Trí thức trong tiến trình xây dựng và phát triển vẻ vang của Hậu Giang

08/02/2024 | 05:36 GMT+7

20 năm xây dựng và phát triển, Hậu Giang coi trọng xây dựng đội ngũ trí thức vừa hồng vừa chuyên, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang tỉnh nhà.

Trí thức là lực lượng lao động trí óc, giàu lòng yêu nước, lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc…

Lễ nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ ngành phát triển nông thôn, niên khóa 2021-2023, Trường Đại học Cần Thơ.

Trí thức đồng lòng vượt khó xây dựng tỉnh mới

20 năm trước, ngày 1-1-2004, mấy trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (cơ hữu của từng sở, ban, ngành tỉnh) từ Cần Thơ vui vẻ về tỉnh mới, thực hiện nhiệm vụ. Nói một cách dễ nghe nhất là khai phá vùng đất mới, xây nền, đắp cột, lên tường cho Hậu Giang vốn được xem là lắm khó khăn.

Nhiều người còn nhớ như in: sáng cán bộ, công chức từ Cần Thơ chạy xe xuống làm việc, chiều chạy xe về, vì khi đó đa số chưa có ai cất nhà ở tỉnh lỵ, nhà trọ ở thị xã thì chưa được đầu tư đúng… tầm cấp tỉnh; một số thì đã thường trú ở đây…

Họ là một bộ phận trong lực lượng trí thức Hậu Giang. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”; “Trí thức là vốn quý của dân tộc. Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế”.

Câu chuyện khai phá, xây dựng vùng đất mới có lẽ không thể bút mực nào khái quát được hết, nhất là về tinh thần, khí thế và quyết tâm kiến thiết quê hương. Nhưng có thể mượn lời của hai vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi ấy là Nguyễn Phong Quang, Bí thư Tỉnh ủy và Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch UBND tỉnh, như sau:

Ông Nguyễn Phong Quang: Với trọng trách lớn, tôi về đây cùng đồng chí, anh em khai mở. Đây là bước đi đầu tiên để đặt nền móng cho các bước tiếp theo. Và những việc làm đầu tiên là ổn định về mặt tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; củng cố lòng tin trong dân; lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ.

Nếu cấp ủy làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, an dân, thì chính quyền mở lối phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Huỳnh Phong Tranh: Trong những năm đầu “ra ở riêng” làm việc, từ “quan” với “lính” đều phải “ở nhà tạm, ngủ giường xếp, ăn cơm bếp tập thể”. Khi này, lãnh đạo tỉnh tập trung nghiên cứu, lắng nghe, chọn những bước đi căn cơ và một trong những ưu tiên là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất.

Những năm sau đó, lực lượng trí thức Hậu Giang được bổ sung đông về số, mạnh về chất. Bàn tay, khối óc, lòng yêu quê hương, nhiệt huyết cống hiến của trí thức Hậu Giang đã xây nên hình vóc một Hậu Giang có nét riêng, tạo được dấu ấn trên bản đồ nước Việt.

Dù khó khăn, từng lúc từng nơi phát sinh bất cập, hạn chế, nhưng lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong những ngày đầu “khai phá” đất Hậu Giang luôn đoàn kết một lòng; đặt lợi ích chung lên hàng đầu - Họ là những người có học thức, tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trí thức Hậu Giang được tiếp thêm động lực cống hiến khi năm 2008 (ngày 6-8-2008) Hội nghị Trung ương Bảy (khóa X) ban hành Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 27) và tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 27, trong đó chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài…

Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá, 15 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 27, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức được nâng lên. Cơ chế, chính sách cho đội ngũ trí thức được tổ chức thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Trung ương; có ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức. Đội ngũ trí thức của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, tăng về số lượng, cơ cấu trình độ từng bước hợp lý hơn, tăng dần số người có trình độ từ đại học trở lên, đồng thời giảm dần người có trình độ cao đẳng và trung cấp.

Tính đến hết tháng 6-2022, đội ngũ trí thức của tỉnh chiếm 2,5% dân số, trong đó người có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 77,05% trong đội ngũ trí thức; người có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 60,42% trong đội ngũ trí thức.

