Chủ động phòng và ứng phó thiên tai

08/05/2023 | 18:10 GMT+7

Để làm tốt công tác phòng chống, chủ động ứng phó thiên tai năm 2023, các cấp, các ngành đẩy mạnh phương châm chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo từ sớm.

Chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo từ sớm để giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng do thiên tai gây ra.

Thiên tai gây thiệt hại lớn

Tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực trong năm 2022 diễn ra rất phức tạp, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, làm 30.700 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 224 tỉ USD. Ở nước ta, thiên tai bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó, có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê, 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỉ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3, 4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Theo Ban chỉ đạo Quốc Gia về phòng chống thiên tai, trước tình hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan, công tác phòng ngừa thiên tai trong thời gian qua được triển khai đồng bộ. Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục nhanh các hậu quả sau thiên tai được quan tâm triển khai. Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các biện pháp cứu hộ, cứu nạn nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản. Bên cạnh đó, hoàn thiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nâng cao năng lực Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp, nhất là cấp tỉnh. Công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai đã được chú trọng và đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận xét: Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phòng chống thiên tai năm 2022 vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn, trong khi diễn biến thiên tai cực đoan, bất thường, thiệt hại về người do lốc, sét chiếm tỷ lệ lớn. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện. Việc thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã có nơi còn hình thức, công tác vận hành hồ chứa còn bị động. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương.

Chủ động phòng, ứng phó từ sớm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa lĩnh vực phòng, chống thiên tai theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để cung cấp thông tin phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Triển khai những giải pháp căn cơ, chiến lược dài hạn trên nền tảng công nghệ mới. Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cùng các đối tác quốc tế, các tổ chức hoạt động cộng đồng tích cực triển khai các giải pháp căn cơ giúp nâng cao năng lực cộng đồng, vượt qua và phục hồi sau những khó khăn mà thiên tai gây ra. Công tác phòng, chống thiên thời gian tới sẽ được thay đổi theo hướng quản lý, giảm thiểu rủi ro, chủ động thích ứng và dựa vào năng lực cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, các sở Công thương tỉnh, thành phố, các tập đoàn Điện lực Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, cùng các chủ hồ chứa thủy điện, các cơ sở khai thác - chế biến than - khoáng sản nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 04 của Bộ trưởng Bộ Công thương (về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022) nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và công trình, giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường trong mọi tình huống thiên tai xảy ra trong năm 2023.

Thông tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, năm 2023 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Trong đó khoảng 4-7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta; đặc biệt, cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào cuối mùa mưa ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Mưa sẽ có khả năng bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm. Mùa nắng nóng năm 2023 xấp xỉ trung bình nhiều năm và kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm.

Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, ứng phó thiên tai năm 2023 là quán triệt thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh Hậu Giang về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện kế hoạch, kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp từng địa phương; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho lực lượng tham mưu Ban Chỉ huy các ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố để ứng phó kịp thời; nhất là các tình huống bão muộn trên biển Đông, đổ bộ vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long; mưa lớn, ngập lụt, sét..., đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn luôn sẵn sàng ứng trực, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Rà soát hệ thống truyền tin, thông tin liên lạc, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai, thông tin kịp thời tới các địa phương, tổ chức, người dân trong vùng thiên tai về diễn biến thiên tai, giải pháp ứng phó, nhất là thông tin tới người dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định, thiên tai đang cho thấy diễn biến ngày một cực đoan, khó lường hơn. Trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt đó, cộng đồng các địa phương cần chú trọng nhiều hơn vào công tác phòng ngừa. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế quan tâm, hỗ trợ và dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng, chống thiên tai. Lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với phòng, chống thiên tai, nhất là cần có sự đầu tư tốt hơn cho các vùng bị ảnh hưởng sau thiên tai.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp như: Tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh các chủ trương, chính sách về phòng, chống thiên tai cho phù hợp với thực tiễn. Tập trung nhiều hơn cho công tác phòng ngừa. Dành nguồn lực cho công tác cảnh báo, dự báo. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, để xây dựng ý thức chung trong cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo Quốc gia, từ đầu năm 2023 đến nay, trên phạm vi cả nước xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Trong đó, ngay cuối tháng 3-2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỉ đồng.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>