Người dân cần chung tay giảm thiểu tác hại của thuốc lá

10/10/2022 | 07:46 GMT+7

Xác định kiến thức và thay đổi hành vi của người dân có ý nghĩa quyết định để giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá, giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa đẩy mạnh đồng loạt hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp nhằm tác động tích cực nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Buổi truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ.

Dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có những quy định rất cụ thể nhằm phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng thực tế người dân hiểu biết còn hạn chế về các quy định của luật này. Tác hại của thuốc lá, bất cứ ai ít nhiều đều đã nghe qua, song chưa thật sự hiểu rõ nên đôi khi vẫn thờ ơ với những tác hại nặng nề của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế gia đình. Do đó, việc truyền thông trực tiếp đã cung cấp cho người dân những kiến thức đầy đủ nhất, cụ thể nhất đánh thức sự tham gia mạnh mẽ hơn của người dân giảm tác hại của thuốc lá.

Ông Võ Văn Tín, ở ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, 1 trong 50 người dân đã tham gia nghe truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với địa phương vừa tổ chức, bày tỏ: “Tác hại của thuốc lá tôi nghe đã lâu. Hơn 10 năm trước tôi từng hút thuốc lá, nhưng thấy việc hút thuốc lá không có lợi ích, hại đến sức khỏe bản thân và gia đình nên quyết định bỏ. Từ đó, tôi đã bỏ thuốc lá. Từng hút và biết là có tác hại nhưng cũng không rõ hại cụ thể như thế nào, được nghe truyền thông mới hiểu cặn kẽ hơn. Với kiến thức này, tôi sẽ chia sẻ lại với những người xung quanh để góp phần giảm tác hại thuốc lá trong cộng đồng”.

Đánh giá buổi truyền thông trực tiếp đã đem lại hiệu quả, bà Huỳnh Chí Thiện, cán bộ phụ trách công tác truyền thông Trạm Y tế xã Thuận Hưng, nhận định: “Hoạt động truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá tại xã được duy trì. Tuy nhiên, chủ yếu là lồng ghép truyền thông với các cuộc họp nhóm hội, đoàn thể, các chương trình khác, không có kinh phí tổ chức truyền thông riêng. Việc tổ chức truyền thông trực tiếp cho người dân với quy mô như thế này đạt hiệu quả cao hơn. Cán bộ truyền thông có kiến thức sâu hơn và nhiều kinh nghiệm, tác động sâu sắc, hy vọng sau khi nghe được nhiều kiến thức, người dân sẽ thay đổi hành vi”.

Còn buổi truyền thông ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, đối tượng được mời đa số là những người có hút thuốc lá. Qua nội dung truyền thông, đã cảnh tỉnh và tạo cho những người hút thuốc lá suy nghĩ đến việc giảm bớt hoặc từ bỏ thuốc lá, thay đổi hành vi của mình giảm tác hại của thuốc lá. Ông T.N.T bộc bạch: “Tôi nghiện thuốc lá và cũng có nhiều lần thử bỏ thuốc lá, bỏ được một thời gian không chịu được nên hút lại. Qua nghe truyền thông biết rõ hơn tác hại của thuốc lá cũng khiến tôi lần nữa suy nghĩ về thói quen hút thuốc lá của mình. Nếu không bỏ được, tôi sẽ cố gắng giảm dần và hạn chế hút thuốc lá nơi công cộng, chấp hành không hút thuốc lá nơi quy định cấm,... giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe bản thân và gia đình, cộng đồng”. Hiệu quả của hoạt động truyền thông trực tiếp đến người dân chưa thể phát huy ngay, nhưng đã tác động nâng cao nhận thức và khơi gợi thay đổi hành vi của người dân. Đây cũng là mục đích cần đạt được của các buổi truyền thông.

Ngoài 2 xã này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với nhiều xã, phường, thị trấn khác ở 8/8 huyện, thị, thành phố của tỉnh tổ chức truyền thông đưa kiến thức phòng, chống tác hại của thuốc lá đến người dân. Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Chúng tôi vừa tổ chức 10 cuộc truyền thông trực tiếp về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho tổng số 500 người dân ở cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền cung cấp cho người dân kiến thức về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, mức xử phạt vi phạm hút thuốc lá nơi quy định cấm, lợi ích xây dựng môi trường không khói thuốc lá,… Hoạt động truyền thông trực tiếp nhằm tác động sâu sắc để người nghe nắm chắc hơn những thông tin, nâng cao nhận thức những người trực tiếp nghe tuyên truyền và qua lực lượng này cũng sẽ là tuyên truyền viên tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá cho những người xung quanh. Cùng thời gian này, chúng tôi đã triển khai truyền thông lưu động bằng xe ô tô di chuyển phát thông tin truyền thông với các nội dung tương tự trên địa bàn tỉnh, mỗi huyện truyền thông 2 ngày. Tập trung tuyên truyền tại các chợ, siêu thị, khu dân cư, tuyến đông dân cư, nơi có nhiều người qua lại… nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, kéo giảm tác hại của thuốc lá”.

Qua 2 hình thức truyền thông trực tiếp, gián tiếp đã góp phần nâng cao nhận thức, giúp người dân thay đổi hành vi về phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, hạn chế tối đa những bệnh tật và tử vong do tác hại của thuốc lá. Ngành chức năng khuyến cáo: Để được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá, mỗi người dân hãy chung tay thay đổi hành vi, giảm hút thuốc lá, bỏ thuốc lá, hoặc tuyên truyền người xung quanh bỏ thuốc lá, giảm hút thuốc lá, không hút thuốc lá nơi quy định cấm, chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chỉ có sự chung tay của cả cộng đồng mới giảm thấp nhất tác hại của thuốc lá.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới: Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Gần 28% tổng số ca tử vong sớm ở nam giới trên 35 tuổi là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Nếu chúng ta không thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá ngay từ bây giờ, ước tính đến năm 2030, con số tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.

Các bệnh có nguyên nhân trực tiếp do thuốc lá: đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh mạch vành, lao, viêm phổi, ung thư dạ dày đang là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ giới Việt Nam.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>