Hậu Giang định hướng phát triển khoa học và công nghệ

28/01/2016 | 08:02 GMT+7

Để phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thực hiện theo Đề án Tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế, vừa qua, Sở KH&CN tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và nghiên cứu sơ bộ Đề án “Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (đề án).

Theo bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh (đứng), đề án cần quan tâm xây dựng mô hình thí điểm về nghiên cứu KH&CN để cho người dân học tập, tham quan.

Đề án đã tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng hoạt động KH&CN tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2004-2014. Trong đó, bao gồm đánh giá lại kết quả đạt được của các chương trình, hoạt động KH&CN trên các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới, công nghiệp, xây dựng, môi trường, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh,…; đưa ra những giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong giai đoạn 2004-2014, Sở KH&CN tỉnh đã hợp đồng với các cơ quan trong và ngoài tỉnh thực hiện được 119 đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm (ĐT/DA). Nhìn chung, các ĐT/DA đã được nghiên cứu, ứng dụng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang giai đoạn này. Từ đó, từng bước các ĐT/DA đã và đang dần tạo được sự thay đổi trong các hoạt động nghiên cứu, làm việc, sản xuất trong các ngành, các đơn vị trên toàn tỉnh. Các ĐT/DA KH&CN cơ bản được tổ chức thực hiện bám sát mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xóa đói, giảm nghèo ổn định chính trị xã hội địa phương…

Qua đánh giá thực trạng, kỹ sư Nguyễn Nguyên Cương, chủ nhiệm đề án đã tìm ra được những hạn chế của KH&CN trong 10 năm qua là một phần do đường lối, chính sách phát triển KH&CN các cấp quản lý còn chưa được quán triệt đầy đủ, triển khai chậm; đầu tư cho phát triển KH&CN còn hạn hẹp; cơ chế quản lý kinh tế chưa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KH&CN. Tuy nhiên, theo chủ nhiệm Nguyễn Nguyên Cương: “Qua nghiên cứu và nhìn vào các chủ trương, chương trình, dự án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2020, tôi nhận thấy dự báo nhu cầu phát triển KH&CN tỉnh là rất nhiều. Bởi lẽ, trong giai đoạn sắp tới, Hậu Giang sẽ phát triển mạnh mẽ nông nghiệp theo hướng hiện đại, đầu tư chất lượng cao. Các loại cây trồng có thế mạnh cạnh tranh như lúa, mía, cây có múi sẽ phát triển mạnh về sản lượng và chất lượng. Lĩnh vực công nghiệp cũng phát triển theo. Tỉnh cần thực hiện các nghiên cứu về cải tiến công nghệ, vật liệu thân thiện môi trường, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển. Chính vì vậy, để đạt được những thành tựu, đi đúng các chủ trương, định hướng, Hậu Giang cần hỗ trợ các cơ sở, người dân tiếp cận các chương trình, dự án, được bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức khoa học, áp dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh nhiều hơn nữa”.

Qua các giải pháp đề nghị của chủ nhiệm Nguyễn Nguyên Cương, nhiều lãnh đạo các sở, ngành tỉnh cũng nêu nhiều ý kiến “hiến kế” cho đề án hoàn chỉnh hơn. Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, cho rằng: “Thời gian tới, khi thực hiện đề án cần quan tâm nghiên cứu công nghệ cao về giống và thủy sản. Song song đó, cần xây dựng một vài mô hình thí điểm ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh để một mặt thu hút khách du lịch đến tham quan, mặt khác, đây sẽ là nơi để cán bộ khoa học, người dân học tập, rút kinh nghiệm”.

Đồng ý với bà Phạm Thanh Tuyền, ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, góp ý: “Đề án cần quan tâm nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cho nông nghiệp. Ví dụ như nuôi trồng thủy sản cần gắn kết tiêu thụ, khâu chế biến và xử lý phế thải sau chế biến để tận dụng chất thải sử dụng cho mục đích khác vừa khai thác kinh tế, mà còn giải quyết được vấn đề môi trường”.

Nếu đề án được xây dựng và triển khai tốt, thì đây sẽ là cơ sở định hướng cho KH&CN phát triển trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 một cách đúng hướng, vì có sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trên thế giới. Hy vọng, với những ý kiến quý giá và sự quyết tâm của các ngành, cơ quan, đơn vị và ngành khoa học, sự vạch định rõ ràng, cụ thể của đề án thì chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh sẽ thành công, giúp kinh tế - xã hội Hậu Giang phát triển bền vững trên nền tảng sản xuất chất lượng nhờ vào sự đóng góp của những thành tựu nghiên cứu KH&CN.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích