Hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai

10/05/2023 | 18:53 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, với sự chủ động thực hiện nhiều giải pháp từ ngành chức năng và người dân nên công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Tình hình sạt lở bờ sông trong những tháng đầu năm trên địa bàn diễn ra thường xuyên, từ đó gây nhiều lo lắng cho người dân.

Nồng độ mặn và số vụ sạt lở tăng

Theo chia sẻ từ các địa phương thường chịu ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm trên địa bàn tỉnh thì từ đầu năm đến nay, diễn biến tình hình xâm nhập mặn diễn ra phức tạp, khó lường. Đặc biệt, nồng độ mặn cao nhất ghi nhận được là cao hơn gấp nhiều lần so với mùa khô cùng kỳ năm trước. Cụ thể, diễn biến mặn từ thủy triều Biển Đông, độ mặn ghi nhận cao nhất trên sông Cái Côn, thuộc huyện Châu Thành là 1,7‰ (xuất hiện vào ngày 4-3), cao hơn 1,4‰ so với cùng kỳ. Còn diễn biến mặn từ thủy triều Biển Tây (sông Cái Lớn - Cái Bé), độ mặn cao nhất trên địa bàn thành phố Vị Thanh là 2,9‰ (xuất hiện vào ngày 16-4), tăng 2,7‰ so với cùng kỳ; riêng địa bàn huyện Long Mỹ, độ mặn cao nhất đạt đến 11,6‰ (xuất hiện vào ngày 27-3), tăng 7‰ so với cùng kỳ.

Mặc dù nồng độ mặn trong mùa khô năm nay ở mức khá cao tại nhiều địa phương, nhất là trên địa bàn huyện Long Mỹ khi thường dao động từ 4-10‰; tuy nhiên, với tinh thần chủ động bằng nhiều giải pháp công trình và phi công trình, từ đó các địa phương đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Qua đây, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, thông tin: Công tác ứng phó xâm nhập mặn được địa phương quan tâm xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp trọng tâm ngay từ cuối năm 2022; nhờ vậy, huyện luôn chủ động và ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nhất là thực hiện tốt công tác thông tin sau khi có kết quả đo mặn mỗi ngày, cũng như vận hành đóng, mở các cống ngăn mặn hiệu quả vào từng thời điểm. Ngoài ra, công tác ứng phó xâm nhập mặn của huyện còn nhận được sự thống nhất và chung sức từ người dân. Trong đó, nổi bật là việc người dân chủ động và tích cực trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ được hợp lý để không bị hoặc giảm thiệt hại do nước mặn gây ra. Mặt khác, tại những vùng ngoài đê bao ngăn mặn (chủ yếu trên địa bàn xã Lương Nghĩa), nông dân còn thực hiện mô hình “lúa - tôm” đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực. 

Cụ thể về giải pháp chuyển dịch cơ cấu mùa vụ thì tại những vùng thường chịu ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ, bà con tranh thủ gieo sạ sớm vụ lúa Đông xuân khoảng 15 ngày so với trước đây để thu hoạch lúa trước khi nước mặn về. Từ cách làm trên mà từ đầu mùa khô đến nay, ước tính huyện Long Mỹ tiết kiệm được khoảng 1,2 tỉ đồng từ nguồn kinh phí dự kiến đắp đập thời vụ để ngăn mặn.

“Điều đáng phấn khởi hơn là tuy tình hình xâm nhập mặn năm nay trên địa bàn huyện có nồng độ mặn ở mức rất cao, thế nhưng với sự chủ động bằng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm nên hiện địa phương chưa ghi nhận tình hình thiệt hại trong sản xuất của bà con do nước mặn gây ra. Dự báo tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh (trọng tâm là tại huyện Long Mỹ) có thể kéo dài đến hết tháng 5 này, do đó các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở sẽ tiếp tục thực hiện tốt các công việc trong ứng phó xâm nhập mặn theo kế hoạch đề ra”, ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, thông tin thêm.

