Chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách tư pháp

16/01/2024 | 05:14 GMT+7

Theo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh, trong năm 2023, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ CCTP, từ đó tạo được sự chuyển biến, với nhiều điểm sáng tích cực hướng đến việc bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Năm 2023, trọng tâm của công tác cải cách tư pháp là việc tổ chức thành công các phiên tòa xét xử trực tuyến.

Đánh giá từ Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cho thấy, trong năm qua, các cơ quan tư pháp trong tỉnh thực hiện tốt chương trình, kế hoạch trọng tâm công tác tư pháp đề ra; chất lượng công tác tư pháp chuyển biến tích cực theo hướng tôn trọng quyền dân chủ, quyền con người và bảo đảm công bằng xã hội trong khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động bổ trợ tư pháp... Năm 2023, cơ quan công an đã khởi tố 590 vụ/1.053 bị can về các loại tội phạm; tòa án hai cấp đã xét xử 6.624 vụ trong số 7.073 vụ việc thụ lý; cơ thi hành án cũng đã thi hành trên 8.200 việc,…

 Trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, theo đại tá Đặng Thanh Giang, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh, triển khai thực hiện công tác CCTP, thời gian qua, việc giải quyết các tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan điều tra các cấp đều đảm bảo kịp thời, đúng hạn luật định với tỷ lệ giải quyết đạt trên 85,4%. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, việc bố trí ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can được thực hiện rất nghiêm túc, đảm bảo các quyền cơ bản của công dân theo pháp luật về tố tụng”.

Còn đối với công tác xét xử, chuyển biến trong việc CCTP của tòa án hai cấp thể hiện rõ nhất chính là việc đổi mới tổ chức phiên tòa cả về nội dung và hình thức. Vì vậy, dù còn thiếu các trang bị các thiết bị hỗ trợ cho công tác tổ chức xét xử trực tuyến, nhưng tòa án hai cấp đã tranh thủ sự hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tận dụng, tiết kiệm các trang thiết bị sẵn có, qua đó tổ chức thành công 55 phiên tòa trực tuyến.

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, đánh giá: “Hiện nay, tòa án hai cấp rất chú trọng việc tổ chức xét xử trực tuyến theo chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao. Bởi làm tốt công tác này vừa giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc trích xuất bị cáo tham gia phiên tòa; người tham gia tố tụng có thể tham dự ở điểm cầu gần nơi cư trú, không phải đi lại nhiều lần… nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy trình tranh tụng và yêu cầu của công tác CCTP”.

Bên cạnh đó, trong hoạt động thi hành án, thực hiện theo yêu cầu CCTP, lãnh đạo Cục THADS tỉnh và các chi cục rất quan tâm công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong hoạt động nghiệp vụ, ngành THADS tỉnh chủ trương làm tốt “dân vận trong thi hành án”, qua đó lấy giáo dục, thuyết phục là chính, chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế khi biện pháp giáo dục không hiệu quả.

“Trong năm, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngày càng giảm, toàn ngành chỉ phải tiến hành cưỡng chế 54 trường hợp, giảm 8 trường hợp so với cùng kỳ, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương”, ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh thông tin.

Lĩnh vực giám định tư pháp, bổ trợ tư pháp cũng được quan tâm, chú trọng, đến nay Hậu Giang có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập, gồm Trung tâm Pháp y tỉnh Hậu Giang và Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh; 5 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; 77 giám định viên tư pháp và 19 người giám định tư pháp theo vụ việc phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh thì công tác CCTP vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật một số hình thức hiệu quả chưa cao; việc tham mưu, đề xuất, phối hợp trong CCTP có lúc chưa kịp thời, chặt chẽ. Cùng với đó, trong bối cảnh các vụ án và tính chất phức tạp của vụ án ngày càng tăng, nhất là hoạt động tội phạm công nghệ cao, nhưng lực lượng cán bộ tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp có giới hạn, áp lực công việc nhiều cũng ảnh hưởng tiến độ giải quyết.

Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, năm 2024 Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đề nghị các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nội dung; phối hợp với các ngành Trung ương bố trí, trang bị cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, nhất là tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên tòa cải cách tư pháp; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, phấn đấu trong thời gian tới hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giải quyết kịp thời các vụ án trọng điểm và những vụ án dư luận xã hội quan tâm, hạn chế thấp nhất tình trạng án oan sai, bị hủy, sửa.

Bổ trợ tư pháp phát triển về số lượng và chất lượng

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 tổ chức hành nghề công chứng với 23 công chứng viên; 36 luật sư đăng ký hành nghề trên địa bàn tỉnh, 1 trung tâm dịch vụ bán đấu giá, 1 công ty đấu giá hợp danh và 5 chi nhánh công ty đấu giá đăng ký hoạt động với 12 đấu giá viên, cùng với đó các mảng bổ trợ tư pháp khác như thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài thương mại,… đều được quan tâm, hỗ trợ, có thanh tra, kiểm tra thường xuyên, qua đó giúp đáp ứng nhu cầu của người dân trong thực hiện các dịch vụ pháp lý.

 

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>