Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng

27/04/2023 | 11:19 GMT+7

Trong thời chiến luôn đùm bọc, nuôi chứa bộ đội ta đánh giặc thắng trận, sang thời bình chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới và phát triển là tinh thần của cán bộ, người dân xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ.

Hiện hệ thống giao thông và cảnh quan môi trường trên địa bàn xã Vĩnh Viễn A được đầu tư khang trang, sạch đẹp.

Tự hào dấu son lịch sử

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử của dân tộc Việt Nam, chúng tôi có dịp về lại ấp 7 và ấp 9 thuộc xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (trước kia là xã Vĩnh Viễn) để được nghe những câu chuyện người dân cùng bộ đội ta đánh giặc xâm lược, đặc biệt là dấu son lịch sử về trận đánh “Thanh Thủy - Xẻo Giá” nổi tiếng ở vùng Tây Nam bộ.

Theo lời kể của nhiều cựu chiến binh nơi đây thì trước đây khu vực này có địa hình hiểm trở với nhiều cây tràm, dừa nước, lau sậy… mọc um tùm nên bộ đội ta thường chọn để đóng quân, nhất là lực lượng quân y để chăm sóc, cứu thương cho các chiến sĩ. Do đó, khu vực ấp 7 và ấp 9, nơi đây chỉ cách đồn Xẻo Giá của giặc khoảng 1km thường chứng kiến nhiều trận đánh càn quét bằng máy bay và dội bom ác liệt của quân địch. Thế nhưng, bộ đội ta kiên quyết bám trụ với sự chở che, đùm bọc của người dân.

Cựu chiến binh Trần Đa (69 tuổi), người từng tham gia Trung đoàn 6, thuộc pháo binh Quân khu 9 và cũng là người sống cố cựu ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, chia sẻ: “Tôi còn nhớ rất rõ là vào thời điểm khoảng từ năm 1965 đến trước ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là 30-4-1975 thì khu vực này hầu như ngày nào địch cũng dội bom xối xả. Tuy nhiên, với tinh thần yêu nước nên bộ đội ta luôn sát cánh cùng người dân đánh giặc cứu nước. Theo đó hàng ngày, người dân nơi đây thực hiện chằm lá dừa nước để bán lấy tiền mua gạo đem về tiếp tế lương thực cho bộ đội ta đang trú ẩn nơi đây. Đặc biệt, vào những tháng mùa khô như hiện nay, do tình hình xâm nhập mặn nên nguồn nước ngọt nơi đây rất khan hiếm, tuy nhiên bằng mưu lược của mình mà sớm hay muộn trong ngày, người dân luôn đảm bảo có nguồn nước ngọt cho bộ đội sinh sống”.

Nói riêng về dấu son lịch sử của trận đánh “Thanh Thủy - Xẻo Giá”, thuộc ấp 7 và ấp 9 xã Vĩnh Viễn (nay là Vĩnh Viễn A), huyện Long Mỹ giữa bộ đội ta với địch, nhiều cựu chiến binh xã Vĩnh Viễn A luôn tự hào kể lại. Vào ngày 15-2-1967 (nhằm ngày Mùng 7 tết Đinh Mùi), đã diễn ra trận đánh lịch sử giữa Tiểu đoàn 303 (có sự tham gia của du kích và cán bộ dân chánh ấp) thuộc Trung đoàn Quân khu 9 của ta với Trung đoàn 31 của Sư đoàn 21 ngụy quyền Sài Gòn. Suốt gần một ngày chiến đấu anh dũng, bộ đội ta đã diệt hơn 350 tên địch, bắn rơi 13 trực thăng quân sự UH-1 và 2 máy bay ném bom F105. Đây là trận đánh mà bộ đội ta bắn rơi nhiều máy bay của địch khi đứng thứ 2 ở miền Tây Nam bộ. Qua đây, góp phần làm thất bại chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ - ngụy.

Cựu chiến binh Võ Minh Sánh (62 tuổi), ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, thông tin: “Ở trận đánh lịch sử này, nhiều chiến sĩ, quân du kích và cán bộ dân chánh ấp của ta cũng hy sinh nên Nhà nước quyết định lập bia tưởng niệm để con cháu đời sau tưởng nhớ. Và nhiều năm qua, mỗi khi đến ngày mùng 7 tết hàng năm thì chính quyền địa phương, các đoàn thể của xã, ấp và bà con cùng tụ họp về bia tưởng niệm nơi đây để tổ chức cúng mâm cơm cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập của đất nước”.

Quê hương phát triển

Do chiến tranh tàn phá nên sau ngày giải phóng, đời sống của người dân xã Vĩnh Viễn A gặp không ít khó khăn, trong đó Vĩnh Viễn A được xem là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh vì sự ngăn cách của đường bộ lẫn đường thủy. Tuy nhiên, phát huy tinh thần yêu nước từ các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Vĩnh Viễn A quyết tâm xây dựng quê hương đổi mới, đời sống người dân ngày càng phát triển. Đặc biệt, từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được Chính phủ và tỉnh triển khai vào cuối năm 2010 thì quê hương Vĩnh Viễn A đã dần có nhiều sự đổi thay vượt bậc.

