Tích cực triển khai các nhóm giải pháp thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân

24/06/2021 | 17:19 GMT+7

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và gia tăng số người tham gia vào hệ thống BHXH, đồng thời tích cực vào cuộc cùng Chính phủ, các Bộ, ngành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người tham gia. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu (ảnh) có những trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, BHXH Việt Nam đã thực hiện những biện pháp gì nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 ?

- Phải khẳng định rằng, làn sóng Covid-19 lần thứ tư có diễn biến đặc biệt phức tạp, đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam. Song vượt qua những khó khăn, toàn ngành đã nỗ lực, chủ động và linh hoạt các giải pháp nên công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp vẫn có chuyển biến tích cực và đã tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến ngày 31-5, số người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tuy chưa “bù” lại đủ số đã giảm trong những tháng đầu năm do tác động của dịch Covid-19, nhưng đều có số tăng so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Trên 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Riêng BHYT có sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ và cuối năm 2020, với trên 87,7 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số, đạt 97,6% kế hoạch, tăng thêm 246.185 người.

Để đạt được kết quả như trên, BHXH Việt Nam đã có những chỉ đạo cụ thể như thế nào, thưa ông ?

- Ngay từ đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Căn cứ vào đó, BHXH các địa phương chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai các giải pháp thực hiện. Cùng với đó, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ đạo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong toàn hệ thống, như ban hành công văn về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT. Gần đây nhất, ngành tiếp tục có Công văn số 1445 về tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Tại công văn này, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bố trí công chức, viên chức, người lao động làm việc linh hoạt, phù hợp (trực tiếp và trực tuyến); đảm bảo giải quyết kịp thời, hiệu quả, chất lượng các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT và công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định. Đặc biệt, mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng các quy định phòng chống dịch bệnh sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân.

Thưa ông, BHXH Việt Nam đã có những đề xuất như thế nào nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ?

- Ngành BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4-2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4-2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Các trường hợp còn lại tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ, đó là giảm từ 20% số người lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4-2021, đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4-2021.

Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ người lao động thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày (bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16 của Chính phủ); thời gian áp dụng từ ngày 1-6 đến hết 31-12-2021.

Công tác tuyên truyền về BHXH luôn được các ngành và địa phương đẩy mạnh.

Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam có những giải pháp như thế nào để thực hiện lộ trình BHXH toàn dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội thưa ông ?

- Ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28, trong đó tập trung vào ba nhóm giải pháp chủ yếu. Trước hết, tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành; các cơ quan thông tấn, báo chí; cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho công chức viên chức cơ quan BHXH/đại lý thu; thường xuyên thanh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chấn chỉnh, xử lý kịp thời sai phạm; tiếp tục nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người tham gia và người thụ hưởng, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp…

Xin cảm ơn ông !

Theo Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>