Khơi nguồn tài năng trẻ

26/05/2016 | 07:30 GMT+7

Nghiên cứu khoa học kỹ thuật là một trong những hoạt động sáng tạo nhằm khơi dậy tiềm năng ở học sinh. Qua những đề tài nghiên cứu, các em biết cách vận dụng kiến thức đã học vào các vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Em Nguyễn Lê Gia Thịnh đang cập nhật phần mềm “Amazing Math English”.

Với vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, em Nguyễn Lê Gia Thịnh, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học hay được ứng dụng vào thực tiễn. Gần đây nhất, để hỗ trợ cho việc học các môn văn hóa bằng tiếng Anh, cụ thể là môn toán, em đã xây dựng phần mềm hỗ trợ dạy và học “Amazing Math English”. Em Thịnh chia sẻ: “Trong xu thế hội nhập, việc học tiếng Anh là nhu cầu rất cần thiết nên em đã xây dựng phần mềm nhằm giúp các bạn vừa học được tiếng Anh, vừa học toán theo hệ chương trình quốc tế để có thể tiếp cận các chương trình tiên tiến trên thế giới. Khi mới bắt đầu thực hiện, em cũng gặp rất nhiều khó khăn vì để tập hợp được các nguồn tài liệu và thiết kế giao diện phải tốn rất nhiều thời gian. Nhưng được sự hỗ trợ của thầy, cô và ý kiến đóng góp từ các bạn khi sử dụng thử nên hiện nay, phần mềm của em đã khá hoàn chỉnh và được các bạn sử dụng rất nhiều”.

Được biết, phần mềm được thiết kế theo từng chuyên đề gồm các bài giảng bằng video clip, vì vậy có thể áp dụng cho nhiều đối tượng học sinh. Trong đó, có phần lý thuyết và bài tập thực hành. Đặc biệt, trong bài tập thực hành còn có gợi ý làm bài khi học sinh gặp khó khăn. Thông tin, tài liệu trong phần mềm luôn được cập nhật bổ sung thường xuyên từ nhiều nguồn trong đó có toán song ngữ Anh - Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với giáo viên, phần mềm còn được sử dụng như một phương tiện trợ giảng về ngôn ngữ.

Với mục tiêu giúp các bạn trẻ nhìn lại những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc thông qua âm nhạc, đôi bạn Ngô Ngọc Muội và Nguyễn Kiều Tuyết Như, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh, đã thực hiện đề tài “Giải pháp nâng cao giá trị nhạc cách mạng trong thời đại số”. Em Muội chia sẻ: “Âm nhạc là một phần của cuộc sống, nó giúp mọi người giảm bớt mệt mỏi sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ đang thay đổi từ cách cảm nhận nhạc truyền thống sang các dòng nhạc mới từ nước ngoài như: ROCK, HIPHOP, K - POP... Vì vậy, em và bạn Như đã thực hiện đề tài với mong muốn thông qua các bài nhạc cách mạng, các bạn sẽ nhìn rõ hơn về những giá trị truyền thống hào hùng của dân tộc trong quá trình giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Được biết, đây là một tập hợp gồm 99 ca khúc cách mạng nổi tiếng qua các thời kỳ lịch sử. Bên cạnh giới thiệu về bài hát còn có đôi nét về hoàn cảnh sáng tác và tác giả. Hiện nay, để có thể tham khảo các ca khúc cách mạng được các bạn tập hợp, chúng ta có thể truy cập vào địa chỉ webside: https://siles.google.com/a/haugiang.edu.vn/nhaccachmang/. Vừa qua, trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016, khu vực phía Nam đề tài đã đạt giải đặc biệt do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trao tặng. Em Tuyết Như cho biết thêm: “Từ hè năm trước, chúng em đã tiến hành thực hiện đề tài. Do tư liệu về các bài hát ở thư viện rất ít nên chúng em phải lên mạng tìm kiếm thêm. Sau đó, chúng em phải nhờ các thầy cô kiểm tra độ chính xác của thông tin nên tốn rất nhiều thời gian”.

Nhằm thay đổi nhận thức của mọi người đối với môi trường trong việc phân loại và xử lý rác, nhóm bạn Phan Thị Như Ý và Võ Thanh Tâm, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ, đã cho ra đời dự án “Tổ hợp giải pháp xanh xử lý rác thải sinh hoạt nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường” bằng các vật liệu như: tôn màu, sắt vuông và ống nhựa rất dễ tìm mua ở thị trường. Như Ý nói: “Khu bãi rác trường em trước giờ số lượng rác nhiều lắm. Rác chủ yếu được tập kết vào các hố đến khi đầy thì lấp lại chứ không phân loại. Từ năm 2008 đến nay, đã chôn khoảng 13 hố rác. Trước thực trạng đó, em và bạn Tâm đã xây dựng ý tưởng để làm một mô hình xử lý rác cho trường cũng như để gia đình sử dụng”.

Mô hình được thiết kế theo dạng hình tháp từ khung sắt được hàn sẵn với các tấm tôn ốp bên ngoài, xung quanh các mặt sẽ khoét những lỗ nhỏ để thông khí. Sau khi hoàn thành sẽ tiến hành cho đất và giun đất vào, bên trong chính giữa tháp sẽ đặt một ống nhựa có kích thước vừa phải để cho rác thải hữu cơ vào. Mô hình này, ngoài xử lý các loại rác hữu cơ đã được phân loại phía trên các bạn còn tận dụng để trồng hoa. Em Tâm nói: “Dự án của chúng em có hai loại mô hình là: hố rác “Tháp hoa” được sử dụng ở sân trường, nơi công cộng và hố rác “Xanh” sử dụng tại các hộ gia đình. Sau khi bỏ rác vào ống để vi sinh vật trong đất phân hủy, chúng em tận dụng phía trên mặt để trồng hoa nhằm tạo cảnh quan thiên nhiên. Chi phí để hoàn thành một mô hình khoảng 373.000 đồng”.

Có thể thấy, với những ý tưởng xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh. Hàng năm, để tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong nhà trường, ngành giáo dục và đào tạo đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục cũng như mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như: phòng lab, phòng thực hành, lắp đặt internet… để phục vụ cho hoạt động dạy và học cũng như tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, để thu hút học sinh, giáo viên của các trường còn đẩy mạnh giảng dạy theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm dạy học, thiết kế bài giảng điện tử… Bên cạnh đó, một số giáo viên còn tự trang bị máy tính xách tay, đường truyền công nghệ thông tin để tạo điều kiện cũng như hỗ trợ học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.830 đề tài, dự án khoa học tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật và sáng tạo cấp tỉnh. Đặc biệt, để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nhà trường nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị để góp phần nâng cao chất lượng toàn diện.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>