Sáng tạo từ “những điều không tưởng”

11/11/2023 | 14:00 GMT+7

Tác giả Đào Mạnh Khang nhận giải Ba tại Cuộc thi Designed by Vietnam.

Tại cuộc thi Designed by VietNam (nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam lần thứ tư, tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế”, các tác giả đã sáng tạo nên những sản phẩm độc đáo từ "những điều không tưởng”.

Các tác phẩm “Đèn trang trí Soli” của 2 tác giả Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Hồng Phúc (giải Nhì) và “One More Seat” của tác giả Đào Mạnh Khang (giải Ba) chính là những ý tưởng như thế.

Sáng tạo từ chiếc ghế nhựa

Khi biết thông tin cuộc thi, Đào Mạnh Khang với sự giúp sức của bố đã hoàn thành dự án “One More Seat” với thông điệp “Khơi nguồn cảm hứng từ những điều thân quen - Khám phá chất liệu mới từ vỏ bọc cũ”.

Dự án lấy ý tưởng từ những chiếc ghế nhựa đỏ thân quen với bao thế hệ học trò. Chúng được sắp xếp, bổ sung một vài giá trị mới để tạo nên hình tượng chú rồng - là linh vật chính đại diện cho tinh thần của dự án, cũng là hình tượng gần gũi trong văn hóa Việt Nam.

Tác phẩm đã làm thay đổi góc nhìn để đưa ra những ý tưởng mới, tận dụng tối đa tiềm năng của mỗi sự vật, sự việc và lấy con người làm trọng tâm để sáng tạo, ý tưởng xuất phát từ ký ức, tìm kiếm giải pháp từ phạm vi gần nhất.

Lý giải về sự ra đời của tác phẩm, Đào Mạnh Khang cho biết: “Ngành sáng tạo nói chung và thiết kế nói riêng trong những năm gần đây đang có sự biến chuyển mạnh mẽ. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức. So với thời đại trước, chúng ta của thời đại hôm nay không chỉ vượt khó mà còn “vượt sướng”.

“Vượt sướng” là khi dữ liệu phát triển, chúng ta có quá nhiều thông tin để tiếp cận, dẫn đến đôi khi không biết nên bắt đầu từ đâu và bám trụ vào giá trị cốt lõi nào. Hiệu quả về mặt truyền tải thông tin, mỹ thuật vô hình trung tạo nên áp lực khiến chúng ta cảm thấy việc sáng tạo ra giải pháp thiết kế thật khó khăn và hạn chế. Thật sự có phải chúng ta hạn chế vì thiếu ý tưởng không hay đôi khi vì mải mê theo đuổi những thứ mới mẻ, xa tầm tay mà quên mất rằng việc nhìn lại những gì đang có để tận dụng tối đa hay khai thác những tiềm năng còn sót lại chính là giải pháp mà chúng ta đang cần”.

Hiện tại, tác giả Đào Mạnh Khang đang tập trung xây dựng thương hiệu cho dự án này để có thể chính thức giới thiệu công khai trong thời gian gần nhất.

Theo anh, ngành thiết kế thủ công luôn có một giá trị riêng. Trí tuệ nhân tạo vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để sản phẩm có giá trị độc bản của những ngành thủ công được khẳng định rõ nét, vì rõ ràng là những sản phẩm thủ công vẫn cần đến bàn tay con người mà điều này thì trí tuệ nhân tạo khó có thể làm được. Chiến dịch truyền thông “One More Seat” ra đời với mong muốn khơi nguồn cảm hứng từ những điều thân quen cũng như khám phá chất liệu mới từ vỏ bọc cũ.

Dự án "One More Seat" của tác giả Đào Mạnh Khang.

Sản phẩm ý nghĩa từ vỏ trứng

Tương tự như dự án của Đào Mạnh Khang, sáng kiến “Đèn trang trí Soli” của hai tác giả Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Hồng Phúc cũng là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo.

Theo lý giải của tác giả Nguyễn Hùng Cường, mỗi năm có khoảng 250.000 tấn vỏ trứng được thải ra trên khắp thế giới và phần lớn trong số này được đưa vào bãi rác. Câu hỏi đặt ra là vật liệu vỏ trứng có thực sự vô dụng và đáng bị bỏ đi?

