Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất

29/11/2016 | 09:07 GMT+7

Trong những năm qua, việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại những thay đổi tích cực trong phương pháp canh tác của nông dân thị xã Long Mỹ, góp phần nâng cao năng suất, phát triển kinh tế bền vững. 

Nhờ được chuyển giao KHKT, nhiều nông dân ở thị xã Long Mỹ đã phát triển mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững.

Được chuyển giao kỹ thuật trồng cây có múi nên ông Nguyễn Văn Lơi, hộ nghèo của ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, mạnh dạn chuyển hơn 2 công vườn tạp sang trồng cam xoàn đã được 4 năm. Đợt thu hoạch cam vào tháng 9 vừa qua, vườn cam của ông Lơi cho năng suất hơn 2 tấn trái, bán cho thương lái với giá 26.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Vườn cam của gia đình ông Lơi tuy không có quy mô lớn như các hộ khác nhưng cây phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp ông Lơi có được hiệu quả trong trồng trọt. Ông Lơi nói: “Trước đây, gia đình tôi làm ruộng, được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cây trồng nên mạnh dạn đầu tư. Lúc đầu cũng lo ngại vì mình không có kỹ thuật trồng cây có múi, rồi được Hội Nông dân xã giới thiệu đi tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) từ đó áp dụng vào việc chăm sóc vườn cam của gia đình. Nhờ học được các kiến thức về bón phân, cắt tỉa cành tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây, đặc biệt là khi biết được các dấu hiệu và cách phòng trị bệnh vàng lá gân xanh nên vườn cam phát triển tốt, ít bị sâu bệnh”.

Xã Tân Phú từng là địa bàn có diện tích đất hoang hóa và vườn tạp khá lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, ngoài việc vận động người dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì địa phương này còn phối hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, đã mở hơn 40 cuộc tập huấn về phương pháp trồng cây có múi, chăn nuôi và trồng lúa theo phương pháp 3 giảm 3 tăng, sử dụng nấm xanh trong phòng trừ rầy nâu gây hại trên lúa. Nhờ áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp nên xã Tân Phú hiện có gần 200 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt từ 70 triệu đồng/năm trở lên. Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú, cho biết: “Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian gần đây luôn được nông dân đặc biệt quan tâm, vì quyết định đến năng suất của từng loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Hàng năm, theo mỗi mùa vụ, công tác chuyển giao KHKT còn giúp nông dân tăng năng suất, tăng thu nhập, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất của gia đình”.

Thời gian qua, hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ KHKT đã thể hiện rõ trong tư duy sản xuất của nông dân, đã chuyển hình thức canh tác từ nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung liên kết, hình thành các tiểu vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Ngoài sự hướng dẫn của các tổ kỹ thuật trên địa bàn, khi tham gia vào các mô hình liên kết với doanh nghiệp cũng là cơ hội để nông dân nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng lúa cho bản thân, tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư. Ông Trần Thanh Tiền, ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi từ năm 2013 đến nay chia sẻ: “Công tác chuyển giao KHKT vào sản xuất nông nghiệp đối với nông dân là rất quan trọng, đặc biệt là chương trình 1 phải 5 giảm. Trong đó, 1 phải là phải dùng giống xác nhận, còn 5 giảm là giảm lượng nước, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch”.

Theo kinh nghiệm của ông Tiền, cứ 1ha lúa nếu biết giảm nước vừa đủ một cách tiết kiệm, nông dân có thể được lợi thêm trung bình khoảng 300.000 đồng, nhờ giảm được tiền mua xăng, dầu phục vụ bơm tưới. Ngoài ra, khi áp dụng chương trình 1 phải 5 giảm, điều đầu tiên là sẽ thay đổi được thói quen cũ trong sản xuất, giảm lượng lúa giống từ 200kg xuống còn 100-120 kg/ha/vụ; tiết kiệm điện, xăng dầu bơm tưới, tiết kiệm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, các công ty, doanh nghiệp mở gần 300 lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm chuyển giao tiến bộ KHKT cho gần 5.000 lượt người, tập trung ở các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và trồng cây có múi. Thông qua các buổi tập huấn, nhằm hướng dẫn nông dân cách phòng trừ một số loại sâu bệnh trên cây lúa, cách sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các kiến thức về chương trình 1 phải 5 giảm. Đồng thời, tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số mô hình thí điểm. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Qua các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, bà con nông dân được cung cấp những kiến thức cơ bản trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, từ đó mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, an tâm phát triển kinh tế theo hướng phát huy cây trồng, vật nuôi tiềm năng, chủ lực của địa phương. Từ đó, tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Thời gian tới, thị xã Long Mỹ sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu KHKT ở các lĩnh vực cây giống, các quy trình canh tác tiên tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, bảo quản sau thu hoạch... để hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Theo thống kê của ngành chức năng thị xã Long Mỹ, trong tổng số 10.100ha đất sản xuất nông nghiệp hiện nay ở thị xã đã có 6.000ha với 12.000 hộ sản xuất đạt giá trị bình quân từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trong đó, có 5.000 hộ thực hiện các mô hình lúa - cá, VAC, VACR, rau màu và cây có múi. Riêng sản lượng lúa hàng hóa của thị xã Long Mỹ ở các vụ lúa trong năm 2016 đạt hơn 60.000 tấn, năng suất bình quân ước đạt 6,12 tấn/ha, tăng 0,9 tấn/ha so với cùng kỳ.

 

Bài, ảnh: HOÀNG NHÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích