổi nào giành nhiều HCV ?

11/08/2016 | 08:54 GMT+7

Ở đấu trường Olympic, có những vận động viên chưa tròn đôi mươi, nhưng cũng có những vận động viên U40-U50 vẫn có thể giành được huy chương vàng.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã mang về HCV cho thể thao Việt Nam ở tuổi 42.

“Già” hay trẻ đều có cơ hội đoạt HCV

Nói đến huy chương vàng (HCV) Olympic, không thể không nhắc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, anh đã mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam sau 36 năm với gần 9 kỳ tham dự Olympic, với HCV 10m súng ngắn hơi nam và anh là vận động viên (VĐV) lớn tuổi nhất trong 23 VĐV Việt Nam tham dự Olympic 2016. Hoàng Xuân Vinh cũng nằm trong nhóm VĐV “cao tuổi” đã giành HCV và phá kỷ lục Olympic trong những ngày thi đấu đầu tiên.

Còn tấm HCV Olympic đầu tiên của Rio 2016 đã thuộc về nữ VĐV bắn súng Virginia Thrasher người Mỹ, sau khi cô giành được tổng điểm số 208, nội dung súng trường 10m nữ. Cô gái mới 19 tuổi Thrasher bất ngờ đánh bại 2 VĐV kỳ cựu của Trung Quốc là Du Li và Yi Siling. Ngoài Thrasher, đến thời điểm này, rất nhiều VĐV có tuổi khoảng 19-24, đã phá kỷ lục Olympic. Đem về tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Anh tại Olympic Rio 2016 là kình ngư Adam Peaty (21 tuổi), ít ai biết rằng khi còn nhỏ, chàng trai Adam Peaty từng hét lên sợ hãi mỗi khi xuống nước. VĐV đầu tiên của nước chủ nhà Brazil được hát Quốc ca trên bục nhận huy chương là Rafaela Silva (24 tuổi), cô gái sinh ra ở khu ổ chuột của Rio de Janeiro đã giành chiến thắng ở nội dung 57kg nữ của môn judo sau khi đánh bại Sumiya Dorjsuren (Mông Cổ). Cũng ở tuổi 21, Sopita Tanasan, nữ VĐV 21 tuổi của Thái Lan đã mang về tấm HCV quý giá cho xứ sở Chùa Vàng môn cử tạ. Nhỏ tuổi nhất và có cơ hội chạm tay vào tấm HCV Olympic phải kể đến các VĐV thể dục dụng cụ và nhảy cầu. Những VĐV Trung Quốc và Nhật Bản ở hai bộ môn này thường có tuổi đời dưới 20.

Truyền thông thế giới đã đưa tin khá đậm khi VĐV Oscar Albeiro Figueroa Mosquera của Colombia giành HCV cử tạ hạng 62kg, với tổng trọng lượng 318kg. Bất ngờ là sau đó VĐV 33 tuổi đã khóc nức nở, tháo giày và tuyên bố giải nghệ. Anh chia sẻ: “Ở tuổi này, 4 năm nữa cũng rất khó để thi đấu tiếp tục ở môn cử tạ”.

Chưa có một thống kê chính thức về độ tuổi nào có cơ hội đoạt HCV Olympic, nhưng thể thao là vậy, dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi và ai cũng có quyền tỏa sáng. Tuy nhiên, điểm qua khoảng 80 HCV được trao đến thời điểm này, cho thấy tuổi trẻ luôn có lợi thế.

Tấm HCV nhân văn của Kosovo

Ở Olympic 2016, lần đầu tiên có sự xuất hiện của đoàn thể thao Kosovo và nữ VĐV Majlinda Kelmendi, 25 tuổi đã bước lên bục cao nhất ở môn judo. Tấm HCV phần nào xóa đi nỗi đau bom đạn và là động lực giúp người Kosovo bước tiếp hành trình phát triển, xây dựng nền giáo dục và thể thao tốt hơn sau nhiều năm đất nước chìm trong căng thẳng. Majlinda Kelmendi đã chứng minh chiến tranh không thể ngăn được niềm đam mê và nỗ lực, kỳ vọng với thể thao. Tấm HCV của Majlinda Kelmendi đặc biệt hơn khi được Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach trao và cùng rơi những giọt nước mắt hạnh phúc với cô. Kosovo đến tham dự Olympic 2016 với 8 VĐV (2 VĐV bơi lội, 2 VĐV judo, 2 VĐV điền kinh, 1 VĐV bắn súng và 1 VĐV đua xe đạp).

Mỗi tấm huy chương Olympic, dù có màu gì đi chăng nữa cũng vô cùng quý giá với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Giành được huy chương Olympic đã thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, chất lượng và trân trọng dành cho thể thao của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>