Nâng tầm mít Hậu Giang

22/06/2022 | 08:52 GMT+7

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang” đang được tích cực triển khai, nhằm trợ lực cho người trồng mít và nâng tầm cho loại cây trồng chủ lực này.

Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc trồng mít, tạo môi trường canh tác bền vững, thân thiện với môi trường.

Trợ lực cho người trồng mít

Từ những năm 2008-2009, cây mít siêu sớm đã xuất hiện tại huyện Châu Thành, tập trung tại các xã Đông Phước và Đông Phước A. Giai đoạn đầu, cây mít phát triển tốt, mang lại thu nhập khá cho người trồng. Do đó, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang trồng và nhân rộng loại cây này. Đến nay, cây mít đã có mặt ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Tổng diện tích trồng mít của cả tỉnh hiện nay là khoảng gần 9.000ha.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình hình trồng mít trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định và đầu ra bấp bênh. Ông Phạm Hoàng Vũ, chuyên viên Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Những năm gần đây, nông dân tự chuyển đổi một số loại cây trồng khác sang cây mít khá nhiều. Vì xét thấy cây mít là loại cây dễ trồng và mau thu hoạch, mau cho trái. Trong quá trình chuyển đổi trồng mít, một số nông dân trồng mật độ rất dày, bón nhiều phân hóa học nhằm tăng tốc để mau thu hoạch. Đến khi để lấy trái thì cho mang nhiều trái trên cây, làm ảnh hưởng đến sinh vật gây hại và chất lượng trái. Có những vườn mít khi thương lái vào mua, tỷ lệ trái mít đạt loại 1 luôn dưới 30%, khiến người nông dân bị thua lỗ. Bên cạnh đó, vẫn có một số vườn mít áp dụng các biện pháp canh tác theo khuyến cáo, thực hiện theo khoa học kỹ thuật ngành chuyên môn của địa phương hướng dẫn thì cũng khá thành công”.

Trồng mít trên địa bàn tỉnh hiện rất cần sự trợ lực để cải thiện năng suất, chất lượng, mang lại thu nhập ổn định và bền vững hơn cho người nông dân. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang” là một trong những sự trợ lực đó. Dự án là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, do Ths. Phạm Thành Tôn làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh là tổ chức chủ trì, thực hiện từ năm 2020. Sau gần 2 năm triển khai, đến nay, đã có khoảng 100 nông hộ nhận được sự quan tâm, trợ lực từ dự án.

Tham gia dự án, nông hộ được hỗ trợ 50% chi phí cho các phần nguyên vật liệu như vôi sữa, chế phẩm nấm xanh, chế phẩm nấm tím để phục vụ sản xuất; 50% chi phí xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn VietGAP; 100% chi phí chứng nhận và phân tích mẫu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, nông hộ còn được tập huấn về kỹ thuật canh tác, thực hành và xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn lao động, y tế,... và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhờ đó, người nông dân yên tâm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, canh tác bền vững và thân thiện với môi trường trên vườn mít của mình.

Nâng tầm cây mít

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang” đang xây dựng mô hình sản xuất 120ha mít theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 100ha được cấp chứng nhận. Dự án cũng tập huấn và hướng dẫn nông hộ ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc mít trên nền tảng công nghệ Blockchain bằng phần mềm KIPUS. Qua đó, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của trái mít trên thị trường

Ngoài ra, dự án còn tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang”. Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang” cho sản phẩm trái mít tươi của tỉnh và sẽ tiến hành cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian tới. Đây được xem là một bước tiến nhằm khẳng định vị thế, thương hiệu đặc trưng của trái mít Hậu Giang. Song song đó, dự án cũng xây dựng trang web với đầy đủ thông tin về kỹ thuật và thị trường để định hướng sản xuất mít tại tỉnh được thích hợp, hiệu quả hơn.

Tham gia dự án từ những ngày đầu, ông Trần Hữu Hoàn, nông dân tại ấp Xẻo Lớn A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, rất phấn khởi vì được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 2ha trồng mít theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Hoàn cho biết: “Đây là mơ ước của người nông dân, nhưng trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Nhờ có dự án mà chúng tôi được tiếp cận với các kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe vừa giảm được công lao động. Chúng tôi được hỗ trợ các chế phẩm để sử dụng, giúp cây phát triển tốt, hạn chế được các loại sâu hại và giảm nhẹ chi phí. Vì vậy, tôi quyết tâm duy trì trồng mít theo hướng này”.

Theo Ths. Phạm Thành Tôn, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh, Chủ nhiệm dự án: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn nông hộ kỹ thuật trồng mít và cập nhật nhật ký canh tác. Hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Dự kiến, dự án sẽ được nghiệm thu vào tháng 10-2022 tới”. Mặc dù dự án đã đi đến giai đoạn cuối, nhưng những hiệu quả thiết thực mà dự án mang lại sẽ còn được duy trì và tiếp nối, góp phần trợ lực cho người trồng mít trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đưa nhãn hiệu “Mít Hậu Giang” vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>