Số người thiệt mạng do động đất tại Nhật Bản vẫn tăng

04/01/2024 | 08:29 GMT+7

Mặc dù đã có kinh nghiệm ứng phó nhưng trận động đất mạnh xảy ra tại bán đảo Noto và các khu vực lân cận ở miền Trung Nhật Bản vào ngày 1-1-2024 đã gây thiệt hại không nhỏ.

Cảnh tàn phá tại khu vực ven biển ở Suzu, tỉnh Ishikawa, miền Trung Nhật Bản sau loạt trận động đất gây sóng thần ngày 1-1. Ảnh: KYODO

Nhà chức trách Nhật Bản trưa 2-1, xác nhận ít nhất 30 người đã thiệt mạng, nhiều hệ thống đường sá bị phá hủy, trong khi hơn 33.000 hộ dân lâm vào cảnh không có điện, nước sinh hoạt sau loạt trận động đất trong ngày đầu tiên của năm mới 2024. Ngoài ra, còn có hơn 1.400 hành khách bị ảnh hưởng do các chuyến tàu Shinkansen ở khu vực thảm họa tạm dừng hoạt động.

Theo giới chức địa phương, trận động đất ban đầu mạnh 7,6 độ richter cùng hơn 155 dư chấn tiếp đó đã gây thiệt hại lớn về cấu trúc đô thị và gây ra nhiều vụ hỏa hoạn tại thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa.

Đài truyền hình NHK cho biết sân bay Noto đã buộc phải đóng cửa do đường băng bị nứt vỡ và các ảnh hưởng nghiêm trọng khác đối với khu vực nhà ga. Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn 500 người bị mắc kẹt tại bãi đỗ ôtô của sân bay này. Ngoài ra, loạt trận động đất trên cũng gây ra thương tích về người và làm hư hại nhiều công trình kiến trúc tại các tỉnh Niigata, Toyama, Fukui và Gifu lân cận.

Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo sẽ hủy bỏ sự kiện Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako xuất hiện trước công chúng vào dịp đầu năm mới. Trong khi đó, Thủ tướng Fumio Kishida cũng hoãn chuyến thăm đền Ise nhân dịp đầu năm mới, dự kiến diễn ra vào ngày 4-1 tới.

Trong một động thái liên quan, Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để giải cứu những nạn nhân có thể còn sống sót và bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Theo Reuters, nhà chức trách đã điều động khoảng 1.000 quân nhân đến khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở bán đảo Noto xa xôi. Tuy nhiên, hoạt động cứu hộ bị cản trở do đường sá bị hư hỏng nặng và tắc nghẽn. Một trong các sân bay ở khu vực đã buộc phải đóng cửa do đường băng bị nứt. Nhiều dịch vụ đường sắt và các chuyến bay tới khu vực thiên tai cũng bị đình chỉ.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh: “Việc tìm kiếm và giải cứu những người chịu ảnh hưởng của động đất là một cuộc chạy đua với thời gian. Chúng ta phải cứu họ càng nhanh càng tốt, đặc biệt là những người bị mắc kẹt dưới các công trình bị đổ sập”.

Đài truyền hình NHK đưa tin, thị trấn Wajima gần tâm chấn trận động đất bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi, ở khu vực Suzu gần đó, một số bác sĩ không thể đến được bệnh viện, nơi đang phải dùng máy phát điện dự phòng.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, do ảnh hưởng của động đất đã xuất hiện hơn 90 cơn địa chấn khác gây thiệt hại không nhỏ. Cơ quan này cảnh báo, những cơn rung lắc mạnh hơn có thể xuất hiện trong những ngày tới.

Do nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, mỗi năm Nhật Bản phải trải qua khoảng 20% số trận động đất trên thế giới có cường độ trên 6 độ Richter. Trong đó, kinh hoàng nhất vẫn là, trận động đất 9 độ richter kèm theo sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản ngày 11-3-2011, khiến gần 20.000 người thiệt mạng và gây ra thảm họa rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Đây là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl vào năm 1986.

Ở Nhật, các cơ quan chức năng và người dân được tuyên truyền và huấn luyện đối phó động đất, sóng thần mục tiêu là có thể sống sót, giảm nhẹ đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, những trận động đất với cường độ trên 7 độ richter thì khó có thể tránh được thiệt hại.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>