Chủ động phòng cúm gia cầm

14/04/2023 | 08:32 GMT+7

Các biện pháp chủ động phòng bệnh trên gia cầm được ngành chức năng và địa phương ở Hậu Giang triển khai đồng bộ nhằm đạt hiệu quả cao nhất, góp phần đảm bảo an toàn chăn nuôi.

Tháng cao điểm vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1-2023 diễn ra thuận lợi, thời gian phun xịt khử trùng nằm trọn trong mùa khô.

Chủ động tiêm phòng cho vật nuôi

Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Hệ thống các trạm thú y ở huyện, thị xã, thành phố và cán bộ thú y cơ sở tại xã, phường, thị trấn thường xuyên giám sát dịch bệnh và tăng cường công tác quản lý tổng đàn, biến động đàn tại địa phương. Khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng cúm gia cầm đối với đàn đã hết thời gian miễn dịch; tăng cường các biện pháp tiêu độc sát trùng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Cũng từ hiệu quả thấy được qua mỗi đợt thực hiện nên khi triển khai tiêu độc khử trùng môi trường ở hộ chăn nuôi đều nhận được sự hưởng ứng cao. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho hay: “Để chăn nuôi hiệu quả, tôi cho rằng khâu vệ sinh môi trường phải làm nghiêm túc, nhất là những lúc nắng mưa đan xen. Vừa rồi, khi bán xong lứa gà sau tết, tôi phun khử trùng rồi rải vôi bột, giữ cách ly thời gian gần 1 tháng mới mua gà giống về nuôi mới”.

Bên cạnh đó, tiêm phòng vẫn là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất khi tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn diện tiêm, giúp chủ động trong phòng, chống dịch bệnh. Đây được xem là công tác trọng tâm được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm. Với người chăn nuôi, tiêm phòng đã trở thành biện pháp bắt buộc để bảo vệ thành quả chăn nuôi.

Chị Nguyễn Thúy Diễn, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Phòng bệnh cho vật nuôi hiện nay là vô cùng quan trọng và trở thành việc làm không thể thiếu đối với người chăn nuôi gà, vịt. Gia đình tôi nuôi gà theo hình thức thả vườn, mỗi đợt bán vài chục con rồi tái đàn nuôi mới. Cứ lứa này sang lứa khác, cách ly và tiêm phòng kỹ lưỡng. Nhờ vậy, lứa gà nào cũng khỏe mạnh, chắc thịt, nuôi bán riết thành mối quen nên cứ có gà vào lứa xuất bán là người ta mua hết. Hiệu quả chăn nuôi nhờ vậy được nâng lên, kinh tế gia đình ổn định hơn”.

Ngành nông nghiệp và người chăn nuôi đã và đang chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm. Quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận chuồng, trại nhằm hạn chế đến mức thấp nguy cơ dịch bệnh xảy ra. Các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi được tổ chức thực hiện tốt trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao nhất.

Người chăn nuôi quan tâm áp dụng những biện pháp an toàn sinh học.

Nhiều biện pháp phòng bệnh kết hợp

Tiêu độc khử trùng môi trường là biện pháp chủ động nhằm cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, góp phần quan trọng đảm bảo vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật. Đồng thời, tiêu độc sát trùng là một trong những biện pháp hữu hiệu để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, cắt đứt được vòng truyền nhiễm mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng. Từ đó, đảm bảo an toàn dịch tễ, phát triển chăn nuôi động vật, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Tháng cao điểm vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 1-2023 diễn ra trọn trong mùa khô, giúp chủ động ngăn chặn sớm các nguy cơ dịch bệnh xuất hiện, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho trong chăn nuôi.

Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, khuyến cáo: Khi chăn nuôi, bà con cần tuân thủ tốt khâu tiêm phòng các loại bệnh trên gia cầm, nhất là với bệnh cúm gia cầm. Lưu ý chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo sạch bệnh. Gia cầm mới mua về phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi trước khi cho nhập đàn. Thức ăn, nước uống phải đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ. Định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và quanh khu vực chăn nuôi; hạn chế người ra vào. Không nuôi chung các loại gia cầm với nhau hoặc nuôi chung gia cầm với gia súc.

Một vấn đề mà ngành chức năng luôn khuyến cáo người dân là chăn nuôi an toàn sinh học. Đó là việc thực hiện các biện pháp tổng hợp nhằm làm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Theo các chuyên gia, những biện pháp an toàn sinh học cần được chú trọng và coi là một phần công việc hàng ngày của người chăn nuôi. Trong đó, bà con cần lưu ý giữ khoảng cách và kiểm soát ra vào; giữ vệ sinh, làm sạch thường xuyên chuồng trại; chủ động tiêu diệt mầm bệnh bằng việc vệ sinh và khử trùng. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, giúp gia cầm khỏe mạnh và có năng suất cao, giảm chi phí thuốc thú y, tăng thêm thu nhập cho người chăn nuôi. Đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm gia cầm có chất lượng cao hơn.

UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã sớm ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2023 với mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Khống chế được một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với động vật, trong đó có cúm gia cầm thể độc lực cao, lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở heo, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh dại ở động vật, gan thận mủ ở cá tra và một số bệnh khác nhằm bảo đảm cho sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong quý I, lực lượng thú y tiêm và giám sát tiêm phòng cho trên 900.000 con gia cầm. Thực hiện tiêu độc và giám sát công tác tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển được hơn 2.100 xe tải và xe mô tô; giám sát vệ sinh tiêu độc, khử trùng được trên 1,3 triệu m2 tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>