Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp

08/12/2021 | 09:06 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 7-12, Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự và chỉ đạo; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hậu Giang, có ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan tham dự.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hậu Giang.

Khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã thể chế hóa nội dung Nghị quyết, từng bước tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực phi nông nghiệp (PNN) phát triển. KTTT, HTX lĩnh vực phi nông nghiệp phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, vượt qua những yếu kém trước đây. Lĩnh vực vận tải và thương mại, dịch vụ tăng mạnh; số lượng HTX, liên hiệp HTX quy mô vừa và lớn tham gia xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt. Từ đó, nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới dần được cải thiện, thu hút gần 3 triệu thành viên tham gia. Từ đó đến nay, cả nước có 20.234 HTX được thành lập mới, phần lớn các HTX hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ đạt từ 55-80%, cao hơn so với HTX nông nghiệp. Tổng doanh thu năm 2021 tăng 7,8 lần so với 20 năm trước.

Bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả hoạt động của KTTT trong lĩnh vực PNN còn thấp, chưa xứng tầm với nhu cầu và tiềm năng liên kết, hợp tác, phát triển trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Đa số các HTX quy mô còn nhỏ lẻ, yếu về năng lực tài chính, công nghệ còn lạc hậu, năng lực quản trị hạn chế. Giá trị kinh tế tuy đóng góp cao hơn nhiều so với HTX nông nghiệp nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm, phát triển chưa đều ở các địa phương. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, sẽ phấn đấu số lượng các loại hình KTTT, HTX trong lĩnh vực PNN tăng trưởng từ 10-16%/năm; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 5 triệu lao động thường xuyên; hầu hết cán bộ quản trị, điều hành HTX và ban kiểm soát HTX có trình độ đại học, cao đẳng; 50% số HTX, liên hiệp HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận định: KTTT có được kết quả như hôm nay là nhờ sự chỉ đạo sâu sát từng địa phương; ban hành hệ thống quy phạm văn bản pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ; số lượng HTX hoạt động hiệu quả chiếm trên 59%, đã cung ứng nhiều sản phẩm tốt, chất lượng cho thị trường; HTX còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động; hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò kết nối hướng dẫn đại diện hợp pháp, là cầu nối để thúc đẩy phát triển HTX cả nước... Tuy nhiên vẫn còn tồn tại về nhận thức, sự quan tâm của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa ngang tầm với nhu cầu thực tế; nhất là đất đai, tiếp cận với đào tạo bồi dưỡng, tiếp cận tiến bộ khoa học và kinh tế thị trường còn hạn chế...

Dịp này, có 19 tập thể được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam. Hậu Giang vinh dự có 1 tập thể là HTX Kim Ngân, ở thị xã Long Mỹ, được khen thưởng.

Đối với tỉnh Hậu Giang, 20 năm thực hiện nghị quyết có hơn 30 HTX PNN thành lập và hoạt động, chiếm tỷ lệ gần 15%. Tất cả các HTX đều chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX 2012. Các HTX lĩnh vực PNN của tỉnh hoạt động đều có lãi và thích ứng kịp thời lúc dịch bệnh, vẫn duy trì tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ thiết thực cho thành viên; góp phần cải thiện đời sống cho hộ thành viên và người lao động.

TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>