Độc đáo máy phát hiện rác biết nói

23/11/2016 | 07:48 GMT+7

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống, 2 học sinh Trần Văn Thương và Nguyễn Ngọc Diệp, lớp 11TN2 thuộc Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đã thực hiện ý tưởng “Thiết bị hỗ trợ giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh” thông qua sáng chế thành công chiếc máy phát hiện rác biết nói khá độc đáo.

Em Nguyễn Ngọc Diệp thuyết trình về ứng dụng của máy phát hiện rác biết nói.

Theo em Thương, sản phẩm máy phát hiện rác biết nói được cấu tạo gồm 5 bộ phận. Đó là bộ phận pin; loa phát âm thanh; bộ phận thu âm thanh và điều chỉnh giọng; mạch từ kết nối với chíp nhỏ; khung sườn và lắp ráp vào các hợp khung. Tất cả đều hoạt động theo nguyên tắc là khi thiết bị được khởi động, nếu thanh dò line cảm biến được rác chuyển động, hay rơi xuống (có người đang vứt rác vào khu vực đang có thiết bị lắp đặt) sẽ dẫn đến mạch âm thanh, rồi loa âm thanh phát ra một hiệu lệnh nhắc nhở: “Bạn đã bỏ rác không đúng nơi quy định, đề nghị bạn nhặt rác và bỏ vào nơi đúng quy định”.

Với sản phẩm này, nhóm tác giả không chỉ mong muốn đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường xung quanh, mà còn góp phần giáo dục, nâng cao ý thức của mỗi người, nhất là các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Em Nguyễn Ngọc Diệp cho rằng: “Máy phát hiện rác biết nói được thiết kế nhỏ, gọn và có thể đặt bất cứ ở vị trí nào trong lớp học, hay xung quanh khuôn viên trường. Vì vậy, sau khi sản phẩm được đem ra thử nghiệm lần đầu, chúng em thấy hiệu quả mang lại rất tích cực. Bởi ý thức các bạn học sinh trong lớp được nâng lên, số lượng rác thải giảm đáng kể. Quan trọng là hạn chế khâu trực vệ sinh lớp để có thể tăng thời gian ôn bài”.

“Bên cạnh thành công bước đầu, chúng em thấy sản phẩm chưa hoàn thiện mà còn mắc phải một số vấn đề như đặt ở môi trường bên ngoài nếu gặp mưa thì máy sẽ hoạt động hạn chế. Ngoài ra, line cảm biến chưa phân biệt rõ được thân nhiệt của con người và các vật khác nên dễ xảy ra hiểu lầm và phát ra hiệu lệnh. Do đó, chúng em đang nghiên cứu thêm để cải tiến line cảm biến phân biệt được nhiệt rõ ràng, nhằm giúp máy hoạt động hiệu quả hơn”, em Thương chia sẻ thêm.

Cũng theo nhóm tác giả, máy phát hiện rác biết nói có nguyên tắc hoạt động giống như thiết bị đi đường dành cho người khiếm thị, hay thiết bị chống trộm, báo khách ở một số cửa hàng. Mặt khác, để sáng chế ra được chiếc máy trên, chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 400.000 đồng/sản phẩm hoàn chỉnh. Thế nhưng, một số cấu tạo trong chiếc máy như: các bảng mạch điện, line cảm biến nhiệt thì khó tìm mua tại các chợ nông thôn, vì thế vấn đề cải tiến sản phẩm cần có một khoảng thời gian nhất định.

Từ ý tưởng sáng tạo độc đáo trên, máy phát hiện rác biết nói của em Thương và Diệp đã đạt giải nhì trong cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh năm 2015 và giải đặc biệt trong cuộc thi cấp khu vực đã được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai. Ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thủy, thông tin: Vài năm gần đây, việc phát động thực hiện ý tưởng sáng tạo khoa học được các em học sinh của trường hưởng ứng tích cực, nhất là các sản phẩm khi hoàn thành xong đều phục vụ thực tiễn cuộc sống cao, trong đó có sản phẩm máy phát hiện rác biết nói của 2 em Diệp và Thương, học sinh lớp 11TN2 chế tạo ra.

Ngoài ra, thầy cô của Trường THPT Vị Thủy luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các em hiện thực hóa việc đam mê sáng tạo bằng cách lồng ghép vào quá trình giảng dạy, hỗ trợ thêm thông tin và kiến thức cơ bản trên lớp, giải đáp các thắc mắc để các em hoàn thành tốt sản phẩm của mình.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>