Triển vọng với mô hình trồng cây Ba Kích trên cơ chất

09/06/2016 | 07:03 GMT+7

Hiện thạc sĩ Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã nghiên cứu thành công “Quy trình trồng cây dược liệu Ba Kích (Morinda Officinalis How) trên cơ chất, thích hợp canh tác trong điều kiện bình thường và biến đổi khí hậu”. Quy trình này được Ban Giám khảo cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII năm 2015 chấm đạt giải khuyến khích vì tính mới và hứa hẹn nhiều triển vọng.

Cây Ba Kích trồng trên cơ chất đã thích nghi được điều kiện khí hậu tại tỉnh Hậu Giang.

Nhận thấy được những tác dụng hữu ích của cây Ba Kích, thạc sĩ Lê Mỹ Hạnh đã mong muốn thử nghiệm, trồng cây dược liệu Ba Kích trên cơ chất, trong điều kiện khí hậu tỉnh Hậu Giang. Bởi theo thạc sĩ Hạnh, nếu trồng trong cơ chất thì có thể khắc phục những hạn chế của việc phát triển tự nhiên của cây như: kiểm soát được đất trồng cũng như chất lượng củ; khống chế được dịch bệnh; tính toán được và tiết giảm chi phí (chuẩn bị đất trồng, bón phân, tưới nước, dọn cỏ, phòng trừ dịch hại…). Đặc biệt, không tốn nhiều công sức thu hoạch củ. Vả lại nếu trồng trên cơ chất, Ba Kích sẽ được chăm sóc tập trung, chất lượng củ sẽ ổn định; về lâu dài có thể sản xuất thành hàng hóa phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khi trồng quy mô lớn.

Cơ chất được chọn ở đây là những nguyên liệu dễ tìm, giá rẻ như: bã bùn của Nhà máy đường Vị Thanh, mụn dừa, bã mía, mùn cưa, chế phẩm sinh học Trichoderma. Cơ chất được phối trộn với tỷ lệ 70-30 (70% bã bùn - 30% sinh khối thực vật). Sau đó, gom lại thành đống và rải đều chế phẩm Trichoderma lên bề mặt đống ủ rồi phủ cao su toàn bộ đống ủ. Khoảng 7-9 ngày sau thì có thể dùng làm cơ chất trồng cây Ba Kích. Theo đó, cho cơ chất vừa ủ vào bầu đục lỗ (kích thước 20 x 40cm), cơ chất cho vào đầy bầu, rồi trồng cây Ba Kích vào chính giữa.

Cây Ba Kích sau khi trồng vào bầu được đặt trong vườn và được che mát bằng lưới râm. Sau 6 tháng trồng có lưới che, có thể mang ra đồng trồng trong điều kiện 100% ánh sáng. Trong quá trình trồng cây Ba Kích, cần áp dụng chế độ dinh dưỡng và phòng trừ dịch bệnh theo quy trình kỹ thuật (hữu cơ, an toàn, cây sinh trưởng, phát triển tốt).

Với khoảng 1 công đất trồng thử nghiệm tại phường III, thành phố Vị Thanh, mô hình trồng cây Ba Kích của thạc sĩ Hạnh đã phát triển tốt trong điều kiện nhà lưới. Qua 6 tháng, cây thích nghi tốt với cơ chất, tỷ lệ sống của cây trên 95%. Cây không sâu bệnh, đặc biệt là ở bộ phận rễ. Cây hấp thu dinh dưỡng tốt. Năng suất sau 1 năm trồng đạt trên 500gr rễ/cây Ba Kích. Ngoài ra, những lợi ích tuyệt đối khi trồng cây Ba Kích trên cơ chất vượt trội so với phương pháp trồng truyền thống là tỷ lệ cây chết là 0% (phương pháp truyền thống là 8,3%), sự sinh trưởng và phát triển của thân rễ cây trồng trong chậu đều nhanh và lớn hơn cây trồng truyền thống.

Thạc sĩ Lê Mỹ Hạnh cho biết thêm: Tính toán cụ thể hiệu quả kinh tế cho 1ha trồng thuần Ba Kích bằng quy trình trồng trên cơ chất sẽ cho lợi nhuận trung bình mỗi năm hơn 1 tỉ đồng. Điều này cho thấy cây Ba Kích nếu được phát triển bằng quy trình trồng trên cơ chất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Cụ thể, với mật độ trồng từ 1-2 cây/m2, sau 3 năm trồng năng suất từ 2-4kg rễ tươi/cây. Kết quả của quy trình này là tạo ra một hệ thống canh tác mới, dễ áp dụng, phổ thích nghi rộng, tiết kiệm chi phí, sản xuất ra sản phẩm (củ Ba Kích) năng suất cao, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu dùng làm dược liệu. Trồng cây Ba Kích trên cơ chất cho phép kiểm soát chất lượng cơ chất trồng, nguồn cây giống, nguồn phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học phòng trừ dịch bệnh trong suốt quá trình trồng.

Nhận xét về quy trình này, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Nguyễn Văn Ngẫu, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII năm 2015, đánh giá: “Giải pháp mang tính mới là mô hình đầu tiên đưa cây dược liệu quý như Ba Kích về tỉnh. Nếu được phát triển ở Hậu Giang sẽ hứa hẹn cung ứng thêm một cây thuốc quý cho các xí nghiệp sản xuất thuốc, chữa trị bệnh cho người dân trong tỉnh với chi phí thấp mà hiệu quả”.

Vì cây Ba Kích còn khá mới mẻ nên mô hình của thạc sĩ Hạnh chỉ dừng lại ở môi trường thí nghiệm. Hiện nay, cây được trồng và duy trì giống tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phúc Anh, phường III, thành phố Vị Thanh, được các thành viên hợp tác xã trồng và sử dụng thử nghiệm. Về lâu dài, hợp tác xã sẽ có định hướng nhân rộng và phát triển theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, với kết quả thử nghiệm thành công, việc trồng cây Ba Kích trên cơ chất sẵn có ở tỉnh Hậu Giang là giải pháp trước mắt và lâu dài cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng và khó lường. Quy trình này còn đánh dấu bước phát triển mới cho mô hình nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ, vừa sản xuất được hàng hóa chất lượng tốt, năng suất cao, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.

Cây Ba Kích là loại cây dược liệu quý đã được trồng từ lâu ở nước ta, tập trung ở một số vùng núi phía Bắc. Theo y học cổ truyền, Ba Kích là vị thuốc có tác dụng bổ trí não, trợ dương, ích tinh, mạnh gân cốt, người già mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ… Tuy là loại cây trồng có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, nhưng cây Ba Kích chưa được trồng rộng rãi. Hiện nay, cây Ba Kích được trồng trong điều kiện phát triển hoang dại, chủ yếu ở những vùng đồi núi, dưới tán rừng…

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>