Cùng chia sẻ về công tác ứng phó hạn, mặn từ đầu mùa khô đến nay, ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho hay: Khi nắm được tình hình dự báo của cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh về thời tiết trong mùa khô năm nay sẽ diễn ra nắng nóng kéo dài và nhiệt độ ở mức cao, do đó, thông qua Chiến dịch giao thông nông thôn - Thủy lợi và bảo vệ môi trường, từ đầu năm đến nay, địa phương đã thực hiện nạo vét để khơi thông dòng chảy và trữ nước ngọt cho nhiều tuyến kênh thủy lợi nội đồng; qua đây góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Ngoài yếu tố hạn, mặn gay gắt thì tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay cũng diễn ra khá căng thẳng khi gia tăng về số vụ, trong đó tình hình sạt lở bờ sông tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành và Châu Thành A. Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 17 điểm sạt lở bờ sông; tổng chiều dài sạt lở là 340m, diện tích mất đất 1.619m2; ước thiệt hại là 772 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Từ đầu năm đến nay, khi trên địa bàn huyện xảy ra sự cố về sạt lở bờ sông thì địa phương luôn đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Cụ thể, ngay sau khi nhận được tin báo từ người dân thì Ban chỉ huy huyện đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để phối hợp với UBND địa phương sở tại điều động lực lượng dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng với người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp điểm sạt lở để ổn định đời sống và sinh hoạt của người dân tại vùng bị sạt lở. Ngoài ra, Ban chỉ huy huyện thường xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan của huyện và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra và thực hiện cắm các biển cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở để người dân có sự chủ động phòng ngừa hiệu quả, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại khi có sạt lở xảy ra.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra nồng độ mặn góp phần giúp ngành chức năng cùng người dân trong tỉnh phòng, chống xâm nhập mặn hiệu quả.

Chủ động ứng phó mưa, giông và lũ  

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ và tỉnh Hậu Giang thì thời tiết trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều biến động và diễn biến bất thường. Cụ thể, thời gian chuyển mùa và đầu mùa mưa bắt đầu từ ngày 25-4 đến ngày 5-5. Tổng lượng mưa năm nay trên địa bàn tỉnh có thể thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 5-10%. Trong đó, vào các tháng cuối năm (từ nửa cuối tháng 10 đến tháng 12) thì lượng mưa có xu hướng giảm và thấp hơn TBNN. Khi xuất hiện mưa thường kèm theo giông lốc với cường độ lớn cục bộ xảy ra ở nhiều nơi. Cần đề phòng giông lốc, sét đánh... vào thời kỳ chuyển mùa và các tháng đầu mùa mưa. Nhiệt độ trong mùa nắng nóng năm nay trên địa bàn tỉnh xấp xỉ TBNN và kết thức muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn TBNN, với nhiệt độ cao nhất vào khoảng 35-37 độ C.

Về mực nước trên hệ thống kênh, rạch trong tỉnh biến đổi theo triều và từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện nước lũ về. Trong đó, do ảnh hưởng triều cường Biển Đông và lũ trên sông Hậu nên khả năng đỉnh lũ cao nhất năm nay tại Hậu Giang sẽ xuất hiện vào đầu đến giữa tháng 10. Các địa phương trong tỉnh cần đề phòng những đợt triều cường cuối năm trùng với thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, mực nước triều có thể dâng cao bất thường và diễn biến phức tạp.

Trước tình hình dự báo trên, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đề nghị các ngành có liên quan từ tỉnh đến cơ sở sớm hoàn thiện quy hoạch phòng, chống thiên tai, thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu phục vụ sản xuất cho người dân; đồng thời điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Bên cạnh đó là thực hiện rà soát, cập nhật, hoàn thiện kế hoạch, kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp từng địa phương; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho lực lượng tham gia ứng phó kịp thời khi có xảy ra thiên tai, nhất là các tình huống bão muộn trên Biển Đông khi đổ bộ vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long (có tỉnh Hậu Giang) gây mưa lớn, ngập lụt, sét...

Ngoài ra, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp trong ứng phó các loại hình thiên tai là luôn trong tư thế sẵn sàng ứng trực, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Đặc biệt là cơ quan chuyên môn cần nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập do triều cường, sạt lở sông. Mặt khác, cơ quan chuyên môn phải thông tin kịp thời tới các địa phương, tổ chức, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến thiên tai, giải pháp ứng phó, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, hiện toàn tỉnh đã thành lập được 75 đội xung kích cấp xã tại 75/75 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Tổng số thành viên của đội xung kích cấp xã là 7.100 thành viên sẵn sàng ứng cứu Nhân dân khi xảy ra thiên tai (lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, công an, đoàn thể, tổ chức xã hội...). Ngoài ra, để nâng cao công tác dự báo và ứng dụng công nghệ số vào phòng, chống thiên tai, hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 14 trạm đo mưa, triều cường tự động.      

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>