Tích trữ nước cho sản xuất và sinh hoạt

15/05/2023 | 06:23 GMT+7

Mặc dù đã có những cơn mưa rải rác, nhưng theo dự báo của ngành chuyên môn, mùa hạn, mặn năm nay có thể kéo dài đến hết tháng 5. Khả năng sẽ thiếu nước ngọt cục bộ trong sinh hoạt và sản xuất tại nhiều khu vực trong tỉnh.

Nhà vườn trồng cây ăn trái bơm sình, nạo vét mương để tích trữ nước nhằm giúp cây vượt qua mùa khô năm nay. Ảnh: D.KHÁNH

Thiếu nước cục bộ

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, hiện tại đang ở kỳ triều kém (mực nước thấp) và sẽ lên nhanh từ ngày 18-5. Mực nước trên các sông, kênh, rạch đạt đỉnh kỳ triều cường vào ngày 19 đến 21-5, tại trạm Phụng Hiệp từ 1,12m đến 1,20m, thấp nhất từ -0,65m đến -0,75m. Tại trạm Vị Thanh cao nhất từ 0,54m đến 0,60m, thấp nhất từ 0,20m đến 0,30m. Mực nước thấp hơn cùng kỳ năm 2022 từ 0,10m đến 0,20m.

Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, cho biết: Lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào tỉnh từ ngày 11 đến 20-5 cao hơn tuần trước nhưng ở mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 4,5-6,0%. Do nắng nóng, khô hạn, nhu cầu sử dụng lượng nước cao và lượng nước bốc hơi lớn, do đó khả năng cung cấp nước mặt từ sông Hậu cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ thiếu hụt ở huyện Long Mỹ từ 6,0-8,0%, huyện Vị Thủy từ 2,5-4,0%, thị xã Long Mỹ từ 2,5-3,5%, huyện Phụng Hiệp từ 0,5-1,5% và thành phố Vị Thanh từ 2,0-3,0%.

Theo ghi nhận, hiện một số khu vực nông thôn sâu của xã Phương Phú, Phương Bình, Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, nơi mạng lưới nước sạch chưa thể đến thì người dân sẽ thiếu nước sạch sinh hoạt. Do những khu vực này đa phần người dân sử dụng nước sông, kênh mương để sinh hoạt hàng ngày, nhưng hiện nay mực nước xuống thấp gây rất nhiều khó khăn. Để ứng phó, nhiều nông hộ đã vay vốn tự khoan cây nước để sử dụng trong gia đình. Ông Nguyễn Văn Hậu, ở xã Tân Phước Hưng, cho biết: “Với những người có điều kiện thì tự bỏ tiền khoan cây nước sử dụng. Vì hiện mực nước sông xuống thấp, rác thải, xác động vật từ nơi khác trôi về cũng ô nhiễm khá nhiều, nếu tiếp tục sử dụng nước sông để sinh hoạt sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Bên cạnh việc thiếu nước sinh hoạt thì nắng nóng gây ra hạn hán thiếu nước tưới trong lĩnh vực sản xuất. Thường xuyên cập nhật tình hình hạn, mặn từ báo chí nên ông Nguyễn Văn Lý, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, đã tranh thủ nạo vét sình cho 6 công mít thái và chanh không hạt của gia đình. Theo ông Lý, hiện mực nước xuống thấp, nạo vét sình ngoài việc làm mát cho cây còn làm cho lòng mương được sâu hơn, từ đó tích trữ được nhiều nước hơn. Khi nước lớn thì lấy đầy nước trong mương, bí bọng lại để đủ lượng nước tưới cho vườn cây trong mùa khô năm nay. Ông Lý cho biết: “Hiện gia đình đã cho nạo vét sình dưới mương để đắp cho cây, đồng thời bơm tích trữ nước đầy các mương trong vườn. Đồng thời lắp hệ thống tưới phun sương để giảm thiểu lượng nước tưới, hy vọng đủ lượng nước tưới cho đến mùa mưa”.

Theo dự báo mùa khô năm nay huyện Phụng Hiệp sẽ có khoảng 20.000ha đất sản xuất bao gồm lúa Hè thu, cây ăn trái ở các địa phương như xã Bình Thành, Tân Bình, Hòa An, Thạnh Hòa sẽ thiếu nước tưới. Để ứng phó, hiện nay các địa phương trong huyện Phụng Hiệp đang đẩy mạnh nạo vét thủy lợi nội đồng để dẫn nước. Bên cạnh đó từ nguồn ngân sách, huyện cũng đầu tư khoảng 16 tỉ đồng nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn, duy tu sửa chữa lại các cống để tích trữ nước ngọt phòng, chống nước mặn xâm nhập và trữ nước để nông dân tưới tưới tiêu trong mùa hạn năm nay.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Theo dự báo thì năm nay thời tiết cực đoan, nắng nóng sẽ gây ra thiếu nước, do đó ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện triển khai các giải pháp công trình và phi công trình. Đối với giải pháp công trình thì sẽ đầu tư nạo vét các tuyến kênh dẫn nước và các tuyến kênh nội đồng để dẫn nước phục vụ sản xuất. Còn về giải pháp phi công trình thì tuyên truyền vận động người dân sản xuất tiết kiệm nước và tích trữ nước bằng nhiều biện pháp trong các ao mương để đủ nước sử dụng trong mùa khô.

Nhiều tuyến kênh ở Hậu Giang nguồn nước xuống rất thấp. Ảnh: T.TRÚC

Tăng cường ứng phó

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, dòng chảy về ĐBSCL thấp ở các tháng đầu mùa kiệt làm mặn đã lên sớm ở tháng 12-2022, tăng cao trong tháng 2 và tháng 3-2023; tháng 5 xu thế mặn giảm trên các cửa sông Cửu Long. Cụ thể, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ nguồn nước đảm bảo, ngoại trừ các vùng núi cao thuộc Tịnh Biên, Tri Tôn. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, tháng 5 mặn với nồng độ 4%o có thể xâm nhập sâu 35-40km; gió Chướng mạnh có thể làm mặn vào sâu 40-50km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Vùng ven biển ĐBSCL bao gồm các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn. Tháng 5 mặn vào sâu 35-50km; nửa đầu tháng 5 mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập 65-75km, khu vực sông Cái Lớn, mưa đến muộn, mặn còn kéo dài đến cuối tháng 5. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên. Dự báo từ nay đến ngày 18-5-2023, mặn có xu thế giảm hơn so với tuần trước rồi tăng nhẹ ở cuối tuần, dự báo nhưng thấp hơn đỉnh mặn vừa qua. Các địa phương cần chú ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn để lấy nước, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm ở vùng khó khăn về nước do thời tiết nắng nóng và mặn còn duy trì cao đến cuối tháng 5.

Bên cạnh đó, nguồn nước về ĐBSCL có chuyển biến bất lợi do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng, mưa đến muộn, dòng chảy lại phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực, mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời gian nào do vận hành thủy điện gây ra. Vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn, mặn phù hợp với điều kiện của vùng như đã khuyến cáo.

Vùng thượng ĐBSCL nguồn nước thuận lợi, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn. Vùng giữa ĐBSCL nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn, đặc biệt là tại các vùng cây ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng… đồng thời, cần đề phòng mặn còn cao và kéo dài đến cuối tháng 5.

Để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đề nghị các địa phương cần chủ động các giải pháp ứng phó, chủ động tích nước cho sinh hoạt và cây trồng cạn, tích trữ nước trong các hệ thống kênh rạch trước các kỳ mặn lên cao. Song song đó là tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>