BRICS tăng thêm vị thế

03/01/2024 | 04:38 GMT+7

Kết nạp thêm thành viên mới, tăng cường các hoạt động đối nội và đối ngoại là nền tảng để BRICS trở thành tổ chức mạnh trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo BRICS tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: GCIS

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được thành lập năm 2009 với 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp thêm Nam Phi một năm sau đó. BRICS có tổng số dân chiếm 40% dân số thế giới và có tổng GDP chiếm 30% GDP toàn cầu. 26% diện tích lãnh thổ và 43% dân số thế giới, đồng thời sản xuất hơn một phần ba sản lượng ngũ cốc trên thế giới. BRICS không chỉ mạnh về tiềm lực kinh tế mà cả quốc phòng so với các tổ chức khác trên thế giới.

Kể từ năm 2010 đến nay, BRICS đã tăng cường hoạt động kinh tế toàn cầu, cũng như quyết tâm hợp tác vì tương lai tốt đẹp hơn.

Mới đây, ngay ngày đầu tiên của năm 2024, BRICS đã kết nạp thêm  5 quốc gia ở khu vực Trung Đông - châu Phi gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất, Iran và Ethiopia đã gia nhập BRICS, nâng số thành viên của tổ chức lên 10. Với các thành viên mới, BRICS sẽ chiếm khoảng 37% GDP của toàn cầu theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới. Điều quan trọng hơn là BRICS mở rộng quy tụ các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới, đưa nhóm này trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.

Đồng thời, BRICS bao gồm không chỉ những nước khai thác mà cả tiêu thụ tài nguyên năng lượng lớn nhất thế giới. Các quốc gia này sẽ bắt đầu làm việc với tư cách thành viên đầy đủ của nhóm BRICS, hiện do Nga giữ vị trí chủ tịch luân phiên. Đây là điểm tích cực để BRICS có thể đưa ra những chiến lược khai thác và sử dụng năng lượng ổn định, bền vững, vì sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Quyết định mở rộng nhóm phản ánh ý chí của các đồng minh BRICS hiện tại. Bằng cách này, BRICS cũng tăng cường sự hiện diện ở các khu vực như Trung Đông và châu Phi. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, khoảng 30 nước muốn gia nhập khối này và BRICS đang thu hút ngày càng nhiều nước có chung chí hướng.

Tổ chức này cũng có kế hoạch ra mắt hệ thống thanh toán tiền tệ của riêng mình. Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế giữa BRICS cũng như các đối tác thương mại, đồng thời khuyến khích tăng cường mạng lưới ngân hàng đại lý giữa các quốc gia BRICS và cho phép thanh toán bằng các đồng nội tệ. Khi các nhà sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Iran gia nhập BRICS, hoạt động buôn bán dầu mỏ sẽ dễ dàng “phi USD hóa”.

Các chuyên gia cho rằng, việc mở rộng BRICS không chỉ thể hiện xu hướng mạnh mẽ của cơ chế BRICS, vượt xa dự kiến của một số nước phương Tây và Mỹ, mà còn là phản ứng mạnh mẽ trước sự bá quyền của phương Tây.

Việc thêm nhiều nước đang phát triển gia nhập BRICS đã thể hiện những mong muốn về tăng cường tiếng nói và quyền tự chủ của nhóm nước này trong các vấn đề toàn cầu, ủng hộ một trật tự quốc tế vô tư, công bằng, đa dạng và đa cực hơn, thay cho trật tự bị chi phối bởi các cường quốc kinh tế phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani ngày 1-1 cho biết, nền tảng đa phương do BRICS dẫn dắt cho phép Iran nắm bắt nhiều cơ hội hơn để tăng cường hợp tác kinh tế với các nước khác và phục vụ tốt hơn lợi ích quốc gia của mình.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>