PHÁT HUY VAI TRÒ CÁN BỘ “7 DÁM” TRONG VIỆC BIẾN KHÁT VỌNG THÀNH HÀNH ĐỘNG

27/09/2023 | 15:21 GMT+7

Tỉnh Hậu Giang đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chắc chắn nhằm hiện thực hóa quyết tâm, khát vọng vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực. Trong đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt việc hình thành và phát huy đội ngũ cán bộ “7 dám” là một trong những giải pháp “then chốt” căn cơ nhất của mục tiêu quan trọng này.

 

 

1. Cán bộ “7 dám”

 

“Dám” có nghĩa là có đủ tự tin để làm việc, dù biết khó khăn, nguy hiểm. Hay nói cách, được hiểu là không ngại, không sợ làm những việc khó, việc mạo hiểm, việc chưa có tiền lệ, chưa được hoạch định bằng cơ chế…  Cán bộ “7 dám” bao gồm: “Dám nghĩ”, “Dám nói” “Dám làm” “Dám chịu trách nhiệm“Dám đổi mới sáng tạo”Dám đương đầu với khó khăn thử thách” “Dám quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”

 

Trong mối tương quan, “dám nghĩ” giúp cho người cán bộ toàn tâm, toàn ý, trăn trở để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, tạo điều kiện, tiền đề cho sự phát triển. Nếu không “dám nghĩ” thì không giải quyết được những mâu thuẫn, không có cơ sở cho sự bứt phá để phát triển. Đồng thời, ý tưởng, tư tưởng, sáng kiến phải được nói ra, được thể hiện bằng việc “dám nói”, bằng chính kiến, bằng quan điểm trước sự đúng sai, tốt xấu, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu mở đường cho sự phát triển. Cán bộ còn phải là người “dám làm”, dũng cảm đi đầu, gương mẫu làm trước, tiên phong, định hướng, dẫn dắt để nhân dân cùng làm. Nếu cán bộ không dấn thân thì không có sự đột phá, thay đổi và do vậy, sẽ tiếp tục cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, người cán bộ phải “dám đổi mới sáng tạo”, tạo ra những mô hình, cách làm mới, đột phá thì mới có thể thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học – công nghệ…, của đất nước hiện nay. Bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm chính trị và đạo đức cách mạng của cán bộ cấp chiến lược còn thể hiện ở việc “dám đương đầu với khó khăn, thử thách” và “dám quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng.

 

Như vậy, “7 dám” là những phẩm chất cần và đủ, có quan hệ chặt chẽ với nhau và là một chỉnh thể trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay, xứng đáng vai trò là “dây chuyền” của bộ máy chính trị, quyết định đối với sự vận hành của cả bộ máy, là cái gốc của mọi công việc theo lời dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

2. Khát vọng của tỉnh Hậu Giang và hành động của cán bộ

 

2.1. Khát vọng của tỉnh Hậu Giang

 

Hậu Giang là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các địa phương trong vùng và cả nước. Quy mô kinh tế nhỏ, GRPD chỉ chiếm khoảng 4% tổng GRPD toàn vùng; thu nội địa thấp, tỷ lệ tự cân đối ngân sách chỉ khoảng 40%, chủ yếu nhận điều tiết hỗ trợ từ Trung ương. Ba tụt hậu được nhận diện: Quy mô kinh tế nhỏ và khoảng cách chênh lệch ngày càng tụt xa; tăng trưởng kinh tế giảm dần và thấp hơn mức tăng cả nước; tăng thu ngân sách hàng năm (cả số tuyệt đối và tỷ trọng) thấp hơn tăng chi ngân sách, giá trị tự cân đối ngân sách ngày càng giảm.

 

Khát vọng của tỉnh Hậu Giang thể hiện ở phương châm “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030 đã đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Hậu Giang vươn lên trở thành tỉnh khá, tiến tới tự cân đối ngân sách. Nâng thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh cao hơn mức bình quân khu vực: Giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ 1,5-8%/năm; thu ngân sách tăng 20%/năm; giai đoạn 2026-2030: tăng trưởng kinh tế 10-12%/ năm; thu ngân sách tăng 15%; năm 2030 tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người: 150 triệu đồng/người. Đó là khát vọng phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2025.

