Thể thao Việt Nam rút kinh nghiệm gì từ Olympic Tokyo 2020 ?

10/08/2021 | 08:26 GMT+7

Phải về nước sớm là dư âm buồn của thể thao Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, đây là một kết quả được dự báo, bởi mục tiêu đặt ra cho kỳ đại hội này chỉ là chung chung: đạt huy chương chứ không phải là vào tốp tranh huy chương, hoặc tốp 5, tốp 10 châu lục...

Người có thành tích tốt nhất tại Olympic Tokyo lại là người lần đầu bước ra đấu trường lớn - tay vợt Nguyễn Thùy Linh.

Một vài quốc gia khu vực Đông Nam Á có huy chương, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines ở Olympic Tokyo. Trong khi đó, ở đấu trường khu vực, Việt Nam không hề thua kém. Có thể thấy, sự thất bại này cũng chứng tỏ cho việc thất bại trong hành trình cho những môn thành tích cao ở đấu trường quốc tế. Những cái tên quá quen thuộc, dù đã lớn tuổi, qua thời đỉnh cao vẫn được trọng dụng và là sự lựa chọn duy nhất. Có vận động viên phải thi đấu với người nhỏ hơn mình đến 15 tuổi. Kinh nghiệm là tốt, nhưng sức trẻ, sự nhanh nhạy và dẻo dai là quyết định, ngoài kinh nghiệm đấu trường. Trong khi đó, tuyến kế thừa không đủ để gánh vác trọng trách ở đấu trường này, nên buộc họ phải gồng mình, chạy theo sau là điều đương nhiên. Từ đó, khán giả xem họ thi đấu luôn mong chờ sự may mắn, xuất thần, kỳ tích hơn là khả năng vượt trội của chính họ.

Các vận động viên khác tham dự lần này cũng có sự chuẩn bị chưa thật sự tốt. Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch bệnh suốt gần 2 năm qua, nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tập luyện, thi đấu cọ xát. Tuy nhiên, đây không chỉ là của riêng Việt Nam mà là trên toàn thế giới. Một nguyên nhân được các chuyên gia đề cập là thể trạng của các vận động viên đến với sự kiện này cũng không tốt. Lê Thanh Tùng chị chấn thương một bên chân, Thạch Kim Tuấn chấn thương lưng suốt nhiều năm qua, Hoàng Xuân Vinh thi đấu căng thẳng, thể trạng tâm lý căng cứng… Còn Ánh Viên, người được Việt Nam đầu tư lâu dài, lại bị loại ngay ở vòng thi đầu tiên… Và cuối cùng, người dành thành tích tốt nhất tại Olympic Tokyo không phải là những cái tên được kỳ vọng với bề dày thành tích trên, mà là Nguyễn Thùy Linh, một tay vợt trẻ đầy năng lượng, đầy tiềm năng, dù vận động viên này không đi được đến đích cuối.

Phải chăng đây là sự thất bại ở chiến lược đầu tư thể thao ở đấu trường quốc tế. Bởi Việt Nam luôn đạt thành tích cao và đặt một kế hoạch rõ ràng nằm trong tốp đầu đấu trường khu vực. Trong khi đó, phải vượt khỏi “ao làng” để vươn tầm, cần một chiến lược dài hơi và bài bản hơn. Trong giai đoạn 2019-2020, gần như toàn bộ các đội tuyển trẻ phải giải tán vì thiếu kinh phí duy trì. Đây là hệ lụy để có một lớp kế thừa đủ khả năng gánh vác trọng trách tiếp theo và những gương mặt cũ lại phải gánh tiếp, dù đã qua thời đỉnh cao.

Kinh nghiệm của những nền thể thao lớn trên thế giới: Để có một kỳ Olympic thành công, cần có quá trình chuẩn bị từ 5 năm đến 8 năm, trong đó phải đầu tư có hệ thống, chặt chẽ. Nói điều này để thấy rằng, thất bại lần này là bài học để Việt Nam có một hướng đầu tư mới, chuẩn bị cho hành trình vươn ra biển lớn trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, mấu chốt là mục tiêu đặt ra, không cần quá nặng cho SAE Gamse mà phải tập trung cho mục tiêu cụ thể, trọng tâm tại Asiad, bởi đấu trường này khá phù hợp với thể thao Việt Nam, là cơ sở quan trọng để một số vận động viên vươn lên trình độ Olympic...

Thất bại lần này chính là lúc thể thao Việt Nam cần có một chiến được đầu tư mới, để không chỉ làm chủ mãi ở đấu trường khu vực mà vươn xa ra biển lớn. Đây chính là những gì mà người hâm mộ thể thao Việt Nam kỳ vọng và tin tưởng…

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>