Tạo hứng khởi cho trẻ bằng “chiếc tủ kỳ diệu”

07/07/2016 | 07:25 GMT+7

Với cô Nguyễn Thị Nga và cô Ngô Thị Thanh Trúc, Trường Mẫu giáo Sơn Ca, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, thì “chiếc tủ kỳ diệu” - sản phẩm đoạt giải nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII năm 2015 không chỉ đơn giản phục vụ cho công tác giảng dạy của mình, mà chính là để tạo nên sự hứng khởi cho các cháu thiếu nhi khi tiếp cận với môi trường xung quanh.

“Chiếc tủ kỳ diệu” của các cô đã tạo hứng khởi trong học tập, trải nghiệm cho lứa tuổi thiếu nhi.

Sản phẩm sáng tạo của các cô rất đơn giản, được cấu thành từ một số vật dụng thông thường là giấy trắng, bìa carton, những tấm tôn nhỏ và 4 bánh xe con để thiết kế ra một “chiếc tủ kỳ diệu” gồm 2 tầng. Theo đó, tầng dưới ngắn chứa đồ hình vuông, bên trong có bộ tranh mô hình với khung cảnh của làng quê, cảnh gà mẹ chăm con, ngôi nhà nhỏ chứa những câu chuyện cổ tích được 2 cô giáo cắt dán bằng giấy rất bắt mắt, nhiều màu sắc mà không kém phần sinh động. Tầng trên là một chiếc hộp hình tam giác có thể xoay 3600, phía trong khối tam giác rỗng chứa các hình ảnh, nội dung học tập. Mặt ngoài dán những bức ảnh với nội dung các câu chuyện kể về nhân vật lịch sử, nàng tấm, công chúa lọ lem.

Qua đây, các em nhỏ sẽ được cô kể chuyện và tri giác tranh lần một với những bức ảnh này. Sau đó, cô sẽ mở khối tam giác để các em tiếp cận và tri giác tranh lần hai ngay bên trong khối tam giác. Nhờ vậy, từng câu chuyện kể được các em thiếu nhi thuộc kỹ, nhớ lâu hơn. Phía trên cùng của chiếc hộp là nơi ngự trị của các loài sóc, nhím, cá, cây, cỏ, hoa, lá để các cháu thỏa thích chơi đùa với trò chơi vòng quay. Từ khi có “chiếc tủ kỳ diệu”, mỗi tiết học của các cháu lớp chồi, lá ở trường trở nên rất sinh động. Bởi, những hình ảnh trực quan sinh động của chiếc tủ hóa thân ra nhiều nhân vật, diễn biến từ cảnh này đến cảnh khác, giúp trẻ nhỏ mở rộng thêm tầm mắt, khám phá được thiên nhiên xung quanh.

Tất cả đã thực sự tạo thêm niềm hứng khởi, những cung bậc cảm xúc khó tả, góp phần thu hút các em học tập, chăm chỉ đến trường. Cô Ngô Thị Thanh Trúc bộc bạch: “Vì ở trường chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất, máy chiếu hay đồ dùng kích thích trực quan nhiều, nên tôi và cô Nga đã cùng nhau thiết kế ra chiếc tủ này. Một phần để đáp ứng được nhu cầu đồ dùng giảng dạy, không phải đi mượn ở các lớp khác rất bất tiện. Quan trọng là chúng tôi muốn tạo thêm nhiều ý tưởng, hình ảnh trực quan mà có thể dùng chung một vị trí, không cần phải thay thế nhiều đồ dùng khác”.

Có thể nói, “chiếc tủ kỳ diệu” tương tự như một chiếc tivi màn ảnh thực. Hơn thế nữa, nó lần lượt biến hóa thành nhiều kênh mà nội dung của chương trình chỉ phù hợp đối với lứa tuổi nhi đồng. Các em nhỏ có thể xem cả ngày mà không lo mỏi mắt, tốn điện. Ngoài ra, các em có thể tự mình quản trò, điều khiển những nội dung câu chuyện theo ý thích với chiếc tủ kỳ diệu này. Cô Lê Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, cho biết: “Xuất phát từ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy còn nhiều khó khăn, nên nhà trường khuyến khích giáo viên phụ trách lớp tự làm mô hình phục vụ nhu cầu học tập. Nhờ tâm huyết với nghề, yêu trường, mến trẻ mà hai cô đã tạo ra được mô hình tích hợp mang lại nhiều lợi ích này. Cụ thể, là đã giúp phát triển được 5 lĩnh vực trong chương trình phát triển mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Theo đánh giá của các thành viên Ban Giám khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh, “chiếc tủ kỳ diệu” không chỉ đơn giản là một mô hình học tập, mà còn là một phương pháp kích thích sự học tập chủ động ở lứa tuổi thiếu nhi. Thông qua sản phẩm này, đầu tiên cô giáo là người dạy các cháu học, kể chuyện; sau đó chính các cháu sẽ là những quản trò trực tiếp thực hiện lại những nội dung, kể lại câu chuyện đã được cô truyền đạt trước đó. Hơn thế nữa, từ chiếc tủ, các cháu có thể tự khám phá, thiết kế ra những câu chuyện khác với nội dung hấp dẫn và phong phú hơn. Từ đó, giáo viên cũng kịp thời phát hiện những kỹ năng mới mà học sinh có được.

Rõ ràng, “chiếc tủ kỳ diệu” đã mở ra một thế giới mới, giúp kích thích sự hứng thú, trải nghiệm và nâng cao nhận thức cho trẻ em trong những năm đầu đời.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>