Siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

20/04/2023 | 07:44 GMT+7

Hiện đã vào cao điểm mùa khô và độ ẩm trên nhiều khu rừng ở mức thấp, đồng thời dây leo cũng khô lá khá nhiều nên ngành chức năng cùng các chủ rừng trong tỉnh đã và đang siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Cán bộ khu bảo tồn đã và đang tăng cường tuần tra bảo vệ và PCCCR tại đơn vị.

Bảo vệ “lá phổi xanh” cho vùng đồng bằng

Hiện diện tích đất rừng của tỉnh là 5.883ha, có rừng là 3.776ha, trong đó rừng đặc dụng 1.482ha và rừng sản xuất 2.293ha. Trong các đơn vị chủ rừng của tỉnh thì Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (khu bảo tồn), ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, là nơi có diện tích đất rừng lớn nhất khi có 2.712ha, trong đó có rừng là gần 1.500ha. Ngoài ra, khu bảo tồn còn được nhiều nhà khoa học ví như “lá phổi xanh” của vùng đồng bằng sông Cửu Long khi nơi đây có không khí trong lành, thiên nhiên hoang dã với màu xanh của rừng tràm, lau sậy, dây choại… Do đó, vào mùa khô hàng năm, đặc biệt là cao điểm nắng nóng như hiện nay thì công tác PCCCR luôn được khu bảo tồn đặc biệt quan tâm nhằm giữ cho “lá phổi xanh” luôn xanh tốt.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc khu bảo tồn, cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, khu bảo tồn đã chủ động xây dựng kế hoạch và lên phương án cho công tác PCCCR tại đơn vị được sát với tình hình thực tế, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao vào từng thời điểm cụ thể. Đặc biệt, từ khi Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (Ban chỉ đạo) tỉnh có thông báo nâng cấp dự báo cháy rừng từ cấp thấp (cấp I) lên cấp cao (cấp III) trên tất cả các khu rừng trong tỉnh từ ngày 24-3 vừa qua thì công tác PCCCR được đơn vị siết chặt theo kế hoạch đề ra cho đến nay.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ đã và đang được khu bảo tồn đẩy mạnh vào lúc này là thường xuyên tăng cường số lần đi tuần tra, kiểm soát dưới mặt đất và trên tháp canh, nhất là ở những khu vực trọng điểm nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc người dân vào rừng trái phép. Bên cạnh công tác tuần tra là gắn với việc kiểm tra độ ẩm của nước, cũng như độ khô của thực bì và dây leo trên các khu rừng. Qua việc kiểm tra hàng ngày, cán bộ chuyên môn của khu bảo tồn sẽ tiến hành khoanh vùng trọng điểm để tập trung cho công tác PCCCR đạt hiệu quả.

Đang cùng anh em đi tuần tra PCCCR tại khu Gò Lức, thuộc khu bảo tồn, anh Nguyễn Hoàng Thọ, thành viên đội bảo vệ rừng của khu bảo tồn, thông tin: Do nắng nóng kéo dài trong thời gian qua nên khu Gò Lức (nơi có địa hình cao nhất của khu bảo tồn), hiện mực nước dưới chân rừng đã khô cạn làm cho các loại thực bì như cỏ, sậy, lát, u du, dây tơ hồng, tơ lụa, choại, bòng bong... bị cắt nguồn nước nên kéo theo khô héo, rụng lá. Lớp thực bì được tích tụ từ nhiều năm trước và cộng thêm năm nay nên đang tơi xốp, khô hanh với độ dày khá cao, từ đó dễ bắt lửa, nguy cơ gây cháy rừng cao. Ngoài khu Gò Lức thì hiện nhiều khoảnh rừng khác của khu bảo tồn, hiện mực nước dưới chân rừng cũng đã dần khô cạn. Trước tình hình trên, nhiều ngày qua (kể cả thứ bảy và chủ nhật), các anh em trong đội tổ chức nhiều cuộc đi tuần tra PCCCR. Tuy có hơi vất vả nhưng tất cả đều nỗ lực cố gắng với quyết tâm luôn giữ màu xanh cho các khu rừng nơi đây.

Bên cạnh công tác trên thì cán bộ chuyên môn của khu bảo tồn còn thường xuyên túc trực giám sát 4 chiếc camera quan sát được gắn trên đỉnh các tháp canh để quan sát bao quát phía trên các khu rừng. Thông qua thiết bị camera quan sát sẽ giúp cán bộ khu bảo tồn phát hiện nhanh và sớm những sự cố để kịp thời thông báo và có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ngoài ra, khu bảo tồn còn thường xuyên kiểm tra, vận hành các trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR luôn trong tư thế sẵn sàng khi có sự cố xảy ra; đồng thời thực hiện phát dọn kênh, mương để khơi thông dòng chảy dẫn nước vào rừng và thực hiện bơm nước tràn lên các khu rừng đang bị khô nước nhằm tạo độ ẩm dưới chân rừng. Đặc biệt, khu bảo tồn đã và đang phối hợp với ngành chức năng của tỉnh, huyện và chính quyền địa phương ở các đơn vị giáp ranh thực hiện nhiều cuộc thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về PCCCR.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ, người dân sống ở vùng giáp ranh khu bảo tồn, thuộc ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Thông qua công tác tuyên truyền, vận động mà tôi và bà con nơi đây rất ý thức trong việc cùng chung tay với khu bảo tồn thực hiện tốt công tác PCCCR. Theo đó, trước khi đốt đồng để sạ lại vụ lúa Hè thu thì bà con đều báo với cán bộ khu bảo tồn và khi có cán bộ xuống giám sát thì nông dân mới thực hiện. Ngoài ra, khi phát hiện người dân vào rừng trái phép, nhất là vào những tháng cao điểm của mùa khô thì bà con cũng báo ngay để khu bảo tồn xử lý kịp thời”.

Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp 

Trước tình hình nắng nóng đang diễn ra gay gắt nên ngoài khu bảo tồn thì hiện các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở và chủ rừng trong tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác PCCCR nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất sự cố có liên quan đến cháy rừng. Cụ thể, gần nhất là từ ngày 19 đến 21-4, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tiến hành đi kiểm tra thực tế về công tác PCCCR tại 6 chủ rừng trong tỉnh. 

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Nội dung trọng tâm của đợt kiểm tra lần này tại các chủ rừng là kiểm tra trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ PCCCR; công trình phục vụ công tác PCCCR; công tác tổ chức, xây dựng lực lượng PCCCR; công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ rừng và công tác tuần tra bảo vệ rừng… Ngoài những công việc trên thì Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tỉnh sẽ kiểm tra tình hình thực tế tại một số khu rừng trọng điểm của tỉnh. Từ kết quả kiểm tra lần này sẽ làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh có sự chỉ đạo sát sao và phù hợp với tình hình thực tế về PCCCR trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh công việc đang thực hiện như trên thì từ đầu mùa khô đến nay, nhất là từ khi tỉnh nâng cấp dự báo cháy rừng lên cấp nguy hiểm (cấp III) trên phạm vi toàn tỉnh thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng Hạt kiểm lâm các địa phương có rừng trong tỉnh thường xuyên cử cán bộ kiểm lâm xuống các chủ rừng để hỗ trợ nhiều mặt về thực hiện công tác PCCCR. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn thực hiện khoanh vùng các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao trên bản đồ để phục vụ công tác đi thực địa; đồng thời ứng dụng công nghệ viễn thám (FIRMS), cũng như theo dõi thông tin thời tiết trên ứng dụng Windy.com và cập nhật hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến trên trang website của Cục Kiểm lâm - Bộ NN&PTNT để tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng kịp thời, phù hợp.

Mặt khác, xác định các hoạt động xã hội có nguy cơ gây ra cháy rừng là việc hộ gia đình đang sinh sống, canh tác trong rừng sử dụng lửa trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Ngoài ra, người dân ở tại chỗ và các địa phương giáp ranh thường xuyên qua lại, có khi lén lút ra vào rừng khai thác lâm sản, sử dụng lửa đun, nấu, hút thuốc ném tàn,... bất cẩn làm xảy ra phát lửa trong rừng, ven rừng. Vì vậy, vào thời điểm cao điểm của mùa nắng nóng như hiện nay, các chủ rừng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và ý thức cảnh giác PCCCR cho người dân sinh sống ở các địa phương có rừng.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong PCCCR là “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ”, hiện các chủ rừng trong tỉnh đã thành lập được 6 Ban chỉ huy PCCCR, với 41 thành viên và một tổ PCCCR, với 4 thành viên. Bên cạnh đó, lực lượng chữa cháy chuyên trách gồm cán bộ, viên chức của chủ rừng và kiểm lâm địa bàn hiện có 22 tổ, với 88 thành viên. Đồng thời, lực lượng quần chúng chữa cháy rừng gồm công nhân hợp đồng thời vụ, các hộ gia đình sinh sống trong rừng, ven rừng, dân quân tự vệ, tổ nhân dân tự quản, được tổ chức thành từng tổ từ 10-15 người và hiện lực lượng này có 35 tổ, với 777 thành viên, thuộc sự chỉ huy, điều động của ban chỉ đạo PCCCR các xã và Ban chỉ huy PCCCR của các chủ rừng.

Ông Đoàn Ngọc Thân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết thêm: Công tác PCCCR luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các sở, ngành, các địa phương có rừng trong tỉnh. Ngoài ra, công tác PCCCR luôn được triển khai, phối hợp tốt giữa các chủ rừng và chính quyền địa phương, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư nơi có rừng nên đã và đang bảo vệ tốt diện tích rừng cho tỉnh hiện tại cũng như trong thời gian tới.

Về công trình phòng cháy rừng, hiện toàn tỉnh có 8 tháp canh kiên cố, 36 cống, đập trữ nước, 4 máy bơm tràn, 19 bộ máy chạy vỏ để vận chuyển người và phương tiện chữa cháy, 34 camera quan sát lửa rừng và người ra vào rừng trái phép. Đối với phương tiện chữa cháy có 4 máy phao nổi và 620m vòi chữa cháy; đồng thời có 19 máy chữa cháy chuyên dùng, 3 máy bơm nước nhỏ, với 7.660m vòi chữa cháy. Ngoài ra, Ban chỉ đạo PCCCR các xã, phường, thị trấn có rừng đều được trang bị một máy chữa cháy cơ động với 40m vòi chữa cháy và hàng trăm dụng cụ thô sơ khác sẵn có tại địa phương để phục vụ cho công tác chữa cháy rừng tại chỗ.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>