Ai sẽ là tân Thủ tướng Đức ?

29/09/2021 | 07:39 GMT+7

Mặc dù cuộc bầu cử Quốc hội liên bang của Đức đã khép lại với lợi thế tạm nghiêng về đảng Dân chủ Xã hội (SPD), nhưng ghế Thủ tướng vẫn còn bỏ ngỏ.

Từ trái qua: Ứng cử viên Thủ tướng Olaf Scholz của SPD, ứng cử viên Thủ tướng Annalena Baerbock của đảng Xanh và ứng cử viên thủ tướng Armin Laschet của CDU/CSU. Nguồn: FINANCIAL TIMES

Theo cơ quan kiểm phiếu liên bang, với 299 khu vực bầu cử trên toàn nước Đức, SPD đã giành được 25,7% số phiếu bầu, cách biệt sít sao 1,6% điểm so với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) do Thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo. Tiếp sau đó là đảng Xanh, chiếm 14,8% và đảng Dân chủ Tự do (FDP), với 11,5% số phiếu bầu. Kết quả này đánh dấu một bước tiến lớn so với cuộc bầu cử năm 2017, khi SPD chỉ giành được 20,5% số phiếu.

Tỷ lệ phiếu bầu cử gần như phân tán đều ở 4 đảng lớn ở Đức làm cho việc chọn ra Thủ tướng nước này gặp nhiều khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả là cả SPD và CDU/CSU đều phải tiến hành các cuộc đàm phán liên minh để thành lập chính phủ mới.

Theo CNN, nhiều khả năng SPD hoặc CDU/CSU sẽ thành lập chính phủ liên minh với đảng Xanh, hoặc đảng Dân chủ Tự do (FDP) để đảm bảo đa số ghế trong Quốc hội Đức đủ điều kiện để chọn ra Thủ tướng mới.

Lãnh đạo SPD, ông Olaf Scholz cho rằng: “Nhiều cử tri đã ủng hộ cho SPD vì họ muốn có sự thay đổi trong chính phủ và cũng vì họ muốn thủ tướng tiếp theo của Đức sẽ mang tên Olaf Scholz”. Ông Olaf Scholz 63 tuổi là ứng cử viên Thủ tướng từng là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Đức trong chính phủ liên minh của bà Merkel kể từ năm 2018. Kinh nghiệm mà ông có được khi đảm đương các chức vụ nói trên có thể giúp ông điều hướng phản ứng của nền kinh tế Đức trước đại dịch.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) Armin Laschet cho biết: Ông không hài lòng với kết quả sơ bộ, đồng thời lưu ý kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng. Ứng cử viên này nhấn mạnh, đảng của ông sẽ cố gắng làm mọi thứ để thành lập một chính phủ liên minh. CDU có nhiệm vụ chống lại một “chính phủ cánh tả”.

Rõ ràng dư luận Đức cũng chia thành 2 phe đối lập nhau ủng hộ cho SPD hoặc CDU/CSU. Robin Fugmann, 20 tuổi, một cử tri ủng hộ ứng viên Scholz cho biết, anh rất vui với kết quả bầu cử sơ bộ: “Mọi người tin tưởng ông Olaf Scholz. Tôi hy vọng SPD sẽ dẫn đầu chính phủ mới”. Còn Deborah Piraba, một sinh viên luật 27 tuổi, cử tri ủng hộ CDU cho rằng, đây là kết quả “đáng thất vọng”.

Hãng AP đưa tin, hiện lãnh đạo của các đảng mới được bầu vào Quốc hội đã họp. Đảng SPD dự kiến lập liên minh với đảng Xanh và FDP nhằm có được đa số ở Quốc hội, dù hai đảng trên có thể kết hợp với phe bảo thủ.

Còn đảng Xanh và FDP cho biết, ban đầu họ sẽ họp với nhau trước để tìm ra các lĩnh vực thỏa hiệp rồi mới đàm phán với CDU và SPD. Nếu thành công trong việc thành lập liên minh này thì ông Scholz sẽ trở thành Thủ tướng SPD thứ tư thời hậu chiến.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi kết quả liên minh giữa các đảng, bà Angela Merkel vẫn tiếp tục giữ chức Thủ tướng Đức. Sau 16 năm lãnh đạo đất nước, bà Merkel đã trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của nước Đức hiện đại. Những người yêu mến Merkel ca ngợi bà ở mọi phương diện, từ người lãnh đạo của thế giới tự do đến một Joan of Arc (nữ anh hùng xứ Arc) đương đại. Bà nhiều lần được xướng tên trong số những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi bà là nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc trên toàn cầu.

Theo Washington Post, chắc chắn là sự ra đi của bà Merkel sẽ để lại khoảng trống cho nước Đức cả đối nội và đối ngoại. Điều này sẽ trở thành gánh nặng cho tân Thủ tướng Đức kế nhiệm.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>