Nhân rộng ứng dụng khoa học vào sản xuất

03/11/2016 | 07:10 GMT+7

Những năm qua, ngành khoa học và công nghệ Hậu Giang luôn đồng hành, tích cực phối hợp với các tổ chức hội và địa phương của tỉnh trong hoạt động hỗ trợ, đưa ứng dụng khoa học vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, cải thiện thu nhập cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang hướng dẫn hội viên nông dân kỹ thuật cấy nấm xanh.

Nổi bật là ngành khoa học và công nghệ Hậu Giang đã ký kết phối hợp hoạt động với Hội Nông dân tỉnh. Theo đó, hàng năm, cả 2 đơn vị đều chủ động xây dựng nội dung, kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp và tuyên truyền, tập huấn một cách cụ thể. Minh chứng rõ ràng nhất trong công tác phối hợp hoạt động giữa 2 đơn vị này là kết quả triển khai chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bởi chương trình đã xây dựng được các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ với quy mô tương đối lớn, đem lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Chẳng hạn như tập huấn kỹ thuật “Nhân rộng mô hình trồng chuối cấy mô trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”; tập huấn kỹ thuật “Sản xuất chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae quy mô nông hộ để phòng trừ rầy nâu hại lúa”. Chỉ tính riêng trong năm nay, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang và hội nông dân các huyện, thị trong tỉnh đã phối hợp mở được 8 lớp tấp huấn kỹ thuật cho nông dân, đạt 100% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, sự tiếp sức thường xuyên của các địa phương đã góp phần không nhỏ trong việc đưa tiến bộ khoa học đến với nông dân. Đồng hành với ngành khoa học, nhiều năm qua, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, luôn đi đầu trong công tác tiếp nhận, vận động bà con tham gia các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Ông Trịnh Bạch Duyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho rằng: Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả canh tác và cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Do đó, khi được ngành khoa học ngỏ lời đưa các ứng dụng về địa bàn là xã chấp nhận ngay.

Mặt khác, để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao, xã Vĩnh Viễn A đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã rà soát đối tượng, tìm vị trí thuận tiện và phù hợp nhất phục vụ các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng dần lòng tin đối với người dân địa phương. Ông Nguyễn Hoàng Vững, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, đã từng tham gia mô hình trồng khóm sạch do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang triển khai thực hiện, luôn cảm thấy tâm đắc vì kết quả mang lại ngoài mong đợi đối với rẫy khóm của gia đình mình.

Ông Vững kể: “Hồi trước, tôi rất lo lắng vì bệnh héo khô đầu lá thường có nguy cơ gây hại nặng trên rẫy khóm của gia đình. Thế nhưng, vào năm 2014, sau khi được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang hỗ trợ quy trình trồng khóm sạch bệnh, thì nỗi lo thất mùa khóm dần vơi đi nhờ cây khỏe, phát triển tốt. Nhất là rẫy khóm cho trái to, ngọt nên bán được giá cao. Chưa kể là từ hơn 10.000 cây giống khóm sạch bệnh được hỗ trợ ban đầu, tôi đã trồng và nhân giống để cung cấp cho bà con trong vùng”.

Được biết, từ năm 2013 đến nay, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang, bà con nông dân ở xã Vĩnh Viễn A có thể tự cấy nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa và duy trì sử dụng cách làm này vì hiệu quả mang lại rất tích cực. Vì thế trong 2 năm qua, không chỉ có diện tích trồng khóm, mà quy mô canh tác lúa được áp dụng theo các mô hình này ngày càng được mở rộng tại địa phương. Cụ thể, diện tích trồng khóm sạch hiện đã tăng 60ha, ruộng lúa sử dụng chế phẩm nấm xanh tăng 300ha.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A Trịnh Bạch Duyên chia sẻ: “Địa phương chúng tôi tâm đắc nhất là mô hình sử dụng nấm xanh mà ngành khoa học chuyển giao. Đặc biệt là việc chuyển giao kỹ thuật cấy và nhân nuôi nấm xanh cho hội viên Hội Nông dân. Hy vọng rằng trong những năm tới, ngành khoa học tỉnh tiếp tục đưa nhiều dự án, đề tài khoa học để bà con nông thôn tiếp tục được thụ hưởng những cách làm hay, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang, khẳng định: “Trung tâm là đơn vị có nhiệm vụ đưa các kết quả nghiên cứu khoa học thành công về ứng dụng, nhân rộng tại các địa phương. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ này thì rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các địa phương, nhất là ở cấp xã, ấp. Bởi có địa điểm, dân phối hợp tốt thì chúng tôi mới có thể triển khai hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ được giao”.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>