Hạn chế tối đa rủi ro cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước

22/06/2021 | 06:43 GMT+7

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước tỉnh (KBNN) đã thực hiện tốt việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ chuyên môn. Để tiếp tục hạn chế tối đa rủi ro cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, KBNN đã có nhiều biện pháp, giải pháp. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Nguyễn Hữu Phúc (ảnh), Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hậu Giang, cho biết:

- Trên cơ sở nhiệm vụ và định hướng về công tác cải cách hành chính (CCHC) của hệ thống KBNN, KBNN Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch CCHC hàng năm để tổ chức triển khai toàn diện các nhiệm vụ về công tác CCHC. Đặc biệt, thời gian qua đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đến 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc tham gia); 100% lượng chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc đã thực hiện giao dịch qua DVCTT (không bao gồm chứng từ chi khối an ninh, quốc phòng). Bên cạnh đó, ngành KBNN cũng đã triển khai việc thanh toán, chi trả tiền mặt cho tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách qua ngân hàng theo tinh thần Thông tư số 58/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính, góp phần hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán qua KBNN.

Các đơn vị được cán bộ KBNN hướng dẫn chứng từ thanh quyết toán.

Bên cạnh đó, công tác CCHC luôn gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) bằng việc triển khai thành công các chương trình ứng dụng trong công tác thanh toán và tổng hợp báo cáo. Năm 2020, KBNN Hậu Giang được Tạp chí Tài chính điện tử (eFinance) đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong hệ thống KBNN về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và được hội đồng đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tỉnh Hậu Giang đánh giá loại tốt (xếp vị trí thứ tư khối các sở, ban, ngành tỉnh).

Thưa ông, để hạn chế tối đa rủi ro cho các đơn vị sử dụng NSNN, KBNN đã có biện pháp giúp các đơn vị nhận diện và phòng tránh các rủi ro như thế nào ?

- Để việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua hệ thống DVCTT của KBNN được hiệu quả và an toàn, hệ thống KBNN đã triển khai chương trình cảnh báo rủi ro từ tháng 8-2019. Hiệu quả của chương trình là giúp các đơn vị giám sát các khoản chi NSNN, kịp thời phát hiện các khoản chi bất thường, góp phần ngăn chặn thất thoát NSNN của đơn vị mình. Tuy nhiên, lượng cài đặt sử dụng chương trình hiện còn hạn chế (có 624/868 đơn vị cài đặt ứng dụng, đạt 71,88%).

Thưa ông, ngoài việc cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro của KBNN thì còn có cách nào giúp các đơn vị sử dụng ngân sách phòng ngừa những nguy cơ trong giao dịch điện tử như hiện nay ?

- Ngoài việc cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên điện thoại di động, các đơn vị sử dụng ngân sách cần quan tâm hơn trong việc quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số, tài khoản đăng nhập chương trình DVCTT để giao dịch gửi hồ sơ kiểm soát chi NSNN qua hệ thống DVCTT của KBNN đảm bảo chặt chẽ theo quy định của Luật Kế toán, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, Thông tư số 185/2019/TT- BQP ngày 04/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và các quy định của pháp luật hiện hành.

Tuyệt đối không được giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình DVCTT của mình cho người khác quản lý; kiểm soát chặt chẽ số liệu kế toán, thanh toán, số dư tài khoản trên các mẫu đối chiếu với KBNN; thực hiện đúng nguyên tắc bất kiêm nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị; đăng ký các chức danh trên DVCTT đúng với thành phần trong hồ sơ mở và sử dụng tài khoản đã đăng ký với KBNN; kịp thời thu hồi, cấp mới các tài khoản đăng nhập DVCTT đúng quy định.

Thưa ông, trong thời gian tới ngành KBNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nào để quản lý tốt thu, chi NSNN ?

- Nhiệm vụ xuyên suốt của ngành KBNN đó là phải tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2021. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ Tài chính, KBNN trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý đầu tư công năm 2021 để tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động để 100% đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư cài đặt và sử dụng ứng dụng cảnh báo rủi ro của KBNN. Tăng cường thông tin, tuyên truyền và thường xuyên trao đổi thông tin đa chiều với các đơn vị giao dịch để nắm bắt tình hình hoạt động tài chính của đơn vị, nhằm kịp thời phát hiện những bất thường, những dấu hiệu mang tính cảnh báo để phòng ngừa và xử lý kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra. Đẩy mạnh việc tích hợp các thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, phấn đấu nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn, góp phần cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách.

Xin cảm ơn ông !     

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>