Ông Trần Đa, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, thông tin thêm: “Trước đây, cán bộ trên tỉnh hay huyện muốn xuống làm việc với xã thì phải đi bằng đò chứ không có đường để chạy xe máy. Còn con em đi học thì đi trên những con đường mòn hoặc được phụ huynh đưa rước bằng ghe, xuồng. Vào những tháng mùa mưa, sình lầy trơn trợt nên nhiều con cháu đi học chưa đến trường thì đã lấm lem sình bùn. Còn giờ đây, thông qua chương trình xây dựng NTM, nhiều tuyến đường chính và đường liên ấp dần được đầu tư khang trang, nhất là tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh đã đưa vào sử dụng và sắp tới đây là tuyến đường ô tô về trung tâm xã. Từ việc đầu tư trên không chỉ làm cho quê hương Vĩnh Viễn A được bừng sáng, mà còn tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân rất dễ dàng”.

Không chỉ giao thông mà hiện hệ thống điện, trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, cảnh quan môi trường… cũng được ngành chức năng từ huyện đến xã quan tâm đầu tư ngày một khang trang, đầy đủ tiện nghi nhằm đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt, để không ngừng nâng cao nguồn thu nhập và giảm nghèo hiệu quả thì thời gian qua, ngành chức năng xã Vĩnh Viễn A thường xuyên vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi tại địa phương.

Ông Chiêm Hữu Phước, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, cho biết: Hiện người dân Vĩnh Viễn A phát triển kinh tế với 2 lĩnh vực chủ lực là trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi có mô hình nổi bật là nuôi bò theo hướng chuỗi liên kết tuần hoàn và mô hình nuôi lươn trong bể. Về trồng trọt có mô hình trồng khóm Cầu Đúc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp từ Trung ương, tỉnh đến huyện trong việc đầu tư nhiều công trình và hệ thống đê bao ngăn mặn đã giúp người dân địa phương sản xuất đạt hiệu quả. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đến cuối năm 2022 là 37 triệu đồng/người/năm, phấn đấu cuối năm nay đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm; đồng thời toàn xã hiện còn 70 hộ nghèo, chiếm 4,13%, nỗ lực đến cuối năm nay giảm thêm 16 hộ nghèo để đạt ngưỡng dưới 4% theo quy định.  

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương nên đến nay, xã Vĩnh Viễn A đã được các ngành có liên quan của tỉnh công nhận đạt 14/19 tiêu chí xã NTM. Phấn đấu cuối năm nay, xã đạt thêm 5 tiêu chí còn lại là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo và tỷ lệ lao động có việc làm; qua đây giúp xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và tổ chức ra mắt xã NTM.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngành chức năng xã Vĩnh Viễn A đang tập trung đầu tư 1,4km đường xuống cấp thuộc ấp 8 và ấp 10; đồng thời đã thực hiện khảo sát, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng mới thêm một nhà văn hóa ấp còn lại để được công nhận tiêu chí. Mặt khác, địa phương tăng cường vận động người dân duy trì và nhân rộng những mô hình sản xuất để không ngừng nâng cao nguồn thu nhập, đồng thời tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ và sử dụng có hiệu quả vào việc thực hiện mô hình thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, địa phương sẽ phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, huyện tổ chức những lớp đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm theo nguyện vọng của người dân nhằm phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm tại địa phương từ 48% hiện tại lên hơn 70% để đạt tiêu chí NTM.

Ông Chiêm Hữu Phước, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, cho biết thêm: Cùng với sự quyết tâm của địa phương trong việc triển khai quyết liệt nhiều phần việc theo chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện thì để hoàn thành chương trình xây dựng xã NTM theo lộ trình đề ra của tỉnh, địa phương đề xuất các ngành có liên quan của tỉnh, huyện sớm phân bổ nguồn vốn 15 tỉ đồng trong đầu tư hệ thống giao thông; đồng thời đề nghị chủ đầu tư quan tâm chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ô tô về trung tâm xã để tạo điểm nhấn cho xã trước ngày ra mắt xã NTM.   

Qua rà soát thì hiện toàn xã Vĩnh Viễn A có hơn 100 hộ nuôi bò, bình quân có từ 4-5 con bò/hộ, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, xã cũng có 160 hộ nuôi lươn trong bể, bình quân mỗi hộ có diện tích nuôi ít nhất 50m2, thu nhập hàng năm cũng đạt trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, toàn xã có hơn 500ha khóm Cầu Đúc, thu nhập bình quân của người trồng khóm đạt hơn 70 triệu đồng/ha/năm.  

 

Bài, ảnh: TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>