Rèn chữ đẹp, thêm yêu tiếng Việt

26/03/2024 | 09:13 GMT+7

Luyện chữ đẹp giúp rèn tính cẩn thận, kiên nhẫn và khéo léo. Từ phong trào “Giữ vở sạch, rèn chữ đẹp” giúp học sinh thêm yêu tiếng Việt.

Những nét chữ được chăm chút, tỉ mỉ từ đôi bàn tay nhỏ nhắn của các em học sinh cấp tiểu học, góp phần gìn giữ những nét đẹp của chữ viết tay.

Chăm bồi nét chữ, rèn nhiều đức tính

Nhìn bài viết chữ đẹp với phần trình bày sáng tạo ở từng nét thanh, nét đậm của em Thị Ngọc Nhi, ít ai biết rằng đây là nét chữ của học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Ông Đỗ Văn Bửu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Học sinh ở trường tiếp thu bài đôi khi còn chậm hơn học sinh các trường tiểu học, để các em viết được chữ đẹp, giáo viên chủ nhiệm dành khá nhiều thời gian hướng dẫn. Dạy học sinh bình thường viết chữ đẹp đã khó, dạy cho học sinh khuyết tật viết chữ đẹp lại càng khó hơn. Không chỉ bằng lời nói, các thầy cô còn dùng cử chỉ, động tác tay, kỹ năng của mình để hướng dẫn học sinh biết đâu là nét thanh, nét đậm, bài viết nào cần viết theo mẫu chữ in hoa, bài viết nào sử dụng mẫu chữ sáng tạo…”.

Mỗi ngày đi học, em Trần Minh Quân, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Cây Dương 1, huyện Phụng Hiệp, đều dành khoảng 30 phút buổi chiều để được cô giáo chủ nhiệm rèn chữ đẹp. Về nhà, sau khi học bài và làm bài tập, Quân dành thêm khoảng 30 phút để nắn nót, chăm chút viết những bài thơ, đoạn văn với từng nét đậm, nét thanh. Thói quen này được Quân duy trì suốt 4 năm học qua. Niềm đam mê, sự cố gắng kiên trì rèn chữ viết, giúp em đạt nhiều giải thưởng cao ở hội thi viết chữ đẹp cấp huyện và cấp tỉnh. Em Quân bộc bạch: “Với em, luyện tập để viết đẹp, không chỉ giúp mình có chữ viết đẹp, mà em còn tự rèn đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ hơn đối với mọi việc”.

Có con đang tham gia phong trào “Giữ vở sạch, rèn chữ đẹp” ở Trường Tiểu học Xà Phiên 1, huyện Long Mỹ, chị Dương Thị Dợt bày tỏ: “Ngoài thời gian rèn chữ cùng giáo viên chủ nhiệm tại trường, ở nhà tôi cũng tạo điều kiện cho con lên mạng xem các bài viết chữ đẹp, để con học thêm được cách sáng tạo ở từng nét chữ. Theo tôi, khi công nghệ thông tin đang bùng nổ mạnh mẽ, thì việc giữ gìn các nét chữ đẹp lại càng trở nên quan trọng hơn”.

Giúp học sinh thêm yêu tiếng Việt

Là một trong những giáo viên tâm huyết rèn học sinh viết chữ đẹp, cô Nguyễn Thị Như Bình, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Muốn viết chữ đúng, chữ đẹp thì tư thế ngồi, cách cầm bút rất quan trọng. Cách cầm bút đúng là ba ngón tay, cái, trỏ, giữa chụm vào sao cho các đầu ngón tay bằng nhau. Khi đã có tư thế đúng, các em sẽ được dạy viết từng chữ cái, từng con số, đến lúc thành thạo, đẹp mới chuyển qua ráp vần. Nếu yêu cầu viết đẹp và sáng tạo thì phụ thuộc nhiều vào năng khiếu, nhưng nếu chỉ cần viết đúng, rõ thì hầu như sau quá trình rèn luyện ai cũng làm được”.

 Tại Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, nhà trường luôn hỗ trợ phong trào viết chữ đẹp, các em tham gia cũng rất nỗ lực, chịu khó học tập, luyện chữ. “Việc luyện chữ đẹp còn giúp học sinh học tốt các môn học khác, nhất là môn tiếng Việt. Vì khi rèn chữ kết hợp tập làm văn, các em cũng có nền tảng học tốt môn khác, tập vở trình bày rõ ràng, kiến thức tiếp thu tốt hơn. Ngoài ra còn thúc đẩy các em phát triển tư duy, thẩm mỹ, cần cù chịu khó, nâng cao tinh thần đam mê học tập”, bà Trần Thị Chính, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ thêm.

Ông Hồ Văn Bé Hai, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Phong trào “Giữ vở sạch, rèn chữ đẹp” hàng năm được các cấp quản lý đến các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm, chỉ đạo phát động ngay từ đầu năm học. Đặc biệt là các trường tiểu học, bởi đây là cấp học được xem đặt nền móng cho học sinh. Các trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm trực tiếp bồi dưỡng thường xuyên dành cho những học sinh có năng khiếu, yêu thích môn học. Đây được xem là cơ hội để học sinh trau dồi kỹ năng viết chữ đẹp, giữ gìn vở sạch, rèn tính kiên trì, sáng tạo”.

Dù ở thời đại nào, nét chữ viết tay luôn mang một dấu ấn rất riêng, không loại máy móc nào có thể thay thế. Thông qua phong trào “giữ vở sạch, rèn chữ đẹp”, hội thi viết chữ đẹp… đã góp phần gìn giữ giá trị văn hóa Việt trong thời công nghệ số như hiện nay.

Nhằm thúc đẩy phong trào “Giữ vở sạch, rèn chữ đẹp”, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức Hội thi viết chữ đẹp dành cho cấp tiểu học. Đây là hoạt động nhằm góp phần trau dồi các kỹ năng viết chữ và trình bày bài vở sạch đẹp, rèn luyện đức tính kiên trì, cẩn thận, phát triển sự sáng tạo trong học sinh và giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục ở tiểu học. 

Toàn tỉnh có 146 trường tiểu học và trường dạy trẻ khuyết tật.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>