Kỳ vọng mùa tôm

05/04/2023 | 07:32 GMT+7

Từ những yếu tố thuận lợi ngay từ đầu vụ thả con giống nên nhiều hộ nuôi tôm ở ngoài tuyến đê bao ngăn mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ đang đặt nhiều kỳ vọng về một vụ mùa thắng lợi.

Người nuôi tôm xã Lương Nghĩa thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trong vuông nuôi để cung cấp nguồn nước kịp thời cho tôm.

Với mục tiêu chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng “thuận thiên” nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và mang lại hiệu quả canh tác như tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng BĐKH, nhiều năm qua, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân thì có nhiều nông dân ở ngoài vùng đê bao ngăn mặn thuộc ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ tiến hành cải tạo lại đồng ruộng và chờ khi con nước mặn trên sông cái Ngan Dừa có nồng độ phù hợp sẽ đưa vào đồng ruộng để thả tôm nuôi. Loại tôm mà bà con nơi đây thường nuôi là tôm sú và được nuôi theo hình thức quảng canh.

Vừa thả xong hơn 90 thiên con tôm giống (1 thiên bằng 1.000 con) trên diện tích 3ha vuông nuôi tôm của gia đình, ông Nguyễn Văn Tửng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, thông tin: “Điều làm cho bà con nuôi tôm nơi đây đang cảm thấy phấn khởi ngay khi vào đợt thả con giống là nồng độ mặn năm nay ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Cụ thể, độ mặn được ngành chức năng huyện Long Mỹ đo được dưới sông cặp các vuông tôm là sông cái Ngan Dừa trong những ngày qua dao động từ 7-10‰, có hôm lên 11‰. Tranh thủ nước mặn có nồng độ như trên nên tôi và bà con nơi đây đã lấy nước mặn vào đồng ruộng tích trữ và tiến hành thả tôm giống nuôi. Năm nay, độ mặn cao nên hầu hết bà con đều đặt nhiều kỳ vọng về một vụ tôm thắng lợi trên các mặt khi vào đợt thu hoạch”.

Cùng niềm phấn khởi vào đầu vụ thả tôm giống, bà Nguyễn Thị Hường, có 1,6ha vuông tôm cách ông Tửng không xa, cho hay: “Năm rồi lúc này độ mặn chỉ khoảng 3‰, còn năm nay tăng lên gấp 3 lần nên tranh thủ nước mặn có nồng độ cao, gia đình tôi đã thả trước 8 thiên tôm giống cho 6 công vuông tôm được 20 ngày, diện tích còn lại sẽ được thả dứt điểm trong vài ngày tới. Ngoài yếu tố thuận lợi về nồng độ mặn cao thì giá tôm giống năm nay cũng ổn định như mọi năm khi ở mức 110.000 đồng/thiên. Năm nay, với điều kiện nước mặn có nồng độ cao nên tới đây, sau khi thu hoạch vụ tôm sú thì tôi dự định thả nuôi tôm càng xanh ở mùa vụ thứ 2”.  

Theo chia sẻ của các hộ nuôi tôm tại vùng ngoài đê bao ngăn mặn huyện Long Mỹ thì trước đây do vùng đất nơi đây bị nhiễm phèn, mặn nên nông dân xứ này thường chỉ gieo sạ một vụ lúa trong năm, sau đó thì bỏ đất trống; chỉ một số ít hộ đợi mưa xuống thì tiến hành gieo sạ thêm một vụ lúa nhưng hiệu quả mang lại rất thấp, thậm chí bị thua lỗ. Tuy nhiên, vào mùa khô năm 2015, nước mặn với nồng độ cao xuất hiện, trong đó đỉnh điểm là mùa khô năm 2016 nên bà con không còn bỏ đất trống hay canh tác vụ lúa kém hiệu quả mà chuyển sang mô hình nuôi tôm sú. Từ việc chuyển đổi sản xuất theo hướng “thuận thiên” đã và đang góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân khi biến khó khăn thành cơ hội phát triển.

Theo đó, trước khi thả tôm giống ra môi trường tự nhiên để nuôi thì nông dân thường để tôm giống ở trong vèo từ 5-7 ngày nhằm giúp tôm quen với môi trường nước. Về công đoạn cải tạo đất, bà con thường tiến hành thu gom hết rơm rạ từ vụ lúa Đông xuân lên bờ, sau đó thực hiện rải vôi bột, phân chuyên dùng và phơi đất dưới trời nắng gần 20 ngày. Trong suốt quá trình nuôi, công chăm sóc tôm rất nhẹ vì bà con chỉ việc theo dõi nguồn nước mặn trong vuông nuôi để bổ sung kịp thời khi thấy nước trong vuông đã cạn (mực nước lý tưởng trong vuông từ 40-50cm). Bên cạnh đó, nông dân không phải tốn tiền mua thức ăn cho tôm vì tôm tự đi kiếm ăn ngoài tự nhiên, nhờ vậy chi phí đầu tư không cao, bình quân từ 4-5 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm quảng canh còn giúp thịt tôm săn chắc, dai, ngọt nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tôm sau khi nuôi khoảng 3 tháng đạt trọng lượng từ 30-35 con/kg thì sẽ tiến hành thu hoạch bán cho thương lái, với mức giá của những vụ tôm năm trước dao động từ 120.000-140.000 đồng/kg (tùy kích cỡ tôm).

“Nếu trúng mùa thì một đợt thu hoạch 3ha tôm của gia đình tôi có thể kiếm được nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, còn bình thường thì cũng đạt 40-50 triệu đồng. Ngoài bán tôm thì tôi còn kiếm được 10 triệu đồng từ tiền bán tép và 20 triệu đồng từ việc bán nhiều loại cá đồng. Như vậy, tổng thu nhập từ mô hình nuôi tôm thay cho 2 vụ lúa Hè thu và Thu đông đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác lúa. Do đó, đây được xem là hướng đi phù hợp trong việc sản xuất theo hướng “thuận thiên” cho người dân ở ngoài đê bao thường bị ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ”, ông Nguyễn Văn Tửng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, thông tin thêm.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Mọi năm, diện tích nuôi tôm ngoài đê bao ngăn mặn trên địa bàn huyện đạt khoảng 80ha, trong đó tập chung chủ yếu ở ấp 6, xã Lương Nghĩa. Tuy nhiên, năm nay do nước mặn có nồng độ cao nên bà con ngoài đê bao ngăn mặn đã chuyển từ trồng rau màu sang nuôi tôm sú, từ đó diện tích nuôi được mở rộng lên gần 100ha, tại địa bàn ấp 6, ấp 7 và ấp 8, xã Lương Nghĩa. Ở nhiều mùa khô đã qua, mô hình 1 vụ lúa 2 vụ tôm, ngoài việc giúp người dân thích ứng với điều kiện hạn mặn thì đây còn là giải pháp giúp bà con sống ở ngoài tuyến đê bao ngăn mặn của xã Lương Nghĩa có nguồn thu nhập tốt hơn, nhất là việc nuôi tôm sú. Cùng với việc khuyến cáo người dân nhân rộng mô hình thì địa phương còn phối hợp với ngành chức năng có liên quan của tỉnh tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời hỗ trợ 50% kinh phí về con giống nhằm giúp nông dân giảm gánh nặng và thực hiện mô hình đạt hiệu quả hơn. Riêng năm nay, địa phương hỗ trợ 50% chi phí về con giống cho bà con với diện tích hơn 20ha. 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>