Nhiều thách thức kinh tế toàn cầu

16/10/2023 | 17:56 GMT+7

Triển vọng kinh tế thế giới đang bị đè nặng bởi nợ nần, lạm phát và xung đột.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở TP Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại TP Marrakech - Morocco từ ngày 9 đến 14-10. Các cuộc thảo luận xoay quanh triển vọng kinh tế thế giới bị đè nặng bởi nợ nần, lạm phát và xung đột; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng giữa các quốc gia và những nỗ lực đối phó biến đổi khí hậu.

Theo dự báo mới nhất của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ lần lượt tăng trưởng 3% trong năm nay và 2,9% vào năm tới. Con số này vào năm ngoái là 3,5%. Trong khi đó, lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ 6,9% của năm nay xuống mức 5,8% trong năm tới.

Đây là những dự báo được cập nhật trước khi xung đột Israel - Hamas leo thang và hầu hết chuyên gia nhất trí rằng vẫn còn quá sớm để nhận định cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas gây thêm rủi ro cho triển vọng kinh tế toàn cầu vốn đã ảm đạm.

Theo nhận định, nếu xung đột lan rộng hơn và khiến giá dầu tăng 10% thì GDP toàn cầu có thể giảm 0,15 điểm % trong năm 2024. Riêng các quốc gia ở Trung Đông có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Ông Stuart Hoffman, cố vấn kinh tế cấp cao của Tập đoàn Dịch vụ tài chính PNC Financial Services (Mỹ), cho rằng xung đột giữa Israel và Hamas cũng là yếu tố gây bất ổn cho giá năng lượng tại Mỹ.

Giá xăng dầu ở Mỹ tăng cao hơn trong tháng 8 và tháng 9, kéo theo giá sản phẩm và dịch vụ.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ công bố hôm 11-10, mức tăng của Chỉ số giá sản xuất (PPI) - dữ liệu đo lường lạm phát ở cấp độ bán buôn của Mỹ - đã tăng trong tháng thứ 3 liên tiếp do ảnh hưởng của giá năng lượng.

IMF đã cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 từ 5,2% xuống 5% trong bản cập nhật tháng 10 về triển vọng kinh tế thế giới, tạo ra “rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu”. Cũng theo IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ mức 3,5% trong năm 2022 còn 3% trong năm nay, trước khi giảm xuống 2,9% vào năm 2024.

Gánh nặng nợ nần của một số nền kinh tế phát triển là chủ đề được nói đến nhiều sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trong những tuần gần đây. Một lĩnh vực chính sách có thể chịu tác động dây chuyền là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, một số nước đang tìm cách tránh rơi vào cảnh nợ nần hoặc tìm kiếm thỏa thuận tái cấu trúc nợ với các chủ nợ. Một số vấn đề khác, như xung đột ở Ukraine, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc... khiến hội nghị gặp khó trong việc tìm tiếng nói chung.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>