Hòa giải hiệu quả giúp giảm tranh chấp đất đai

25/12/2023 | 17:48 GMT+7

Để hạn chế mâu thuẫn, tránh đưa nhau ra tòa giải quyết thiệt hơn khi các tranh chấp đất đai đang ngày càng phức tạp như hiện nay thì công tác hòa giải, nhất là tại cơ sở rất quan trọng.

Tổ hòa giải ấp Nhơn Thuận 1B, xã Nhơn Nghĩa A trao đổi một nội dung vụ việc tranh chấp đất đai.

Năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận 1.575 vụ việc tranh chấp dân sự, trong đó các tranh chấp có liên quan đến đất đai là 366 vụ việc, chiếm trên 20% số vụ tranh chấp tòa án thụ lý giải quyết.

Theo các ngành chức năng, nguyên nhân phần lớn các tranh chấp liên quan đến đất đai hiện nay là do biến động về giá đất, việc chuyển nhượng của các đương sự nhiều trường hợp chưa tuân thủ về hình thức; quá trình sử dụng đất có sự chồng lấn giữa các hộ dân.

Song song đó, một số vụ kéo dài trong nhiều năm và khó giải quyết do nguyên nhân khách quan như quy định của pháp luật về quản lý đất đai có sự thay đổi hoặc có sự điều chỉnh trong việc lập bản đồ, thay đổi bản đồ địa chính.

Đơn cử như vụ việc tranh chấp của gia đình ông Nguyễn Văn Hai và Trần Văn Việt, ngụ xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A.

Theo ông Việt phần đất của gia đình ông có chiều ngang 32m (thực tế sử dụng khoảng 31m), chiều dài 280m, còn phần đất của hộ ông Hai có chiều ngang 39m nhưng đang sử dụng đến 40m.

Qua đó, ban đầu hai gia đình đề xuất lấy chiều ngang 1m là phần đất tranh chấp để làm bờ mẫu và không ai được sử dụng, chờ cơ quan chức năng giải quyết. Thời gian đầu, hai hộ thống nhất với quyết định trên.

Tuy nhiên, đến tháng 10-2022, phía ông Việt phá đường bờ mẫu, đồng thời lấn sang phần đất đang tranh chấp để sử dụng. Lúc này, do bức xúc nên ông Hai gửi đơn đến địa phương yêu cầu buộc ông Việt đắp lại bờ mẫu như ban đầu và giữ nguyên hiện trạng để chờ giải quyết.

Luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, cho rằng, hiện nay, để giải quyết các tranh chấp về đất đai như trên, pháp luật đã có nhiều quy định điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể, tại Điều 202, Luật Đất đai năm 2013 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, theo đó Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Theo ông Hùng, căn cứ quy định trên, việc hòa giải đối với tranh chấp đất ở cấp xã được xem là thủ tục bắt buộc. Chủ tịch UBND cấp xã sẽ có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Trong quá trình hòa giải phải phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

Theo Sở Tư pháp, đến nay toàn tỉnh hiện có 531 tổ hòa giải với hơn 2.600 hòa giải viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện việc hòa giải tại cơ sở, nhất là những mâu thuẫn về đất đai. Nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa các kỹ năng hòa giải, hàng năm, Sở Tư pháp và phòng tư pháp cấp huyện đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, tăng cường nghiệp vụ cho lực lượng này.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, hòa giải viên cơ sở xã Nhơn Nghĩa A, chia sẻ: “Việc hòa giải tại cơ sở đối với tranh chấp đất đai có ưu điểm là các hòa giải viên là người tại địa phương nên nắm rõ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, cũng như nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn giữa các bên. Trong quá trình hòa giải, chúng tôi cũng thường dùng lý lẽ và tình cảm tác động nên cơ hội hòa giải thành sẽ cao và không mất đi tình làng nghĩa xóm”.

Còn theo ông Lưu Tấn Sỹ, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở có lợi thế là không có bên thắng bên thua, mà cả hai bên đều vui vẻ, tự nguyện nhượng bộ một phần lợi ích để đạt được thỏa thuận trong trường hợp hòa giải thành.

Theo ông Sỹ, điều này khác với trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn được giải quyết bằng quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như tòa án sẽ có bên thắng, bên thua, bên không hài lòng, thỏa mãn với kết quả giải quyết, gây khó khăn cho việc hàn gắn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Hơn nữa, hòa giải viên là những người có uy tín trong ấp, khu vực nên nắm bắt được nội dung mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, rất thuận lợi trong quá trình hòa giải.

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai phổ biến, đa dạng và phức tạp, đòi hỏi đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải trong lĩnh vực đất đai nhằm hạn chế tối đa những vụ việc hòa giải không thành, phải chuyển lên cấp trên.

“Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc quan tâm bồi dưỡng giúp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên, đặc biệt là kỹ năng hòa giải về tranh chấp đất đai. Đây được xem là tiền đề, điều kiện cần thiết để công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh nói chung phát huy hiệu quả hơn nữa, góp phần hạn chế tranh chấp đất đai trong dân”, ông Phương nhấn mạnh.

Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và đưa ra hòa giải 1.744 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 1.583 vụ việc (đạt gần 91%), hòa giải không thành 155 vụ (chiếm 9%), còn lại 6 vụ việc đang được giải quyết.

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>