Trong lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo, vỏ trứng đóng một vai trò đặt biệt khi trở thành nguyên vật liệu độc đáo cho những sản phẩm sơn mài, nhất là các bức tranh hay các đồ vật làm từ gỗ. Từng mảnh vỏ trứng được họa sĩ tỉ mỉ, cẩn thận đính lên, tạo nên sự phong phú không chỉ trong chất liệu mà còn biểu đạt mạnh mẽ cảm xúc cho dòng tranh này. Trong những năm gần đây, vỏ trứng thậm chí đã có những bước tiến mới khi là thành phần chính để tạo nên các loại vật liệu bền vững mới.

“Từ những ý trên, có thể thấy rằng vỏ trứng hoàn toàn có thể trở thành một vật liệu hết sức tiềm năng vì hội tụ rất nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, kết cấu vững chắc, linh hoạt và thân thiện với môi trường. Với góc nhìn của một người làm thiết kế, chiếc đèn Soli đã được chúng tôi hình thành như một phép thử để minh chứng rõ nét hơn cho quan điểm trên” - anh Cường nhấn mạnh.

Cái tên "Soli" được lấy cảm hứng từ những từ chỉ mặt trời trong tiếng La tinh như “soliculus” (Hy Lạp) hay “soleil” (Pháp). Bộ đèn Soli được hình thành dựa trên nguyên vật liệu chính là vỏ trứng nhuyễn kết hợp với giấy tái chế và xi măng. Đèn tuy nhỏ bé nhưng mang lại ánh sáng tự nhiên và ấm áp, tạo cảm giác như có một mặt trời thu nhỏ trong chính không gian sống của mỗi nhà.

Theo tác giả Nguyễn Hùng Cường, trong sản phẩm “Đèn trang trí Soli”, những nguyên vật liệu được lựa chọn đều có sự cân nhắc để hạn chế sự tác động đến môi trường sau khi vòng đời của sản phẩm kết thúc. Phần chao đèn là sự kết hợp giữa vỏ trứng nướng, bột giấy được tái chế từ bìa carton cũ cùng với keo sữa, thành phẩm sau khi tách khuôn có sự cứng cáp, dẫn sáng tốt và tạo ra hiệu ứng ánh sáng tự nhiên, độc đáo. Phần thân đèn là sự hòa trộn giữa vỏ trứng cùng xi măng, một loại vật liệu có độ bền cao.

Đèn mặt trời Soli tuy nhỏ bé nhưng lan tỏa thứ ánh sáng tự nhiên đầy ấm áp cho mọi không gian mà nó hiện diện. Bên cạnh đó, thân đèn được thiết kế theo hình như một phi hành gia nhỏ nhắn, mang đến cảm giác nhân cách hóa thú vị pha lẫn chút tinh nghịch đầy sức sống. Soli được hình thành thông qua phương thức bán thủ công, hỗn hợp vật liệu sau khi pha trộn theo tỷ lệ nhất định sẽ được đắp và định hình hoàn toàn thủ công trong lòng khuôn. Thành phẩm sau khi tách khuôn sẽ có sự đồng nhất về kích thước và kiểu dáng nhưng vẫn giữ được tính độc bản thông qua họa tiết trên bề mặt sản phẩm.

“Công việc sáng tạo không chỉ dựa trên những ý tưởng mang tính đột phá mà còn đến từ khả năng nhìn nhận và biến những vật liệu tưởng chừng bình thường trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bộ đèn Soli ra đời chính là thông điệp khẳng định rằng, chúng ta hoàn toàn có thể sáng tạo mà vẫn giữ được tầm nhìn bền vững cho tương lai của hành tinh” - tác giả Nguyễn Hùng Cường nhấn mạnh.

Cũng theo tác giả Nguyễn Hùng Cường, bản thân anh đặc biệt yêu thích đề tài của cuộc thi năm nay vì tính thực tế, nhìn một cách trực diện vào vấn đề và giải quyết nó theo tư duy sáng tạo. Đối với nhóm tác giả, giải thưởng chính là một lời động viên vô cùng to lớn và ý nghĩa. Đây cũng là cơ hội để nhóm tác giả giới thiệu đến mọi người một góc nhìn mới, rằng công việc sáng tạo không chỉ đến từ những ý tưởng có tính đột phá, mà còn liên quan tới khả năng nhìn nhận và biến những vật liệu tưởng chừng bình thường trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Những sản phẩm như “Đèn trang trí Soli”, “One More Seat” không chỉ là kết quả của quá trình dày công nghiên cứu, tìm hiểu, tính toán kỹ lưỡng căn cứ vào yêu cầu thực tế của các tác giả, mà còn xuất phát từ tình yêu, trách nhiệm của họ với môi trường sống đang ngày càng ô nhiễm trước tác động của chính con người.

Theo Hanoimoi online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>