Bảo hiểm y tế - Vì sức khỏe người dân

30/06/2021 | 17:53 GMT+7

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Nhân kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam (ngày 1-7), phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (ảnh), Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh xoay quanh nội dung này.

Chính sách BHYT ngày càng khẳng định vai trò trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bà có đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh ?

- Là cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); ngành đã phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tích cực triển khai đưa Luật BHYT đi vào cuộc sống. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo nên một sự chuyển biến căn bản, toàn diện từ ý thức, trách nhiệm và hành động thiết thực, cụ thể đối với các cấp, các ngành trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Sau thời gian thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng lên rất nhiều, nếu như năm 2010 có 314.085 người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 41,34% dân số, thì đến cuối năm 2020 tỷ lệ này đã tăng lên 666.643 người tham gia BHYT, với tỷ lệ bao phủ đạt 91,35% dân số (đạt 101,5% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Ngoài ra, đối tượng hộ cận nghèo ngoài việc được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng theo quy định của Luật BHYT, còn được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 30% mức đóng còn lại. Quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT tương đối toàn diện và ngày càng được mở rộng. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, để đảm bảo tối đa quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Cùng với đó, ngành y tế tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trong đó, chú trọng việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ nhân viên y tế. Từ năm 2010 đến 5 tháng đầu năm 2021, đã đảm bảo quyền lợi cho 18.909.888 lượt khám, chữa bệnh BHYT, với tổng số tiền 4.758,83 tỉ đồng. Trong đó, chi cho người dân khám, chữa bệnh tại tỉnh là 17.267.799 lượt với số tiền là 2.685,96 tỉ đồng và chi cho người dân khám, chữa bệnh ngoài tỉnh là 1.642.089 lượt với số tiền 2.072,87 tỉ đồng.

Trong thực hiện chính sách BHYT, công tác vận động là quan trọng nhất. Vậy ngành đã triển khai thực hiện như thế nào, thưa bà ?

- Muốn người dân tham gia BHYT, trước hết cần tuyên truyền làm sao để mọi người hiểu rằng BHYT là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.

Trong thực hiện công tác tuyên truyền, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông, báo chí địa phương các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN. Đẩy mạnh phối hợp với sở, ban, ngành, bưu điện thực hiện khai thác, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong đó, chú trọng phương pháp chia nhiều nhóm nhỏ đến tận hộ gia đình để tuyên truyền về chính sách BHYT, thông tuyến khám chữa bệnh nội trú, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, phối hợp cùng các ngành thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” liên quan đến việc thực hiện chính sách BHYT nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong tổ chức hội và đoàn viên, hội viên. Tiêu biểu có các mô hình như ấp 100% người dân tham gia BHYT, câu lạc bộ phụ nữ hùn vốn tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, đổi rác thải nhựa lấy thẻ BHYT,…

Với nhiều quy định mới đã tạo thuận lợi cho người dân tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh như thế nào, thưa bà ?

- Theo quy định của Luật BHYT, từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHYT khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến (không có giấy chuyển tuyến hoặc không trong tình trạng cấp cứu) tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Sở Y tế và BHXH tỉnh cũng phối hợp thực hiện chuyển tuyến cho bệnh nhân điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, Bệnh viện Đa khoa Số 10 và Bệnh viện Đại học Võ Trường Toản được chuyển tuyến thẳng lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố Cần Thơ, mà không cần phải chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi mới chuyển đi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh được chuyển tuyến thẳng lên các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này, tạo sự phấn khởi và tạo thuận lợi cho người dân trong điều trị bệnh, từ đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT dễ dàng hơn.

Thưa bà, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, vậy ngành đã đề ra những giải pháp như thế nào, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu BHYT trong năm 2021 ?

- Để hoàn thành chỉ tiêu đến cuối năm 2021 có 91,61% dân số tham gia BHYT, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của người dân. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp với ngành y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Từ ngày 1-6-2021, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp và thống nhất với Bộ Y tế về việc người dân được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - BHXH số để khám, chữa bệnh thay thế thẻ BHYT giấy.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đề xuất cho phép sử dụng căn cước công dân có gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh, thực hiện việc khám chữa bệnh đúng quy định, giống như việc sử dụng thẻ BHYT giấy hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam trong khám chữa bệnh hiện nay.

BHYT góp phần chăm sóc tốt sức khỏe người dân. (Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch)

Được biết, ngày 1-7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam, xin bà cho biết, một số hoạt động nổi bật của ngành để hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam năm nay ?

- Với mục đích đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân tích cực và chủ động tham gia BHYT; các hoạt động tuyên truyền nhân ngày BHYT Việt Nam năm nay được tiến hành phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19. Chủ đề truyền thông của Ngày BHYT Việt Nam năm nay là “Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19”. Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền chú trọng đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt là hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình; hộ gia đình và học sinh, sinh viên... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, treo các băng rôn, khẩu hiệu truyền thông tại trụ sở cơ quan BHXH các cấp, các cơ sở khám, chữa bệnh, UBND các xã, phường, thị trấn và các trục đường chính nơi có đông người qua lại tích cực tuyên truyền về chính sách BHYT…

Ngày BHYT Việt Nam 1-7

 

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16-6-2009 về việc lấy ngày 1-7 hàng năm là “Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam”. Ngày BHYT Việt Nam là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước. Đây cũng là dịp để quán triệt sâu sắc và nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT đối với Nhân dân.

 

Các thông điệp truyền thông của Ngày BHYT Việt Nam 1-7-2021

 

Chủ đề truyền thông của Ngày BHYT Việt Nam năm nay là “Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19”. Với thông điệp truyền thông như: Thực hiện BHYT toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hướng tới BHYT toàn dân; tham gia BHYT hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình; toàn xã hội chung tay để 100% người dân tham gia BHYT…

 

Xin cảm ơn bà !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>