 

2.2. Quyết tâm, khát vọng lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo

 

Chọn mốc thời điểm mới chia tách tỉnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhiều khó khăn, là vùng trũng nhất đồng bằng sông Cửu Long, … Những năm ấy, Hậu Giang xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết, trong đó nhấn mạnh cán bộ là nhân tố quan trọng; nhất là cán bộ chủ chốt. Từ năng lực những bàn tay, khối óc của những con người biết dấn thân, tiên phong về tỉnh mới sẽ góp nhiều viên gạch hồng xây dựng Hậu Giang thay đổi và là nền móng vững chắc cho những năm phát triển tiếp theo. Thực tiễn xây dựng và phát triển tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược cần đưa ra những chiến lược, quyết sách giải pháp căn cơ để phát triển tỉnh. Với quan điểm “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, củng cố thế trận lòng dân - xem đây là nền tảng để xây dựng Hậu Giang phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, dù trong tình thế khó khăn, cán bộ của tỉnh phải làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn, tạm bợ, thế nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn quyết định vận động, cùng với ngân sách nhà nước và góp thêm vào của người có công xây dựng 1.842 nhà tình nghĩa… cải thiện đời sống cho nhân dân.

 

Nhận thấy, Hậu Giang là vùng đất có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó, kênh xáng Xà No được xem là có vị thế vô cùng quan trọng về mặt địa lý, lãnh đạo tỉnh mạnh dạn cho khởi công công trình kè Xà No theo dọc tuyến kinh dài gần 30km – bờ kè dài nhất cả nước trở thành điểm nhấn chiến lược của vùng đất Hậu Giang, ngăn chặn tình trạng sạt lở, chỉnh trang đô thị, sắp xếp hệ thống dân cư,… Công trình được tỉnh chọn là biểu tượng của tỉnh Hậu Giang chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội – một thuỷ lộ huyết mạch và “con đường lúa gạo miền Hậu Giang”.

 

Giữa tình thế cân nhắc giữa việc đảm bảo an ninh chính trị, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang mạnh dạn ký quyết sách khi tổ chức thành công Festival lúa gạo lần thứ Nhất của Việt Nam - trải thảm đỏ thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư; tổ chức Giải Marathon quốc tế “Mekong delta marathon” Hậu Giang vào năm 2020. Ngày 22/8/2022, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chương trình số 123-CTr/TU Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị. Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang là: Xác định phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng là 04 lĩnh vực đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2030 và những năm tiếp theo và với quan điểm “Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm”. Tạo nền tảng để tỉnh Hậu Giang “cất cánh”.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang có tổng số 33.850 đảng viên và 18.295 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà nước của tỉnh. Trong đó, có hơn 60 cán bộ công chức viên chức có trình độ tiến sĩ và tương đương trở lên, hơn 1.000 thạc sĩ và tương đương, hơn 10.000 đại học chuyên ngành và đa số đều được phân công bố trí đúng với vị trí việc làm... Qua đánh giá, hầu hết cán bộ đều có tâm huyết, năng động, sâu sát cơ sở, chịu khó lao động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở 3 cấp đều có cán bộ giỏi, là nhân tố tích cực trong đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể của địa phương, đơn vị; là lá cờ đầu về phát động, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

 

Trong báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ ra: “Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển”. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay không theo kịp nhu cầu phát triển khi mà Hậu Giang đề ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đột phá trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo. Nguồn nhân lực của tỉnh vừa thừa, vừa thiếu. Thừa là thừa những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhưng thiếu cán bộ chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực để tỉnh thể chế hóa, hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cấp trình độ, năng lực chưa ngang tầm với nhiệm vụ; đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ giỏi để dẫn dắt các ngành trọng điểm của tỉnh còn thiếu. Trong khi đó, chính sách thu hút nhân tài của tỉnh đã có nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, đặc biệt là không thu hút thêm mà còn bị “chảy máu” chất xám… Việc đánh giá cán bộ đôi khi chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, né tránh, ngại va chạm, dễ dãi hoặc định kiến, kết quả đánh giá hàng năm hầu như không có cán bộ lãnh đạo, quản lý được xếp loại ở mức hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Chất lượng quy hoạch cán bộ được nâng lên nhưng vẫn còn thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đầu tư, quan tâm nhưng hiệu quả, chất lượng mang lại chưa tương xứng. Công tác luân chuyển cán bộ có một số ít trường hợp chưa đạt yêu cầu. Việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ có lúc bị động, có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường cán bộ; chưa đột phá trong đánh giá, phát hiện, tín nhiệm, lựa chọn cán bộ…

Nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế trong chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định “Cán bộ là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá”. Ngay sau đó, trong Chương trình số 50 ngày 9-8-2021 của Tỉnh ủy (thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh), BTV Tỉnh ủy khẳng định “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là ưu tiên thứ nhất và xác định quyết tâm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh”. Trên cơ sở đó, đến nay tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, như: Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Kế hoạch về luân chuyển cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025; Đề án thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn, chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn; Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025. Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.

