Giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em

23/06/2022 | 02:38 GMT+7

Suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) là sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ. Để trẻ được phát triển tốt, toàn diện, công tác phòng, chống SDDTE được quan tâm thực hiện ở tỉnh.

Dự kiến đến tháng 12 sẽ triển khai chiến dịch uống vitamin A đợt 2 toàn tỉnh cho trẻ.

97% trẻ từ 6-36 tháng tuổi được bổ sung vitamin A

Chiến dịch uống vitamin A đợt 1-2022 vừa được triển khai trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả phấn khởi. Đây là chiến dịch nhằm bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em ở tỉnh. Bà Lê Thị Phúc, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Thực hiện chiến dịch, chúng tôi đã phối hợp với các ấp, cộng tác viên dân số tuyên truyền và mời các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi từ 6-36 tháng tuổi và sản phụ sinh con trong vòng 6 tháng đến phòng khám để uống vitamin A. Hoạt động cho uống vitamin A được triển khai lồng ghép với tổ chức tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên có nhiều thuận lợi. Đa số gia đình trẻ đồng tình cho trẻ uống vitamin A. Còn lại những trường hợp trẻ chưa đến được phòng khám để uống chúng tôi tổ chức đoàn xuống tận nhà cho trẻ và sản phụ uống, nên kết quả đạt hầu như 100% so với kế hoạch đề ra”.

Không riêng xã Vị Thanh, kết quả thực hiện chiến dịch này đạt 100% ở huyện Vị Thủy. Ông Hứa Văn Soi, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy, thông tin: “Thực hiện chiến dịch đã có 3.686 trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A, đạt 100% và 648 bà mẹ sau sinh 6 tháng được uống vitamin A, cũng đạt 100%. Chúng tôi đã triển khai và được sự quan tâm thực hiện của các xã, thị trấn, tạo điều kiện cho đối tượng trong đợt uống vitamin A được thuận lợi tiếp cận. Tăng cường truyền thông để các gia đình hiểu về lợi ích của vitamin A đối với sự phát triển của trẻ nên được người dân đồng tình”.

Huyện Vị Thủy là một trong những địa bàn triển khai hiệu quả nhất chiến dịch này của tỉnh, đạt 100% theo kế hoạch đề ra. Kết quả thực hiện chiến dịch cả tỉnh đạt trên 97%. Ông Võ Hoàng Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: “Với kết quả đạt trên 97% đã hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm về tỷ lệ trẻ uống vitamin A ở tỉnh (kế hoạch 95%). Nguyên nhân chưa đạt 100% là do có sự di biến động dân số, một số trẻ theo gia đình đi khỏi địa phương nên chưa bổ sung vitamin A được. Đây là hoạt động bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ hàng năm. Theo kế hoạch đến tháng 12 sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch cho trẻ uống vitamin A đợt 2, nhằm tiếp tục bổ sung vitamin A đầy đủ cho trẻ phát triển tốt”.

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ

Năm 2022, mục tiêu tỉnh đề ra giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng ở tỉnh còn 10,5% và suy dinh dưỡng thấp còi còn 22,5%. Bà Phan Thùy Trang, phụ trách công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, thông tin: “Tỷ lệ này được đề ra giảm 0,2% tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng và 0,5% trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi so với cuối năm 2021. Để đạt được nhiều giải pháp chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đã được triển khai. Hoạt động hướng dẫn thực hành dinh dưỡng vừa được thực hiện tại 75 xã, phường, thị trấn. Tại các buổi thực hành dinh dưỡng tập hợp gia đình có trẻ suy dinh dưỡng và phụ nữ mang thai để tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp để thực hành chế biến dinh dưỡng hợp lý cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ và thai phụ. Tuy nhiên, hoạt động bị cắt giảm kinh phí chi cho các buổi thực hành dinh dưỡng nên chưa thu hút được nhiều người”.

Ngoài đợt này, dự kiến cuối năm sẽ tiếp tục triển khai 1 đợt hướng dẫn thực hành dinh dưỡng với quy mô tương tự nhằm từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho trẻ suy dinh dưỡng ở tỉnh.

Tại các cơ sở giáo dục công tác chăm sóc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ được quan tâm và đạt kết quả tương đối tốt. Bà Đồng Kim Đức Em, Hiệu phó Trường Mầm non Vành Khuyên, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Đầu năm học 2021-2022, chúng tôi nhận trẻ vào đều tiến hành cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ, kết quả có 10 trẻ suy dinh dưỡng cân nặng và 10 trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Từ đó, có kế hoạch phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Đến cuối năm không còn trẻ bị suy dinh dưỡng qua chấm biểu đồ dinh dưỡng”.

Tại các lớp học, cô giáo đều quan tâm chăm sóc kỹ hơn, động viên, khuyến khích ăn nhiều hơn đối với trẻ suy dinh dưỡng, phối hợp gia đình để bổ sung thêm sữa và chăm sóc dinh dưỡng tại nhà nên đạt kết quả tốt. Chị Nguyễn Ngọc Hậu, mẹ của bé Nguyễn Ngọc Hân, học sinh lớp lá, Trường Mầm non Vành Khuyên, cho biết: “Nhờ phối hợp tốt của giáo viên nên con tôi đến cuối năm đã không còn bị suy dinh dưỡng. Gia đình rất mừng”. Giống như các trẻ suy dinh dưỡng khác, theo gia đình bé Ngọc Hân rất biếng ăn, nhất là không chịu ăn rau nhờ sự động viên của giáo viên ở trường mà em dần có thể ăn rau được, có đủ chất hơn, cải thiện được thể trạng.

Hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng được quan tâm thực hiện và có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương và cần có sự quan tâm của các gia đình mới có thể đạt được kết quả tốt nhất. Dự kiến những tháng cuối năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ triển khai hoạt động cân trẻ để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh và có những kế hoạch hành động tiếp tục kéo giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cả thể cân nặng và thấp còi những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>