Tăng tốc tiến độ dự án mở rộng nâng cấp đô thị Vị Thanh

04/11/2022 | 08:24 GMT+7

Năm 2023 sẽ kết thúc thời hạn 6 năm thực hiện Dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vị Thanh”. Tuy nhiên, đến nay tiến độ của nhiều gói thầu còn rất chậm, chưa đảm bảo yêu cầu.

Người dân mong đường giao thông 1 Tháng 5 thi công sớm hoàn thành để tạo diện mạo mới cho thành phố.

Tiến độ thực hiện còn chậm

Dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vị Thanh” có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng (tăng vốn khoảng 180 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu là 846 tỉ đồng), được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2023 do UBND thành phố Vị Thanh làm chủ đầu tư.

Dự án được chia làm 4 hợp phần. Hợp phần 1: Nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 trong khu vực thu nhập thấp như: Đầu tư xây dựng hạ tầng cấp 3 cho 4 khu Lia (Lia 1, 2, 3, 7) với tổng diện tích 75ha. Hợp phần 2: Nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 1, 2 ưu tiên. Hợp phần 3: Tái định cư. Hợp phần 4: Hỗ trợ thực hiện và hỗ trợ kỹ thuật. Tổng giải ngân dự án đến nay là 604,752 tỉ đồng, đạt 77,2%.

Dù con đường giao thông 1 Tháng 5 thuộc dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vị Thanh”, có chiều dài toàn tuyến 2,6km (đoạn từ Quan Đế Miếu đến Quốc lộ 61C) đến nay chỉ mới thi công xong cấp phối đá dăm đường với chiều dài 2,3km/2,5km, cầu Xáng Hậu, Vị Bình, Kênh Ranh, cầu Bảy Giang, cấp thoát nước, kè với chiều dài 2,04km/2,2km hiện đang lót gạch vỉa hè, xây đá hộc mái taluy đường vào cầu. Tính theo tiến độ hoàn thành hợp đồng (ngày 10-7-2022) trễ hơn 3 tháng, đơn vị thi công xin gia hạn đến ngày 21-1-2023. Dẫu vậy, bộ mặt đô thị đang có sự thay đổi nhanh, đời sống đến chuyện kinh doanh, làm ăn của người dân cũng phát triển hơn trước.

Có nhà nằm cặp tuyến đường 1 Tháng 5 đang mở rộng, như bao gia đình khác, bà Nguyễn Thị Phượng, ở phường V, thành phố Vị Thanh, kỳ vọng con đường sớm hoàn thành để việc mua bán, kinh doanh của gia đình được thuận lợi hơn, không gian đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp…

Theo báo cáo của UBND thành phố Vị Thanh, đến tháng 10-2022, khó khăn lớn nhất của dự án nằm ở khâu giải phóng mặt bằng. Hiện nay, dự án còn khoảng 438 hộ bị ảnh hưởng chưa phê duyệt đền bù gồm các hạng mục: Lia 7 (5 hộ), lia 3 (3 hộ), Lia 1 (108 hộ), đường Lê Hồng Phong (88 hộ), kênh Cái Nhúc (địa bàn phường III là 61 hộ và địa bàn phường I là 155 hộ), Hồ Tam Giác (18 hộ). Số hộ bị ảnh hưởng nhiều, trong khi thời gian thực hiện dự án còn khoảng 15 tháng nên công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn như: Các hộ không có mặt tại nơi cư trú nên không ký biên bản giáp ranh để lập hồ sơ kỹ thuật đất, các hộ còn kỳ kèo giá bồi thường, tái định cư...

Ngoài ra, hiện nay tiến độ thi công các gói thầu chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, đặc biệt gói thầu Lia 2, Lia 7 đã hết thời gian thực hiện hợp đồng nhưng mới thi công đạt 32% khối lượng so với hợp đồng, các gói thầu còn lại như: Lia 1, Lia 3 mới chỉ đạt 35,6% khối lượng trên 72% thời gian thực hiện hợp đồng; kênh 62 đạt 30,4% khối lượng trên 45% thời gian thực hiện hợp đồng; kênh Cái Nhúc đạt 43,9% khối lượng trên 45% thời gian thực hiện hợp đồng.

Phần phát sinh bổ sung các mục sử dụng vốn kết dư đến nay hồ sơ thiết kế mới thực hiện xong các hẻm 17, 25 và 35 của Lia 3, còn các cầu kênh 59, Ba Nha, kênh Nhà Thờ đơn vị tư vấn thiết kế đang thực hiện dự kiến đến cuối tháng 10-2022 mới hoàn thành điều chỉnh Văn kiện dự án và thiết kế cơ sở.

Sẽ cắt hợp đồng nhà thầu thực hiện chậm

Để khắc phục những hạn chế này, ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết: Đối với những nhà thầu, các Lia nếu thực hiện theo tiến độ này thành phố sẽ đề xuất cắt hợp đồng, qua đó để các nhà thầu có trách nhiệm. Thành phố rất quyết tâm thực hiện, đây là nhiệm vụ trọng tâm, các cơ quan tham mưu của thành phố phải có báo cáo, tham mưu, đề xuất giải pháp, mỗi tuần báo một lần cho Thường trực thành phố để hội ý, có chỉ đạo kịp thời để đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Nếu các cơ quan chuyên môn từ nay đến cuối năm không đẩy nhanh tiến độ, trách nhiệm vào công việc sẽ xem xét đánh giá cán bộ cuối năm. Ngoài ra, sẽ lập tổ kiểm tra các kết luận của UBND tỉnh, UBND thành phố”, ông Huỳnh Thanh Phong nhấn mạnh.

Trước những khó khăn này, mới đây tại cuộc làm việc với UBND thành phố Vị Thanh, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị về phía thành phố Vị Thanh phải có theo dõi, đôn đốc tiến độ dự án, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể những phần công việc còn lại đến hết năm 2023, giao việc cụ thể cho từng ngành. Từng đơn vị liên quan có sơ kết, xem trễ ở khâu nào, làm căn cứ xử lý trách nhiệm.

“Rà soát lại toàn bộ dự án còn bao nhiêu hộ chưa giải phóng mặt bằng và phải tính toán lại kinh phí giải phóng mặt bằng. Đối với những hộ bị ảnh hưởng dự án ưu tiên bố trí tái định cư, đảm bảo phù hợp. Riêng đối với các hộ không chịu bàn giao mặt bằng, sau khi thực hiện các bước đúng quy định pháp luật, tính toán có giải pháp cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện dự án. Đặc biệt, xử lý nghiêm nhà thầu thi công ì ạch, không đảm bảo tiến độ dự án…”, ông Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.

Dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam có 7 tỉnh khu vực ĐBSCL gồm: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long An tham gia, số hộ đền bù, tái định cư lớn. Tỷ lệ giải ngân chung nguồn vốn ODA của dự án hiện đạt thấp. Nhiều nhà thầu triển khai chậm, chưa quyết liệt; trong đó có nguyên nhân do dịch Covid-19, giá vật liệu xây dựng tăng…

 

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>