Nối lại đàm phán nhưng hòa bình ở Sudan vẫn mong manh

26/10/2023 | 09:12 GMT+7

Dự kiến hôm nay ngày 26-10, các bên đối lập ở Sudan sẽ nối lại đàm phán hòa bình, với kỳ vọng sẽ có một lệnh ngừng bắn, tuy nhiên thật khó dự đoán kết quả vì còn quá nhiều bất đồng.

Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh tại Khartoum, Sudan, ngày 3-5-2023. Ảnh: AFP

Quân đội Sudan vừa tuyên bố sẽ nối lại tiến trình hòa đàm với Lực lượng Hỗ trợ Nhanh Bán Quân sự (RSF) vào ngày 26-10 tại thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia.

Thông báo trên được Phó Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Sudan Shams-Eddin Kabashi đưa ra trong bài phát biểu trước các sĩ quan quân đội tại Căn cứ Quân sự Wadi Seidna ở Omdurman.

Tiến trình đàm phán hòa bình này do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian được tiến hành từ tháng 5-2023. Tuy nhiên, tiến trình hòa đàm giữa các bên tham chiến ở Sudan đã bị tạm dừng từ tháng 7 năm nay do không thể thống nhất về một số vấn đề quyền lợi liên quan.

Sudan rơi vào tình trạng khủng hoảng từ ngày 15-4 năm nay khi căng thẳng giữa các Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) do Tướng Abdel Fattah al-Burhan dẫn đầu với Nhóm Bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) do cấp phó của ông là Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy mâu thuẫn dẫn đến bùng phát giao tranh ở thủ đô Khartoum và nhiều khu vực khác của nước này. Kể từ đó đến nay, giao tranh liên tục nỗ ra làm cho hàng ngàn người thương vong, tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng dẫn đến hệ lụy người dân Sudan vốn nghèo khó nay lại càng khốn cùng hơn.

Theo số liệu do Bộ Y tế Sudan công bố, hơn 6 tháng diễn ra xung đột giữa SAF và RSF đã khiến ít nhất 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương. Bên cạnh đó, còn có hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa tị nạn sang các quốc gia lân cận.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), cho biết khoảng 5,5 triệu người Sudan đã phải sơ tán trong nước và ra nước ngoài. Trong số đó, hơn 1 triệu người đã vượt biên giới sang các nước láng giềng như Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan.

Trước đó, thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy, hơn 70% số bệnh viện tại Sudan đã không thể hoạt động do giao tranh. Chính những yếu tố này đã làm bùng phát  dịch bệnh. OCHA đã cảnh báo về sự lây lan của dịch tả ở Sudan. Hiện dịch tả đã chính thức được xác nhận bùng phát tại bang miền Đông Gedaref và có khả năng bùng phát tại thủ đô Khartoum và bang Nam Kordofan. Đến nay, OCHA đã vận chuyển nhiều nhu yếu phẩm như thuốc kháng sinh cũng như dịch truyền tới 6 bang Sudan.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cử các đội phản ứng nhanh tới những vùng dịch để hỗ trợ Bộ Y tế Sudan giúp người dân tiếp cận nguồn nước sạch. Mặt khác, giao tranh đã làm rào cản khiến công tác cứu trợ nhân đạo khó đến được với người dân. Từ đó đã làm cho cuộc sống của người dân thêm phần khó khăn.

Trong bối cảnh trên, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực hòa giải tình hình ở Sudan song chưa mang lại kết quả như mong đợi. Sau đàm phán hòa bình do Mỹ và Saudi Arabia làm trung gian hồi tháng 5 thất bại, Ai Cập cũng đã kêu gọi các nước láng giềng của Sudan cần có tiếng nói thống nhất, để thuyết phục các bên tại quốc gia Đông Phi này chấm dứt những hành động thù địch. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi gần đây đã nhắc lại sự ủng hộ của nước này đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Sudan và kêu gọi các bên tham chiến đàm phán để chấm dứt giao tranh tiến đến khôi phục hòa bình cho quốc gia châu Phi này.

Từ những diễn biến trên, việc SAF và RSF tuyên bố nối lại đàm phán hòa bình được cho là tín hiệu khả quan cho một lệnh ngừng bắn lâu dài và tiến đến lập lại hòa bình cho Sudan dù rất mong manh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>