Vùi dập người khác trên mạng: Hành động tiêu cực, hệ lụy khôn lường

10/11/2023 | 06:02 GMT+7

Câu chuyện thông qua mạng xã hội dùng sức mạnh của đám đông để công kích, vùi dập người này người kia đã được mang ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội trong khuôn khổ chất vấn đối với bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ảnh minh họa. Báo Quân đội nhân dân

Ví dụ điển hình được dẫn là vụ một cô hoa hậu có những phát ngôn thiếu tế nhị và vụ một cuốn phim bị cho là có nội dung gây tranh cãi về phương diện lịch sử.

Ứng xử theo xu hướng, nói nôm na là thấy ai đó nói, làm hợp ý mình thì bắt chước làm theo, vốn là một phần bản năng tự nhiên vốn có của con người. Nếu xu hướng tích cực thì tốt cho xã hội, còn nếu xu hướng tiêu cực thì trở thành nguy cơ dẫn dắt xã hội vào chốn lạc hậu, tăm tối, trì trệ, hỗn loạn...

Trong các kiểu ứng xử theo xu hướng tiêu cực, bạo hành xã hội (vindicte sociale trong tiếng Pháp) thuộc nhóm nguy hiểm nhất.

Nó được hiểu là việc đám đông bị cuốn theo định kiến tiêu cực, bức xúc, thậm chí sự cuồng nộ, từ đó đồng loạt có thái độ ứng xử cực đoan.

Một khi đối tượng của định kiến, sự bức xúc, cuồng nộ là một con người thì thái độ ứng xử cực đoan có thể đi đến chỗ "đập cho chết chứ không phải đập cho chừa" như một đại biểu Quốc hội đã nói.

Ứng xử theo xu hướng tiêu cực, bao gồm bạo hành xã hội, trong thời đại công nghệ số có sức lan tỏa, nghĩa là sức công kích, hủy diệt kinh khủng, đặc biệt trên nền tảng mạng xã hội.

Hiện tượng này đã và đang hoành hành, gây thiệt hại cho nạn nhân và để lại cho xã hội nhiều hệ lụy khôn lường. Cần coi kiểu ứng xử này là hết sức nguy hiểm và nhanh chóng có đối sách thích hợp trước khi quá muộn.

Nhà nước, với tư cách là người cầm trịch quản lý đời sống xã hội và đề ra những chuẩn mực chi phối hành vi của chủ thể trong quan hệ xã hội, phải giữ vai trò chính trong việc xây dựng và thực hiện đối sách này.

Trước hết, cần khẩn trương rà soát các quy định hiện hành về thực hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng và có những quy định hợp thời, hợp lý điều chỉnh hành vi của chủ thể.

Chẳng hạn, có thể cấm việc sử dụng các từ ngữ có khả năng tạo định kiến hoặc kích động sự bức xúc, phẫn nộ để diễn đạt những ý kiến mang tính chất quy kết từ quan điểm cá nhân.

Cần đề ra những chế tài thật nghiêm khắc về dân sự, hành chính, hình sự đối với những chủ thể có hành vi vi phạm; đặc biệt cần tăng nặng đối với người vi phạm có tầm ảnh hưởng lớn đối với công chúng, tương ứng với mức độ tác hại mà hành vi gây ra cho xã hội, nạn nhân.

Thật ra, việc đánh giá để phân biệt giữa ý kiến mang tính phê phán xây dựng và ý kiến mang tính đả phá, quy chụp với ác ý không phải là việc dễ và đơn giản. Bản thân người được trao quyền phán xét nhân danh nhà chức trách phải thực hiện công việc đánh giá một cách khách quan và công tâm để có kết luận công bằng.

Ngoài ra, nhà chức trách phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc quản lý xã hội bằng pháp luật.

Mọi quyết định quản lý, đặc biệt là quyết định xử lý, chế tài, trấn áp đối với hành vi vi phạm luật phải dựa trên các chuẩn mực khách quan được minh định và được thừa nhận rộng rãi, chứ không dựa vào nhận định, tình cảm cá nhân của người ra quyết định, cũng như dựa vào tâm lý đám đông.

Theo PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN – Tuổi trẻ online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>