Hiệu quả ứng dụng từ giải pháp sáng tạo kỹ thuật

12/05/2016 | 07:22 GMT+7

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh được tổ chức hàng năm nhằm góp phần đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, phát hiện và khai thác khả năng sáng tạo của cá nhân, tổ chức, công nhân, viên chức, lao động, doanh nghiệp trong tỉnh; áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào trong sản xuất và đời sống. Mỗi kỳ tổ chức, đã có hàng chục công trình, giải pháp khoa học thể hiện được tính mới, tính sáng tạo tham gia hội thi.

Em Nguyễn Lê Gia Thịnh, Trường THCS Lê Quí Đôn trình bày đề tài tại hội thi.

Sau khi Hội thi STKT tỉnh lần thứ 8-2015 được phát động, Ban tổ chức hội thi đã tiếp nhận được 414 giải pháp kỹ thuật, đề tài nghiên cứu ứng dụng và sáng kiến đăng ký tham gia, tăng 157 giải pháp so với năm 2014. Hội thi đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của quần chúng nhân dân, người lao động trong tỉnh. Theo bà Lê Thị Thanh Lam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, để đánh giá kết quả các giải pháp tham gia hội thi, Ban tổ chức đã ra quyết định thành lập Hội đồng giám khảo cấp cơ sở theo từng lĩnh vực chuyên môn và ban hành quy định chấm thi làm cơ sở cho việc đánh giá. Các hội đồng chấm thi đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc xét chọn ra 20 giải pháp ứng dụng tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vào vòng chung khảo để trao giải.

Nhìn chung, những giải pháp đoạt giải trong hội thi năm nay đều có tính mới, có khả năng áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Điển hình trong lĩnh vực cơ khí tự động hóa với giải pháp Máy sạ lúa sạ lan. Lĩnh vực công nghệ sinh học, nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên môi trường với giải pháp Trái nổi báo nước mặn; Quản lý bệnh chổi rồng tại nhãn tại tỉnh Hậu Giang. Lĩnh vực giáo dục đào tạo với giải pháp Amazing math English, Chiếc tủ kỳ diệu. Lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông với giải pháp Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hệ thống tích hợp người dùng và đánh giá công việc của công chức trên ứng dụng web. Ngoài ra, Hội thi STKT còn nhận được các giải pháp đưa ra nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong các cơ quan, ban ngành như giải pháp Đề xuất về quy trình thủ tục xét duyệt và đề nghị phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền biển đảo cho công nhân, viên chức lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Là tác giả có đề tài được đoạt giải nhất trong Hội thi STKT, ông Nguyễn Văn Sáng (Tư Sáng) ở phường I, thành phố Vị Thanh, một lần nữa khẳng định tinh thần sáng tạo, sự hăng say học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật của người nông dân Hậu Giang. Chỉ là một nông dân chân lấm tay bùn, chưa qua trường lớp đào tạo về cơ khí, nhưng ông Tư Sáng lại trở nên nổi tiếng với những sáng chế về máy móc nông cụ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và có khả năng ứng dụng cao trong sản xuất. Nhắc đến tên ông, người ta lại nhớ ngay đến những mô hình máy xúc lúa đóng bao, máy cào lúa… và ông đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Sao thần nông” (năm 2009), nhận Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010) của Chủ tịch nước. Đến với Hội thi STKT tỉnh lần thứ 8-2015, ông Tư Sáng tham gia với mô hình Máy sạ lúa sạ lan. Đề tài này được Ban tổ chức đánh giá cao và đoạt giải nhất lĩnh vực cơ khí và tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải nhờ nhiều tính năng ứng dụng vượt trội

 Ông Tư Sáng cho biết: “Máy sạ lúa sạ lan hoạt động bằng cách dùng sức gió để đẩy hạt lúa bay ra theo một phương xéo, bề rộng lối sạ khoảng 9-10m. Máy có thể sạ được từ 15-20 công đất/giờ. Có 2 cách để sạ thưa theo chế độ tự điều chỉnh: hạn chế lượng giống xuống hoặc tăng số cho máy chạy nhanh hơn. Bồn chứa lúa của máy có thể đựng được 2 giạ lúa giống, đủ sạ cho 2-3 công đất”. Có thể thấy rằng, cũng như những mô hình trước đây ông Tư Sáng chế tạo, chiếc máy sạ lúa sạ lan của ông Tư Sáng tiếp tục khẳng định hiệu quả mang lại trong việc sản xuất của người dân.

Tham gia ở lĩnh vực giáo dục đào tạo, em Nguyễn Lê Gia Thịnh, Trường THCS Lê Quí Đôn, được Ban tổ chức đánh giá khá cao với giải pháp Amazing math English. Mục đích của phần mềm nhằm tạo điều kiện cho học sinh vừa học tiếng Anh vừa học toán theo hệ chương trình quốc tế. Nâng cao kỹ thuật giải quyết vấn đề, góp phần cho chương trình tích hợp Việt - Anh đạt kết quả tốt. Phần mềm được thiết kế với 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh nên khả năng ứng dụng dễ dàng và có thể sử dụng rộng rãi. Phần mềm được xây dựng theo từng chuyên đề nên có thể áp dụng cho nhiều đối tượng học sinh. Giáo viên có thể sử dụng như một phương tiện trợ giảng. Em Gia Thịnh cho biết: “Phần mềm của em chạy trực tuyến, được truy cập từ mạng internet theo địa chỉ được cung cấp, không phải cài đặt và có thể vào website ở mọi nơi nếu có kết nối internet. Các bạn học sinh có thể chủ động học ở nhà qua các bài giảng bằng video clip. Rút ngắn thời gian học lý thuyết để dành nhiều thời gian hơn cho thực hành.

Hội thi STKT tỉnh đã trải qua 8 lần tổ chức, đã thu hút sự quan tâm hưởng ứng rộng rãi của đội ngũ những người lao động và trí thức khoa học công nghệ. Những giải pháp đoạt giải đều có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thực hiện thắng lợi, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và toàn tỉnh.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>