Lợi ích khi nông dân biết công nghệ thông tin

09/02/2017 | 08:09 GMT+7

Để hội viên, nông dân tiếp cận nhanh với các nguồn thông tin về thị trường hàng hóa, nông sản, khoa học kỹ thuật sản xuất,... những năm qua, Hội Nông dân huyện Long Mỹ đã nhân rộng Câu lạc bộ Nông dân ứng dụng công nghệ thông tin (CLB NDƯDCNTT), nhờ đó đã góp phần nâng cao sự hiểu biết của nông dân trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc sản xuất, kinh doanh.

Biết truy cập mạng internet giúp nông dân thuận lợi nắm bắt thêm những kinh nghiệm hay trong sản xuất.

Trước đây, máy vi tính và mạng internet là điều xa lạ đối với rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ, nhưng nay không ít gia đình đã có máy vi tính kết nối internet, đặc biệt là một bộ phận nông dân đã thành thạo các thao tác để truy cập mạng, tìm hiểu thông tin bổ ích phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Mỹ, cho biết: “Qua mạng internet, nông dân có thể tìm kiếm được nhiều thông tin bổ ích như: kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, thông tin về giá cả thị trường, địa chỉ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp uy tín, các mô hình mới, gương nông dân điển hình. Nông dân còn dễ dàng tìm hiểu các thông tin về chính sách của Nhà nước về tam nông và nhiều thông tin bổ ích khác. Do vậy, những năm qua, Hội Nông dân huyện chỉ đạo mỗi xã đều phải thành lập CLB NDƯDCNTT”.

Là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, hộ nghèo nhiều, điều kiện phát triển còn hạn chế hơn so với một số địa phương khác, để tạo điều kiện giúp nông dân địa phương tiếp cận nhiều kinh nghiệm hay trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã Xà Phiên đã thành lập 2 CLB NDƯDCNTT với 10 thành viên. Qua hoạt động của các câu lạc bộ đã giúp nông dân phát huy được hiệu quả tích cực trong sản xuất. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc vận dụng kiến thức từ internet vào sản xuất, năm 2015, ông Quách Hoàng Phong, ở ấp 5, xã Xà Phiên, đã cùng với một số nông dân trong xóm thành lập CLB NDƯDCNTT và duy trì hiệu quả hoạt động đến nay. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, các thành viên trong câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm sử dụng mạng internet và kinh nghiệm sản xuất. Hiện câu lạc bộ được trang bị 3 máy vi tính, trong đó có 1 máy do thành viên tự trang bị, UBND xã hỗ trợ 2 máy, do đó các thành viên có nhiều thuận lợi trong hoạt động. Ông Quách Hoàng Phong, Chủ nhiệm CLB NDƯDCNTT ấp 5, cho biết: “Nhà tôi có sẵn máy tính nên mỗi ngày tôi nhờ con chỉ cách sử dụng và tự mày mò tập đánh chữ, truy cập mạng,… giờ đây tôi đã sử dụng rất thành thạo. Khi câu lạc bộ thành lập, tôi tận tình hướng dẫn một số anh em về thao tác sử dụng máy, cách tìm kiếm thông tin. Đến nay, các thành viên đã cơ bản biết cách tìm thông tin cần thiết để vận dụng vào việc chăn nuôi, trồng trọt”.

Qua 2 năm hoạt động, việc sản xuất của nông dân trong ấp có nhiều tiến bộ. Có hộ nhờ học từ mạng đã biết áp dụng các phương pháp sản xuất lúa giúp giảm chi phí, công chăm sóc, tăng năng suất, lợi nhuận. Nhiều hộ dân đã học tập kinh nghiệm mới áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Nông dân cũng được nhiều thuận lợi hơn trong việc nắm bắt giá cả thị trường, giá cả nông sản, vật tư nông nghiệp.         

Ông Phạm Hoàng Bá, ở ấp 5, xã Xà Phiên, chia sẻ: “Cũng nhờ các anh em trong CLB NDƯDCNTT chỉ dẫn mà tôi biết lên mạng tìm hiểu các mô hình hay, được biết thêm nhiều kỹ thuật mới để ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả hơn. Theo tôi, việc biết sử dụng mạng internet để vận dụng kiến thức được đăng trên mạng vào thực tế sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân mình”.

Ngoài trồng lúa, khoảng 2 năm nay, gia đình ông Bá đầu tư nuôi heo sinh sản để tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Nếu như trước kia, mỗi lần heo đến kỳ phối giống, gia đình ông phải mướn tốn kém, trung bình mỗi con heo được thụ tinh nhân tạo phải tốn khoảng 200.000 đồng/lần. Qua tìm hiểu, học tập kỹ thuật nuôi heo sinh sản trên mạng, gần một năm nay, gia đình ông Bá đã tự thực hiện được quy trình, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho heo. Nhờ vậy, chi phí thụ tinh nhân tạo cho heo không còn đáng kể, sản lượng heo con vẫn đạt yêu cầu.

Theo Hội Nông dân huyện Long Mỹ, toàn huyện có 13 CLB NDƯDCNTT với 90 thành viên. Mỗi xã thành lập ít nhất một câu lạc bộ, riêng một số xã như: Xà Phiên, Vĩnh Viễn A, Vĩnh Thuận Đông… có đến 2 câu lạc bộ và được nhân rộng đến ấp. Qua thực hiện mô hình này, bước đầu tác động đến nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Ngoài kinh nghiệm thực tế, kiến thức học từ báo đài, sách vở thì nông dân còn tự trang bị thêm cho mình vốn kiến thức phong phú hơn từ các trang mạng. Nhiều nông dân đã linh hoạt ứng dụng những gì học được vào thực tiễn để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình; tự tìm hiểu, nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là các chính sách về tam nông, đây là điều kiện thuận lợi góp phần phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội nhân rộng mô hình này khi các đơn vị có đủ điều kiện triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>