Độc đáo bẫy bắt ruồi vàng

13/10/2016 | 08:36 GMT+7

Bằng sự nhạy bén và ý tưởng độc đáo, em Phạm Nguyễn Bảo Duy, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Đông Phú 1, ở ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, đã sáng kiến ra bẫy bắt ruồi vàng vừa giúp nhà nông bảo vệ mùa màng, vừa góp phần giữ gìn môi trường sinh thái.

Bảo Duy bên sản phẩm sáng chế “Bẫy bắt ruồi vàng giúp nhà nông”.

Sản phẩm sáng tạo của em Duy rất đơn giản, vì bẫy ruồi vàng hoạt động theo nguyên lý giống với cái hom của lờ, lọp dùng để bắt cá, tép… Tiếp nữa, để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh, Bảo Duy đã chủ động thiết kế bẫy gồm 3 bộ phận chính. Đó là, phần chân (phần cố định bẫy); phần thân (phần lấy gió và đựng “bã thuốc cây é tía”); phần bẫy ruồi vàng (cắt chai cocacola hoặc chai nước suối, đo 2/3 thân chai từ dưới lên, đồng thời lấy đầu chai vừa cắt hướng xuống đáy chai, dùng băng keo dán dính lại để làm bẫy). Sau đó, trong quá trình làm bẫy có thể thêm một cái quạt gió nhỏ đặt phía dưới cái bẫy để lợi dụng sức gió phát tán mùi cây é tía (cây é tía có thân cành màu đỏ tía, có lông mịn ở cả hai mặt lá, cuống lá dài; bông hoa là chùm đứng gồm nhiều cánh hoa màu trắng hay tím, có mùi thơm dịu dễ chịu) dẫn dụ ruồi vàng.

Bảo Duy chia sẻ: “Một lần tình cờ con theo bà nội ra vườn hái thuốc nam, vô tình thấy ruồi vàng bay đến và đậu lên cây é tía rất nhiều. Từ đó, con nảy sinh ra ý tưởng bắt ruồi vàng để giúp ông nội hạn chế phun xịt thuốc trừ sâu”. Chị Nguyễn Thị Út (mẹ của Bảo Duy) cho rằng, Bảo Duy là cậu bé năng động, say mê sáng tạo và thích nghiên cứu, học hỏi để làm ra những sản phẩm đồ chơi mới. Vì thế, nhằm nuôi dưỡng ước mơ, cũng như tạo mọi điều kiện để phát huy tài năng của Bảo Duy, gia đình luôn ủng hộ để sớm làm ra sản phẩm bắt ruồi vàng. Thời gian không lâu sau, sản phẩm bẫy ruồi này đã được áp dụng thực nghiệm đầu tiên trên mảnh vườn trồng cây ăn trái của gia đình.

Anh Nguyễn Công Danh (cha của Bảo Duy) cho biết: “Khi hoàn thành xong sản phẩm, gia đình cùng Bảo Duy đặt thử nghiệm 6 chiếc bẫy/6.000m2 vườn trồng cây ăn trái của ông nội Duy và đặt luân phiên nên hiệu quả cao, ruồi vàng sập bẫy khá nhiều”. Được biết, bên cạnh hiệu quả mang lại, bẫy ruồi vàng dễ làm và chi phí đầu tư khá thấp, ước khoảng 100.000 đồng/bẫy. Sản phẩm có trọng lượng nhẹ và thời gian sử dụng lâu, bởi chất liệu làm bẫy ruồi vàng chủ yếu là ống nhựa, chai nhựa, phù hợp với mọi điều kiện thời tiết.

Cũng theo anh Danh, bẫy ruồi vàng rất tiện lợi, gọn nhẹ nên nhà nông có thể đặt bất cứ nơi đâu trên vườn trái cây, đặc biệt là nơi có nhiều ruồi vàng lui tới. Ngoài ra, khi đặt bẫy, người dân chịu khó thay bã thuốc nhằm đảm bảo cho mùi hương thơm lưu giữ lâu để bắt ruồi vàng được nhiều. Đồng thời, sản phẩm không sử dụng thuốc hóa học, nên rất an toàn cho người sử dụng, cũng như góp phần bảo vệ môi trường xung quanh. Hơn hết là có thể giúp nhà vườn tiết kiệm được thời gian phun xịt thuốc, tiết giảm chi phí sản xuất và hạn chế ruồi vàng tấn công gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Theo các ngành chuyên môn tỉnh, ruồi vàng là loài vật gây hại nặng nề trên cây trồng như: xoài, bưởi, cam, khổ qua, bí... Khi thời tiết có độ ẩm cao, ruồi vàng phát triển mạnh, vì vậy khi trái cây gần chín, ruồi vàng tập trung bay đến tấn công rất nhiều. Ruồi vàng chủ yếu đến trú ngụ và đậu theo lá, cành trái của cây rồi tiếp tục chích sâu vào trong trái để đẻ trứng, ước mỗi lỗ chích có khoảng 40 trứng và chu kỳ sinh trưởng ruồi vàng dao động từ  20-40 ngày, trong khi đó chưa có thuốc đặc trị riêng biệt nên sức tấn công, gây hại của loài côn trùng này rất cao.

Chính vì thế, lâu nay người dân có rất nhiều sáng kiến để bắt ruồi vàng. Cụ thể như dùng keo dính ruồi, phun xịt thuốc hóa học, treo chuối chín… Tuy nhiên, ý tưởng sáng tạo của bé Bảo Duy đã thật sự mang lại hiệu quả ngoài sự mong đợi. Sản phẩm bắt ruồi vàng của em đã đạt giải nhì trong cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh, rồi đạt giải 3 trong cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2016. Bảo Duy tâm sự: “Con rất vui khi ý tưởng của con giúp ích được cho nhiều nhà vườn, quản lý và hạn chế được ruồi vàng tấn công, gây hại. Ước muốn của con tới đây là có thể tiếp tục được tìm hiểu và phát huy, nhân rộng ra thêm để giúp các cô, chú yên tâm làm vườn”.

Còn anh Danh cho rằng: “Thấy con đam mê và thích nghiên cứu thì gia đình sẽ tiếp tục sát cánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng ước mơ của cháu. Đồng thời, theo sát để cháu có điểm tựa phát huy tài năng, lớn lên trở thành người có ích cho xã hội”.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>