 

Đồng thời, nhằm đảm bảo cơ chế bảo vệ cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đầy đủ thành phần theo đúng quy định. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã họp thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hậu Giang là một trong số ít tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sớm nhất cả nước, từ giữa tháng 6 năm 2022.

 

Có thể khẳng định, với hệ thống văn bản được xây dựng công phu, bài bản, nội dung toàn diện đã đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp trong tỉnh có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy đổi mới, khát vọng cống hiến, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, đòi hỏi phải thận trọng, chặt chẽ từ khâu tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

 

2.3. Tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ

 

Thống nhất từ chủ trương, quyết liệt trong hành động, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ vì mục tiêu phát triển tỉnh nhà. Mỗi cán bộ, công chức viên chức luôn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đổi mới sáng tạo, xuất hiện những cá nhân dám đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Kết quả, cuối năm 2022, có 110 cá nhân nhận bằng khen cấp nhà nước, 2.241 cá nhân nhận bằng khen cấp tỉnh. Những cá nhân được vinh danh trong phong trào thi đua khen thưởng của tỉnh góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển nhiệm vụ đột phá của tỉnh.

 

(Ảnh: cán bộ tỉnh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh.Nguồn: Báo Hậu Giang)

 

Với những chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, mỗi cá nhân cán bộ, công chức viên chức của tỉnh tự học tập, nghiên cứu để nâng chất trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân. Đồng thời, 100% cán bộ, đảng viên quán triệt, học tập các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ trước và sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW đến nay, thực hiện đạo đức công vụ, ứng xử văn hoá công sở từ đó ạo được những chuyển biến rõ nét về tác phong, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là chuyển biến tích cực về kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới phong cách gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…; nâng cao tinh thần trách nhiệm, “nói đi đôi với làm”, góp phần nâng cao niềm tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền, với hệ thống chính trị của tỉnh. Ý thức trách nhiệm và đạo đức, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, đã có nhiều cán bộ, công chức đã có nhiều “hiến kế” để giúp lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trở lực cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang. Đến nay, lãnh đạo tỉnh đã nhận được hàng ngàn ý kiến, hiến kế đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà, thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

 

(Bà Võ Thị Ngọt, ở ấp Hưng Phú, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi vì có nhà mới)

 

Hậu Giang đã gần chạm đến mốc son 20 tuổi, trong từng giai đoạn tỉnh đều có khát vọng phát triển xứng tầm với kỳ vọng của Trung ương, tiềm năng, thế mạnh và khả năng của mình. Nếu như giai đoạn 2004-2005, với quan điểm “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, củng cố thế trận lòng dân - xem đây là nền tảng để xây dựng Hậu Giang phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, tỉnh đã vận động, cùng với ngân sách nhà nước và góp thêm vào của người có công xây dựng 1.842 nhà tình nghĩa…với nền tảng lòng dân vững chắc, Hậu Giang quyết tâm và xây dựng thành công xã nông thôn mới đầu tiên ở ĐBSCL và cả nước - xã Đại Thành (năm 2013), thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy). Và Ngã Bảy cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên hoàn thành chuẩn nông thôn mới ở đồng bằng (năm 2015). Với khát vọng thoát khỏi vùng trũng về giáo dục - đào tạo, “ai cũng được học hành”, chỉ sau 15 năm thành lập, Hậu Giang hoàn thiện hệ thống trường lớp. Từ 8 trường đạt chuẩn vào năm 2004, năm 2019, toàn tỉnh có 215/336 trường đạt chuẩn quốc gia, so thời điểm mới thành lập tỉnh tăng 207 trường, gấp 25 lần. Hậu Giang trở thành điểm sáng trong khu vực về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Khát vọng một Hậu Giang có thế hệ lãnh đạo quản lý, điều hành, quán xuyến kinh tế nổi trội, năm 2010, Hậu Giang có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 13/63 tỉnh, thành; năm 2022, càng đậm nét hơn với thứ hạng 12…Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP quý I năm 2023 cao nhất cả nước, tăng 12,67%, nửa nhiệm kỳ qua (đến cuối năm 2022), GRDP bình quân đầu người của Hậu Giang là 65,89 triệu đồng/người/năm, so chỉ tiêu cả nhiệm kỳ là 84,52 triệu đồng/người/năm…

Đó là những dấu son Hậu Giang ghi dấu trên bản đồ nước Việt! Những con số ấn tượng trên nền tảng vững chắc sẽ đưa Hậu Giang sớm đến đích tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL mà Đại hội Đại biểu tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 khát vọng! Hoàn thành được những kết quả vừa nêu, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của việc phát huy vai trò của cán bộ “7 dám” của phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống chính trị tỉnh Hậu Giang được củng cố, uy tín của Tỉnh uỷ Hậu Giang được tăng cường, lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ được khẳng định – nền tảng để đưa Hậu Giang cất cánh

