Tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ

04/04/2024 | 07:54 GMT+7

Là địa phương nổi tiếng với nghề đan đát lục bình nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào, do đó việc tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cọng lục bình luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện Long Mỹ nhằm tạo việc làm, ổn định đầu ra sản phẩm cho người dân.

Lãnh đạo Ecoka và huyện Long Mỹ đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cọng lục bình cho người dân huyện Long Mỹ nói riêng và của tỉnh nói chung.

Tạo việc làm, nguồn thu nhập cho lao động nông thôn

Nghề đan đát lục bình tập trung ở các vùng quê của huyện Long Mỹ, nơi có hệ thống sông ngòi dày đặc; trong đó nổi bật trên tuyến sông Cái Lớn và sông Nước Đục là nơi sinh sống của cây lục bình, từ đó tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ khá dồi dào về sợi dây lục bình để phục vụ cho nghề đan đát lục bình của bà con địa phương. Với nghề đan đát lục bình đã từ lâu cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường như: các loại thảm, đồ lót dĩa, lót ly, sọt, rổ gia dụng, túi xách, nón thời trang, nhà cho thú cưng… Hình thành từ trước năm 2000, nghề thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình trên địa bàn huyện Long Mỹ đã góp phần tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập hấp dẫn cho người lao động nhàn rỗi ở nông thôn, nhất là đối với phụ nữ.

Có hơn 5 năm gắn bó với nghề đan đát lục bình, chị Võ Thị Ngọc Trúc, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Trước đây, sau khi thu hoạch xong mỗi vụ lúa thì tôi thường nhàn rỗi. Tuy nhiên, nhờ được địa phương giới thiệu học lớp dạy nghề đan đát lục bình, sau đó tôi nhận khung sắt mẫu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tôi mua sợi lục bình khô của bà con hàng xóm đem về nhà đan đát ra một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhờ nghề này mà mỗi tháng tôi kiếm được nguồn thu nhập khoảng 3 triệu đồng để phụ giúp thêm chi phí trang trải cuộc sống gia đình”.  

Bà Đỗ Thị Giờ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Mỹ, thông tin: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 hợp tác xã (HTX), 16 tổ hợp tác (THT) đan đát lục bình và 1 tổ liên kết đan lục bình. Thông qua các mô hình kinh tế tập thể trên mà nhiều chị em phụ nữ trong huyện có việc làm trong lúc nhàn rỗi, trong đó bình quân các chị em có thu nhập mỗi tháng từ 1,5-3 triệu đồng/tháng.

Điều mà người làm nghề đan đát lục bình trên địa bàn huyện Long Mỹ cảm thấy an tâm về đầu ra sản phẩm là từ năm 2022, Công ty Cổ phần Ecoka được thành lập và xây dựng trụ sở tại ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, đã góp phần thu mua, tiêu thụ lục bình sợi và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cọng lục bình được chính tay người dân huyện Long Mỹ, cũng như một số địa phương lân cận của tỉnh làm ra.  

Ông Hà Anh Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Ecoka, cho hay: Hiện công ty có hơn 300 mã sản phẩm làm từ nguyên, vật liệu thân thiện môi trường, liên kết với hơn 10 làng nghề, HTX trên cả nước. Trong đó, một số sản phẩm từ lục bình và dây mắc ram trực tiếp sản xuất tại công ty. Mỗi tháng, công ty xuất sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, Canada từ 2-3 container, tương đương khoảng 6.000-30.000 sản phẩm đan đát từ lục bình. Ngoài ra, hiện công ty có khoảng 500 lao động gia công sản phẩm tại nhà và gần 30 lao động làm việc trực tiếp tại đơn vị. 

Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Long Mỹ, nghề đan lục bình không còn xa lạ với người dân vùng sông nước tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung và huyện Long Mỹ nói riêng. Ưu điểm của nghề đan lục bình là tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ thực hiện liên kết tiêu thụ trong lĩnh vực này còn thấp, chưa tương xứng với diện tích, sản lượng trên địa bàn huyện Long Mỹ nói riêng và nhiều địa phương khác trong tỉnh nói chung.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Để tháo gỡ khó khăn và tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm đan đát từ cọng lục bình tại địa phương, thời gian qua, huyện tổ chức nhiều buổi kết nối, đối thoại giữa doanh nghiệp với các HTX, THT và bà con nông dân để bàn bạc, thống nhất phương thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân theo chuỗi khép kín gắn với xây dựng chuỗi ngành hàng chủ lực của huyện, trong đó có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cọng lục bình. Điển hình là mới đây, huyện tổ chức thành công hội nghị kết nối sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ giữa Công ty Cổ phần Ecoka với nhiều HTX, THT trên địa bàn huyện.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ecoka đã giới thiệu về các hoạt động, chính sách thu mua hàng hóa, cũng như nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhất là các sản phẩm đan đát từ cọng lục bình. Qua đây, góp phần tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân ở nông thôn trên địa bàn huyện Long Mỹ nói riêng và tỉnh nói chung.

Ông Hà Anh Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Ecoka, thông tin thêm: Tới đây, Ecoka, tiếp tục hướng đến việc liên kết với các HTX, tổ đan đát trên địa bàn tỉnh để đào tạo nghề, nâng cao giá trị sản phẩm và cam kết bao tiêu, thu mua 100% sản phẩm đầu ra cho người dân với giá hợp lý để đơn vị xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cũng cho biết, với những cam kết của Công ty Ecoka, tới đây ngành chức năng có liên quan của địa phương sẽ phối hợp chặt với công ty trong việc liên kết hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ đan đát lục bình để thành viên HTX, THT đan đát lục bình trong huyện tích cực hưởng ứng. Qua đây tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ số lượng sản phẩm đưa đi xuất khẩu, từ đó tạo đầu ra và nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>