Món quà tuổi 20 của ngành thương mại

09/11/2023 | 08:35 GMT+7

Bài 3: Trợ lực đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Không chỉ đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua các hình thức truyền thống, thời gian qua, ngành chức năng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), giúp quảng bá hình ảnh thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng doanh thu, lợi nhuận bán hàng.

Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.

Khi truy cập vào các sàn TMĐT, vào ô tìm kiếm và gõ từ khóa Hậu Giang, nhiều sản phẩm tại địa phương như siro khóm, nước màu khóm, mứt khóm, trà khổ qua rừng, các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, trà mãng cầu… từ các hợp tác xã và cơ sở sản xuất tại Hậu Giang xuất hiện. Giá bán, hình ảnh, xuất xứ, công dụng, cách sử dụng và khuyến mại rõ ràng. So với trước đây, số lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đây là nỗ lực đổi mới của các hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, giới thiệu và quảng bá trên mạng xã hội cùng với sự vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ của tỉnh và các sở, ngành.

Non trẻ hơn so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, thị trường TMĐT tại Hậu Giang còn tương đối nhỏ và đang tăng trưởng. Theo báo cáo tình hình phát triển TMĐT tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020, khoảng 30% người dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên sử dụng mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động như Lazada, Shopee, Sendo và các trang TMĐT bán hàng phổ biến khác. Doanh số trong giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang tăng khoảng 20%/năm. Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức tiếp cận thị trường và mua sắm, một bộ phận người dân đã thường xuyên truy cập các mạng xã hội, các công cụ bán hàng trực tuyến, các doanh nghiệp thường xuyên giao dịch và tương tác trên môi trường mạng.

Sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, cũng như các đơn vị sở hữu sàn TMĐT tại Hậu Giang thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong ứng dụng công nghệ. Trong bối cảnh TMĐT trở thành hình thức mua hàng phổ biến, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Từng bước các hình thức kinh doanh trên sàn TMĐT giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng được ứng dụng rộng rãi.

Sở Công thương phối hợp cùng các đơn vị đã hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tạo tài khoản đăng ký bán hàng trên các trang như Voso, Postmart… Sơ kết công tác này, theo Sở Công thương tỉnh, từ năm 2021 đến nay đã có tổng cộng 1.919 sản phẩm được đăng trên các trang TMĐT, trong đó có 112 sản phẩm OCOP. Báo cáo từ 2 sàn trên cho thấy kết quả doanh thu tiêu thụ hàng hóa trên các sàn giao dịch có nhiều khởi sắc. Sàn Voso có tổng cộng hơn 4.265 đơn hàng và Postmart là 22.111 đơn hàng, tổng doanh thu giao dịch đạt trên 3,51 tỉ đồng.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh là đơn vị đã thực hiện Sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản Hậu Giang từ khá sớm. Các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có thể đăng ký trên sàn, ghi nhật ký điện tử gắn với truy xuất nguồn gốc, tự tạo mã QR và đưa sản phẩm lên sàn để tiếp cận đơn vị thu mua. Ngoài ra, còn có thông tin vùng nguyên liệu gắn với truy xuất địa lý để các doanh nghiệp có thể liên hệ hợp tác dễ dàng hơn.

Cùng với sự chủ động của các cơ sở, hợp tác xã, các sở, ngành, địa phương cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các đơn vị đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Kịp thời trợ lực và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trên địa bàn tỉnh thích ứng và phát triển. Theo Sở Công thương tỉnh, mục tiêu của đơn vị là phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đưa tất cả sản phẩm chủ lực và OCOP của tỉnh lên sàn TMĐT, có hình thức hỗ trợ thực chất như 100% phí đăng ký gian hàng và 50% kinh phí thanh toán đơn hàng thành công trên các sàn TMĐT.

Mặt khác, các hoạt động hợp tác, học tập kinh nghiệm phát triển TMĐT không chỉ bó hẹp phạm vi trong tỉnh, mà còn rộng ra các tỉnh, thành lân cận. Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt các điểm bán hàng OCOP của Hậu Giang tại các tỉnh như thành phố Cần Thơ; tỉnh Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội. Đồng thời liên kết đào tạo ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp, cơ sở, thúc đẩy quảng bá hàng hóa, nhất là sản phẩm đặc sản, OCOP giữa Hậu Giang và các tỉnh, thành phố khác.

Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, huyện Vị Thủy, cho biết: TMĐT là một kênh quan trọng để giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã. Do đó, ngay từ khi mở thêm trang bán hàng, hợp tác xã giao riêng một nhân sự phụ trách kênh này, vừa lo khâu hình ảnh, thông tin sản phẩm trên các trang TMĐT vừa làm đầu mối tiếp nhận đơn hàng để chuyên nghiệp hóa khâu bán hàng trực tuyến.

Bán hàng qua sàn TMĐT khá tiện lợi và dễ sử dụng, khách hàng có thể đặt mọi lúc mọi nơi, nhưng để khách từ vào xem sản phẩm đến bước “chốt đơn” cũng cần nhiều yêu cầu khác. Ngoài thông tin minh bạch, rõ ràng, hình ảnh thu hút, chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất để giữ chân khách hàng lựa chọn sản phẩm ở những lần tiếp theo. Tại các trang bán hàng còn có cả phần đánh giá, nhận xét trải nghiệm mua hàng cũng như sản phẩm vừa mua. Do đó nếu nắm bắt tốt cơ hội, TMĐT là cơ hội để các cơ sở thu thập nhiều thông tin quan trọng, cải thiện và nâng tầm sản phẩm cũng như dịch vụ.

Để ứng dụng TMĐT thật sự hiệu quả, trong thời gian tới cần sự đồng bộ, từ các khâu truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, vùng nuôi đến liên kết các hộ, tập huấn kỹ năng số và sử dụng các thiết bị di động thông minh để tiện lợi trong quá trình giao dịch trên sàn. Kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp để việc vận chuyển các loại nông sản dễ dàng, thuận tiện và đảm bảo chất lượng.      

Bước sang năm tuổi thứ 20 của tỉnh nhà, Sở Công thương phấn đấu, tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số cũng như phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản. Qua đó, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn TMĐT. Mở thêm đầu ra cho các mặt hàng nông sản và cơ hội cho người nông dân trong thời đại Nông nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn…

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>