Về cơ bản, 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức của tỉnh thực hiện được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương; từng bước phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức trên mọi lĩnh vực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Đội ngũ trí thức hôm nay

Vấn đề trí thức hôm nay còn nóng hổi khi cuối năm 2023, đông đảo cán bộ, đảng viên, viên chức toàn quốc, trong đó có Hậu Giang được học tập, quán triệt Nghị quyết số 45 ngày 24/11/2023 của Đảng về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45).

Sau khi được quán triệt, tất cả thống nhất nhận thức: nội dung Nghị quyết 27 vẫn còn nguyên giá trị; Nghị quyết 45 mở rộng hơn nhận thức, nâng cao hơn vai trò, làm sâu sắc hơn và cụ thể hóa những chủ trương, quan điểm, yêu cầu, mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta và các giải pháp cần thiết về phát triển và phát huy đội ngũ trí thức Việt Nam trong tình hình mới.

Nghị quyết 45 còn nhận diện đầy đủ hơn nội hàm, định vị đầy đủ, sâu sắc hơn vị thế và đề cao hơn yêu cầu phát huy vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Một khái niệm đầy đủ nhất về đội ngũ trí thức đã được khái quát theo Nghị quyết 45: là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với nội hàm rộng nhưng cụ thể, trí thức Hậu Giang hẳn không thiếu lực lượng đã, đang và sẽ đồng hành tiếp bước sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang ấy, trí thức tỉnh nhà luôn là những cá nhân có suy nghĩ tích cực, hành động quyết liệt, không đi ngược lại với những gì vừa khái niệm; “làm được những việc ích nước lợi dân” như Bác Hồ từng nói.

Kết quả 20 năm trí thức Hậu Giang cống hiến, có thể điểm qua cơ bản: Từ 5 thiếu: thiếu cán bộ, thiếu trụ sở, thiếu hạ tầng giao thông, thiếu doanh nghiệp, thiếu ngân sách, nay những cái thiếu ấy đã đủ, thường xuyên nâng cao về số lượng, chất lượng; đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.

Đội ngũ trí thức ngày càng được trân trọng khi từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Hậu Giang ban hành nhiều văn bản đề cao vai trò, vị trí, sử dụng, phát triển đội ngũ trí thức.

Cụ thể là Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án về thí điểm đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Đề án về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Hậu Giang có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt; có khát vọng, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ…

Hậu Giang xác định sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có trách nhiệm hơn nữa đối với Nghị quyết 45.

Trong đó, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức; rà soát, đánh giá, ban hành thêm các cơ chế, chính sách phát triển, xây dựng thu hút, đãi ngộ đội ngũ trí thức; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý đội ngũ trí thức để tạo động lực, phát huy năng lực sáng tạo của cán bộ trí thức; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển đội ngũ trí thức.

Tiếp tục quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, tạo môi trường thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ trí thức; khơi dậy tinh thần yêu nước, tính tích cực xã hội, cống hiến trí tuệ, khai thác có hiệu quả nguồn chất xám, nhất là đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phục vụ tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

* * *

Trí thức trong tiến trình xây dựng và phát triển vẻ vang tỉnh nhà là những nhân tố luôn một lòng một dạ vì cái chung tiến bộ; đội ngũ này sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong tương lai !

Từ cổ chí kim, trí thức luôn được trân quý !

 

Trí thức trong từng giai đoạn lịch sử Việt Nam luôn được trọng dụng.

Những ngày xuân vui vẻ, ôn cố tri tân, suy nghĩ về trí thức, đặt ra những mục tiêu cho tương lai, nhiều người không khỏi bồi hồi nhớ về việc trọng dụng trí thức xưa của cha ông.

Vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi lên ngôi năm 1428 có áng văn mẫu mực về chiêu hiền đãi sĩ: “Nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng vẫn phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì trẫm làm sao biết được ?

Đức minh quân thiết tha kêu gọi: “Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để Trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”.

Thời đại Hồ Chí Minh, Người cũng từng thiết tha kêu gọi hiền tài (năm 1946): “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức... Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết...”.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vạn người con nước Việt “một lòng ra đi” bảo vệ Tổ quốc, họ là những người “làm được những việc ích nước lợi dân”, “hữu dũng, hữu mưu” ngày đêm đánh đuổi ngoại xâm cút khỏi Việt Nam, là những trí thức được Tổ quốc tạc ghi công lao.

 

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>