Giải pháp cứu trợ nhân đạo cho người dân Dải Gaza ?

01/11/2023 | 08:42 GMT+7

Giao tranh ác liệt giữa Israel và Hamas liên tục diễn ra đã khiến người dân Dải Gaza lâm vào cảnh khốn cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Ảnh: CNN

Mới đây, hàng ngàn người dân Dải Gaza đã phải đột nhập vào các nhà kho và trung tâm phân phát hàng cứu trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để tìm kiếm lương thực và nhu yếu phẩm. Cơ quan LHQ phụ trách người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết, lúa mì, bột mì và các nhu yếu phẩm khác đã bị cướp tại một số nhà kho của cơ quan này.

Theo UNRWA, nguồn cung trên thị trường đang cạn kiệt, trong khi viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza bằng xe tải từ Ai Cập là không đủ. Do vậy, khả năng giúp đỡ người dân ở Gaza của họ bị hạn chế do các cuộc tập kích đã khiến hơn 50 nhân viên của tổ chức này thiệt mạng và gây khó khăn cho việc di chuyển hàng tiếp tế.

Thomas White, quan chức UNRWA, cảnh báo về tình trạng tuyệt vọng của người dân Gaza khi không có điện, thực phẩm, nước uống. Có quá nhiều thường dân, kể cả trẻ em đã thiệt mạng. Quan chức UNRWA, cho biết thêm: “Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về việc trật tự dân sự đang bắt đầu bị phá vỡ sau ba tuần chiến sự cùng với việc phong tỏa Dải Gaza”.

Nguồn cung cấp viện trợ cho Gaza đã bị bóp nghẹt kể từ khi cuộc chiến xảy ra, khiến cuộc sống người dân Gaza rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Israel đã phong tỏa hoàn toàn Gaza kể từ ngày 7-10. Tuy nhiên, mãi đến ngày 21-10, đoàn xe viện trợ được phép vào Gaza thông qua cửa khẩu với Ai Cập nhưng số lượng rất hạn chế, khiến LHQ mô tả là như “muối bỏ bể”. Người dân Gaza đang thiếu lương thực, nước, nhiên liệu và thuốc men.

Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã lên tiếng kêu gọi “tạm dừng chiến sự” để cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Ông Borrell cũng lên án tất cả các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, “trong đó có việc tiếp tục tấn công rocket bừa bãi vào Israel”, kêu gọi “thả lập tức và vô điều kiện toàn bộ con tin” đang bị giữ ở Gaza.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tuyên bố phản ứng của quân đội Israel trước cuộc tấn công của lực lượng Hamas là không tương xứng và lên án tình hình nhân đạo “thảm khốc” ở Gaza. Bên cạnh đó, ông Store nhấn mạnh gần một nửa trong số hàng ngàn người thiệt mạng là trẻ em. Ngoài ra, Thủ tướng Na Uy cũng chỉ trích việc tên lửa vẫn đang được phóng từ Gaza vào Israel.

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng giao tranh giữa Israel và Hamas đã làm hơn 8.000 người thiệt mạng, hơn 1,4 triệu người dân Palestine, tức hơn nửa số người dân tại Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa để đến nơi trú ẩn tạm thời, cơ sở hạ tầng tại đây bị tàn phá nghiêm trọng phải nhiều năm sau vẫn chưa thể phục hồi.

Giao tranh cũng gây ra phản ứng đối với người dân của nhiều quốc gia. Mới đây, cảnh sát cho biết hơn 5.000 người đã xuống đường tuần hành ở Athens (Hy Lạp) kêu gọi chấm dứt “cuộc thảm sát” người Palestine ở Dải Gaza. Trước đó vào hôm 28-10, hàng chục ngàn người ủng hộ Palestine đã tuần hành ở Anh và kêu gọi ngừng bắn trong bối cảnh quân đội Israel tăng cường tấn công vào Gaza. Ngoài ra, hàng ngàn người khác cũng đã xuống đường tuần hành ở Pháp và Thụy Sĩ cũng như ở New York (Mỹ).

Trong một nỗ lực để cứu trợ nhân đạo, hơn 30 xe tải của LHQ đã chở hàng viện trợ cho người dân Gaza. Đây là đợt cứu trợ nhân đạo lớn nhất tới vùng chiến sự này kể từ khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas xảy ra. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với quy mô cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân tại Dải Gaza phải đối mặt.

Giải pháp khả thi để cứu sống hàng triệu người dân Gaza hiện nay được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra là ngay lập tức có một lệnh ngừng bắn nhân đạo, thả tất cả các con tin vô điều kiện và cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo bền vững ở quy mô đáp ứng nhu cầu của người dân Gaza. “Chúng ta phải hợp lực để chấm dứt cơn ác mộng này đối với người dân Gaza, Israel và tất cả những người bị ảnh hưởng trên toàn thế giới”, ông Guterres kêu gọi.

Liên Hiệp Quốc cho biết, gần 70% số người được báo cáo thiệt mạng tại Gaza trong ba tuần xung đột là trẻ em và phụ nữ, trong đó có 3.200 em nhỏ. Con số này nhiều hơn số trẻ thiệt mạng hàng năm tại các khu vực xung đột trên thế giới kể từ năm 2019.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>