 

3. Một số giải pháp phát huy hiệu quả vai trò đội ngũ cán bộ “7 dám”

 

Để phẩm chất “7 dám” của cán bộ, đảng viên nảy nở, phát triển mạnh mẽ, trở thành hành động thực tế trong chặng đường đổi mới tiếp theo cần chú trọng đảm bảo 2 giải pháp về khuyến khích cán bộ và bảo vệ cán bộ “7 dám”. Cụ thể là:

Thứ nhất, cần có những quy định cụ thể, cơ chế tạo hành lang pháp lý khuyến khích cán bộ hành động và bảo vệ để phẩm chất “7 dám” của cán bộ, đảng viên. Quan trọng là cần có cơ chế bảo vệ cán bộ “7 dám” biết đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng, đấu tranh với những điều sai trong cơ quan, đơn vị, Có cơ chế khen thưởng, biểu dương đối với đội ngũ cán bộ có biểu hiện xuất sắc, đóng góp chung cho lợi ích của tập thể, có cống hiến đối với quê hương, tổ quốc. Đồng thời, có những quy định nghiêm trong việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ có biểu hiện sai phạm trong việc thực thi công vụ, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống. Quy định khuyến khích và bảo vệ cán bộ “7 dámsẽ là cơ sở chính trị - pháp lý bảo đảm mọi cán bộ, đảng viên, công dân đều bình đẳng được quyền đề xuất những ý tưởng, đề án và trở thành chủ thể “dám” vì lợi ích chung, vì sự phát triển đất nước; mọi tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị - cấp có thẩm quyền đều phải có trách nhiệm khuyến khích, xem xét, bảo vệ và chịu trách nhiệm đối với các ý tưởng, các đề án thuộc về “7 dám” vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

 

Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục dành sự quan tâm, chăm lo đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Phải chọn đúng cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ thì mới thúc đẩy được hiệu quả công việc, tránh lãng phí sử dụng nguồn nhân lực.

 

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để cán bộ, đảng viên thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung đã cam kết, kết quả thực hành trách nhiệm nêu gương chính là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất để cấp dưới và Nhân dân dễ nhận thấy, học tập và noi theo.

 

Thứ tư, cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, hết lòng, hết sức vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ các cấp...

 

Thứ năm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, thực chất. Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương theo cam kết là điều kiện cần có để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy phẩm chất “7 dám” trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

 

4. Kết luận

 

Bước sang tuổi 20, Hậu Giang được ví như “cô gái đang độ xuân thì” - đang căng tràn sức sống, đầy sự nhiệt huyết, niềm tin và khát vọng để vươn đến tương lai viên mãn, rạng ngời – với đủ đầy sự nhiệt huyết, niềm tin và khát vọng vươn đến hiện thực hóa những mục tiêu phát triển quê hương giàu đẹp. Từ những kết quả đạt được, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để tin rằng, việc quan tâm xây dựng và phát huy cán bộ “7 dám” là quyết sách chính trị mang tính khách quan, đúng đắn, khoa học của tỉnh Hậu Giang hiện nay. Và không dừng lại ở đó, trong những năm tới, với những chủ trương, chính sách khuyến khích và cơ chế bảo vệ cán bộ “7 dám” tỉnh Hậu Giang đang triển khai hiện nay sẽ tạo nên phong trào đột phá, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong toàn xã hội; biến khát vọng thành hành động trong xây dựng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững; trở thành tỉnh khá trong khu vực, góp phần cùng cả nước thực hiện hiệu quả mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

TRẦN LÊ DIỆU TIÊN, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang.

 

* Bài viết được đăng phục vụ dự thi Giải Báo chí cấp tỉnh về xây dựng Đảng  (Búa liềm vàng) lần thứ II-năm 2023. Tòa soạn không tham gia biên tập, tôn trọng tuyệt đối chính kiến, nội dung, hình ảnh bài viết đã được cơ quan chủ quản thống nhất thông qua.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Chính trị: Kết luận số 14-LK/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H.2021.

3.PGS.TS. Đoàn Thế Hanh: Khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám” vì lợi ích chung, Tạp chí Cộng sản

4. PGS.TS. Đoàn Thế Hanh: Khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám” vì lợi ích chung, Tạp chí Cộng sản

5. Bùi Trí Thức: “Ham muốn tột bậc” của Bác và khát vọng của Hậu Giang, báo Hậu Giang

6. Tỉnh uỷ Hậu Giang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>