Lên kế hoạch đường dài cho thể thao thành tích cao

13/10/2022 | 08:05 GMT+7

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề cho sự phát triển thể thao thành tích cao tỉnh với mục tiêu lâu dài.

Môn Vovinam sẽ được đầu tư trong giai đoạn mới.

Đầu tư có trọng điểm

Những năm gần đây, thể thao thành tích cao Hậu Giang đã có bước tiến đáng phấn khởi, nhất là khi nhận được đầu tư từ Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự ổn định, chiều sâu và một nền tảng vững chắc. Hướng tới mục tiêu đường dài, nâng cao thành tích vận động viên (VĐV), tăng cường hiệu quả công tác đào tạo, cải thiện thứ hạng, đòi hỏi ngành phải có lộ trình đầu tư với kế hoạch mang tính chiến lược tổng thể, định hướng rõ ràng bằng hệ thống các giải pháp khả thi, đồng bộ, tạo bước đột phá.

Sự ra đời của Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 là động thái kịp thời của tỉnh khi nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, chuyển hướng đầu tư từ dàn trải sang trọng điểm, điều kiện cần cho sự phát triển thể thao tỉnh trong giai đoạn tiếp theo với nhiều triển vọng mới. Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Nâng cao chất lượng tuyển chọn VĐV, tạo điều kiện cho các cá nhân, đội tuyển đi tập huấn, chủ động liên kết, tăng cường hợp tác để đào tạo nguồn lực tiềm năng ở một số môn thích hợp… là định hướng của thể thao thành tích cao tỉnh trong những năm tới. Đề án được thực hiện theo giai đoạn sẽ giúp ngành từng bước bổ sung nguồn lực giúp thể thao thành tích cao tỉnh phát triển chắc chắn hơn”.

Giai đoạn 2023-2025, ngành xác định 4 môn đầu tư trọng điểm: judo, điền kinh, jujitsu, kickboxing do có sự phát triển ổn định về số lượng, chất lượng, khả năng đạt thành tích cao ở các giải đấu. Đồng thời, phấn đấu đạt và vượt 210 huy chương các loại ở giải khu vực, toàn quốc và quốc tế; có 150 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng và cấp I quốc gia. Giai đoạn 2026-2030 bổ sung đầu tư trọng điểm thêm 2 môn đua thuyền và Vovinam; hàng năm tham gia 50-55 giải quốc gia và quốc tế, nỗ lực đạt từ 80-85 huy chương các loại, trong đó có 6-8 huy chương quốc tế.

Anh Hồ Thanh Liêm, huấn luyện viên đội kickboxing Hậu Giang, chia sẻ: “Bộ môn được quan tâm trong việc củng cố đội hình, tham gia các lớp tập huấn để cập nhật kiến thức mới, cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn. Ngành còn cung cấp dụng cụ tập luyện và thi đấu đầy đủ, giúp VĐV nâng cao trình độ nhanh, giảm bớt chấn thương”. Việc phân nhóm các môn đầu tư trọng điểm giúp phát huy hiệu quả trong huấn luyện, tạo mũi nhọn đột phá về thành tích. Đích đến là bước tiến tại Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long và Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026, cung cấp nguồn lực cho đội tuyển quốc gia…

Bài bản trong cách làm

Để đề án được triển khai hiệu quả, ngành thể thao tỉnh đã xây dựng được chương trình, kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng bài bản. Trong đó, chú trọng hình thành các lớp năng khiếu ban đầu, những gương mặt có tiềm năng được huấn luyện chuyên sâu rồi đào tạo tập trung. Duy trì hệ thống đào tạo 3 tuyến năng khiếu, trẻ, tuyển để đảm bảo tính liên tục, kế thừa và bền vững lâu dài… Thực hiện chính sách hỗ trợ và chế độ đãi ngộ kịp thời, thỏa đáng để VĐV an tâm cống hiến. Đầu tư cơ sở vật chất, công trình thể thao và trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu và đăng cai giải quốc gia, quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ trong chương trình huấn luyện…

Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, cho biết: “Để có được VĐV chất lượng, ngành chú trọng thực hiện tốt công tác tập luyện, đào tạo, xây dựng lực lượng nòng cốt. Bộ môn sẽ sàng lọc, lựa chọn những VĐV có chuyên môn tốt thông qua sự tiến bộ trong thành tích để tiếp tục huấn luyện nâng cao kỹ thuật bằng giáo án chuyên sâu. Riêng các môn trọng điểm, ban huấn luyện sẽ đề ra những phương hướng kỹ thuật, chiến thuật khác nhau để tạo nên bước tiến mới trong chuyên môn”.

Hiện thể thao thành tích cao tỉnh đang trên đà phát triển, tiếp cận và đạt được kết quả khả quan ở các giải trong nước, quốc tế, nhưng chỉ là bước đầu nên cần có những chính sách nhất quán, lộ trình đủ dài để VĐV rèn luyện, nâng tầm chất lượng. Đặc thù của lĩnh vực thể thao thành tích cao là thời gian đào tạo dài để có được một VĐV chuyên nghiệp. Trong thể thao, có huy chương không chỉ dựa vào may mắn mà cần trải qua quá trình tập luyện chăm chỉ, kiên trì, cố gắng, quyết tâm không bỏ cuộc trước gian nan, thử thách.

Đầu tư phát triển thể thao thành tích cao là cả chặng đường, đề án ra đời là một nỗ lực vượt khó của thể thao tỉnh trong việc tìm hướng đi phù hợp với điều kiện, thế mạnh địa phương và xu thế phát triển chung. Đồng thời trở thành động lực, mắt xích quan trọng góp phần nâng cao vị thế thể thao tỉnh nhà.

Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng và phát triển nền thể thao thành tích cao ổn định, vững chắc, nâng cao thành tích thi đấu, thu hẹp khoảng cách trình độ với các tỉnh trong khu vực và toàn quốc. Phấn đấu đạt nhóm hạng 40 tại Đại hội Thể thao toàn quốc và hạng trung bình Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long năm 2026. Đào tạo, cung cấp từ 2-6 VĐV các môn cho đội tuyển quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á và châu Á.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>