Nỗ lực lớn của nữ vận động viên thể thao tỉnh nhà

20/10/2022 | 10:38 GMT+7

Vượt qua sự khó khăn, vất vả để dày công tập luyện, các nữ vận động viên (VĐV) Hậu Giang đã tự tin khẳng định mình bằng những thành tích đáng ghi nhận.

Chúc Phương đã thích nghi với việc tập luyện nặng nhọc ở môn cử tạ.

Một đóng góp mang dấu ấn lịch sử cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà là tại SEA Games 31 vừa qua, Hậu Giang giành 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc, tất cả đều được mang về từ những nữ VĐV. Muốn đạt thành tích cao ngoài năng khiếu, VĐV phải tập luyện nặng nhọc kéo dài nhiều năm, vượt qua nỗi đau chấn thương, đôi lúc còn hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc bản thân để theo đuổi đam mê. Cho nên, dù bên ngoài họ là những người phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng nhưng luôn ẩn chứa bên trong ý chí mạnh mẽ và nghị lực phi thường. Họ còn góp phần mang đến nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, giúp cổ vũ, lan tỏa tình yêu thể thao, rèn luyện sức khỏe đến mọi người.

Chia sẻ về quyết định gắn bó với thể thao, VĐV Thái Thị Hồng Thoa, huy chương vàng môn bi sắt SEA Games 31, bày tỏ: “Có được thành công hôm nay, bản thân tôi đã phải nỗ lực nhiều, vượt khó khăn từ tập luyện, chấn thương lẫn cân bằng cuộc sống gia đình. Khó khăn nào cũng có thể vượt qua chỉ cần mình chịu cố gắng. Thành tích là phần thưởng cao quý, thúc đẩy tinh thần tôi thêm tràn đầy năng lượng cho những mục tiêu sắp tới”.

Hay hình ảnh cô gái nhỏ nhắn Phan Thị Chúc Phương, cả người ướt đẫm mồ hôi với những bài tập ở môn cử tạ, lại khiến người đối diện cảm thấy khâm phục. Chúc Phương gắn bó với cử tạ từ năm 2018, khi mới 10 tuổi, đây cũng là nữ VĐV duy nhất của bộ môn ở thời điểm này. Trước Chúc Phương, đội cũng có nhiều VĐV nữ tập luyện, nằm trong định hướng kế hoạch phát triển nhưng đều không thể bước tiếp lâu dài. Chúc Phương cho biết: “Ban đầu em chưa hình dung được bộ môn dễ hay khó nên không biết có phù hợp để tập luyện. Cử tạ đòi hỏi thể lực nhiều, tập luyện những ngày đầu khá vất vả, ê ẩm cơ thể, lại nhớ nhà, em buồn lắm, may mắn là luôn có ban huấn luyện bên cạnh động viên, an ủi. Bây giờ tập lâu em đã thích nghi, nên sẽ nỗ lực nhiều hơn để cải thiện thành tích, trở thành niềm tự hào cho gia đình”.

Môn thể thao nào cũng có những bài tập mang tính thử thách mà bất cứ VĐV muốn thành công bắt buộc phải vượt qua. Bằng sự chăm chỉ, giàu nghị lực, kiên trì tập luyện đã giúp các nữ VĐV dần định hình được sở trường, lợi thế. Việc trở thành VĐV chuyên nghiệp ngoài theo đuổi đam mê còn là mong muốn vượt lên khó khăn, thay đổi cuộc sống, thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của nhiều cô gái. VĐV Vovinam Huỳnh Thị Diệu Thảo chia sẻ: “Phận nữ nhi nhưng chọn gắn bó với nghiệp võ, buộc em phải nỗ lực nhiều hơn để chứng tỏ bản thân. Kinh tế gia đình không mấy khá giả nên từ khi theo con đường VĐV, em có thêm một khoản từ tiền lương, thưởng trích gửi mẹ sinh hoạt trong nhà. Em thấy rất hạnh phúc vì hiện tại vừa sống trọn với niềm đam mê, có thể tự lo cho bản thân và đỡ đần cha mẹ”.

Giai đoạn tập luyện thể thao để đạt đến đỉnh cao thường rơi vào thời điểm tươi đẹp nhất của người phụ nữ. Nhưng theo chia sẻ của nhiều VĐV, giai đoạn thi đấu đỉnh cao ngắn ngủi, nếu lập gia đình, sinh con họ có thể sẽ nghỉ một quãng dài, mà vốn dĩ thể thao thành tích cao phải được tập luyện thường xuyên. Đặc biệt, những thay đổi khi sinh con khiến nhiều VĐV thi đấu các môn liên quan đến thể lực, sức nhanh, sức bền không thể bước lên đỉnh cao được… Phương án hiện tại họ lựa chọn là tiếp tục cống hiến cho tỉnh nhà và đành gác lại niềm hạnh phúc riêng vào một thời điểm thích hợp.

Đó cũng là niềm trăn trở, khó khăn chung để phát triển thể thao ở nữ vì không ít VĐV đánh mất phong độ ngay ngưỡng cửa đỉnh cao, do hoàn cảnh, mưu sinh, chấn thương và nhiều lý do khó nói khác họ tuyên bố giã từ sự nghiệp để quay về cuộc sống của một người bình thường. Dấn thân và trở thành một VĐV thể thao chuyên nghiệp không phải ai cũng đủ can đảm, sức chịu đựng bởi sự vất vả, khó nhọc. Nhưng trước gian nan, thử thách, những “bông hồng” nhìn vẻ yếu mềm lại càng được hun đúc thêm sức mạnh, ý chí và bản lĩnh để làm rạng danh quê hương.

Thể thao Hậu Giang hiện có 133 VĐV, trong đó, có 35 VĐV nữ, chiếm tỷ lệ hơn 26%. Nhiều nữ VĐV đã gặt hái thành tích cho tỉnh ở các giải trong và ngoài nước như: Phạm Thị Diểm, Nguyễn Thị Phương Trinh (điền kinh), Nguyễn Tường Vy, Trần Thúy Duy (judo), Lê Minh Thư (cờ vua), Trần Lê Thanh Thảo, Trần Lê Lan Anh, Thái Thị Hồng Thoa (bi sắt)...

 

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>