20 năm “ươm mầm thu trái ngọt” sự nghiệp “trồng người”

26/12/2023 | 05:22 GMT+7

Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hậu Giang đã bước qua chặng đường 20 năm nỗ lực, vượt khó để xây dựng nền tảng vững chắc trong sự nghiệp “trồng người”.

Bài 1: Vươn mình thoát khỏi “vùng trũng giáo dục”

Thành lập ngay sau những ngày chia tách tỉnh, ngành GD&ĐT Hậu Giang đã từng bước khắc phục khó khăn thiếu thốn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị… để sau đó, vươn mình thoát khỏi “vùng trũng giáo dục”. Đó thực sự là hành trình gian nan.

Chất lượng giáo dục Hậu Giang dần được khẳng định, qua sự góp mặt của thầy trò các trường trong phong trào, hội thi toàn quốc, quốc tế.

Một thời “vừa chạy vừa xếp hàng”

Những ngày đầu mới thành lập tỉnh, ngành giáo dục đứng trước những thách thức to lớn, thiếu thốn đủ bề, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Ông Bùi Văn Dũng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, nhớ lại: “Giáo dục Hậu Giang những ngày đầu mới thành lập... vừa chạy vừa xếp hàng. Khó nhất là về nhân sự, còn cơ sở vật chất điều kiện làm việc là khó chung. Khó nhưng thời đó mọi người rất đoàn kết, cố gắng nỗ lực để vượt qua khó khăn chung”.

Năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 260 trường từ mầm non đến THPT, đội ngũ thầy cô giáo vừa thiếu, ngành chỉ có 6.914 giáo viên, nhân viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn còn rất thấp so với quy định. Cụ thể, mầm non có 54,12% giáo viên đạt chuẩn, tiểu học 36,85%, THCS 95,92% và THPT là 96,46%, ngành có 2 thạc sĩ. Với sự tham mưu tích cực của Sở GD&ĐT, sau 2 năm thành lập tỉnh, đến năm 2006 tỉnh quyết định chọn là năm tập trung cho GD&ĐT. Từ đây, chất lượng GD&ĐT từng bước được cải tiến…

Gắn bó với giáo dục tỉnh nhà từ những ngày mới chia tách, Nhà giáo Ưu tú Trần Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Nếu những năm 2000, trình độ của giáo viên đa phần là trung cấp, từ năm 2010 trở đi thầy cô đã ý thức về vấn đề nâng chuẩn. Bên cạnh chủ động đi học nâng cao trình độ, thì từng trường còn xây dựng kế hoạch tạo điều kiện để các giáo viên nâng chuẩn”.

Thành tựu nổi bật của ngành giáo dục trong 20 năm qua là sự phát triển của đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, chất lượng. Tính đến tháng 9-2023, ngành có 9.780 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non đạt chuẩn 96,55%, trên chuẩn 71,23%; cấp tiểu học đạt chuẩn 82,30%, trên chuẩn 0,25%; cấp THCS đạt chuẩn 91,06%, trên chuẩn 0,98%; cấp THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 20,61%; trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 13,33%. Toàn ngành hiện có 283 thạc sĩ và 125 Nhà giáo Ưu tú…

Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”, với niềm tin và kỳ vọng tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong giai đoạn phát triển mới.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Nhưng nay đã khác...

Đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ có hiệu quả của các ban ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp, đến cuối năm 2004, sau một năm được thành lập, ngành GD&ĐT Hậu Giang đã hoàn thành được phổ cập giáo dục THCS. Là tỉnh thứ 23/64 tỉnh, thành trong cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục THCS lúc bấy giờ. Đến năm 2005, ngành tiếp tục hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, là tỉnh thứ 35/64 tỉnh, thành trong cả nước.

Với chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015, xác định phát triển GD&ĐT là khâu đột phá, theo đó phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ đã xác định rõ 4 mục tiêu chủ yếu cho ngành GD&ĐT là huy động học sinh trong diện tuổi ra lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai các công trình bức xúc; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục… Từ đây, ngành GD&ĐT như thay da đổi thịt.

Nếu năm 2004 chất lượng giáo dục Hậu Giang rất thấp so với cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được coi như “vùng trũng giáo dục”, trong đó tỷ lệ học sinh khá, giỏi cấp THCS là 29,97%; THPT là 19,04%; tỷ lệ học sinh yếu kém THCS 29,3% và THPT 32,7%. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh bỏ học cao cấp THCS 4,9%, THPT 6,5%… Nay, chất lượng GD&ĐT từng bước được nâng lên, trong đó giáo dục mầm non hoàn thành chương trình phổ cập đúng độ tuổi đúng theo tiến độ của đề án trình Bộ GD&ĐT; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3 được công nhận 2018 (tỉnh đầu tiên của ĐBSCL và thứ 17 của cả nước được công nhận); được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2022.

Từ năm học 2013-2014 đến nay, Hậu Giang trở thành điểm sáng trong phong trào nghiên cứu và sáng tạo với nhiều sản phẩm đạt giải cao như: Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh THPT, đã đạt 20 giải; Cuộc thi Tin học trẻ đạt 32 giải cấp toàn quốc. Nổi bật là nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh đạt giải ba cấp Quốc gia và giải nhất cấp Quốc tế cuộc thi trí tuệ nhân tạo về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc 2022…

Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên

 

Đánh giá về kết quả của ngành GD&ĐT trong 20 năm qua, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Các thầy giáo, cô giáo đã tích cực đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ đã làm chuyển biến rõ nét chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học. Kết quả các bậc học năm sau cao hơn năm trước. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên.

Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, THPT hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,77% tăng 0,42% so với năm 2022. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được đặc biệt chú trọng, hàng năm đều có học sinh giỏi cấp khu vực, cấp quốc gia.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Bài 2: Đầu tư cho giáo dục luôn được quan tâm hàng đầu

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>