Chờ bước tiến mới của cầu lông Việt Nam

11/10/2022 | 09:06 GMT+7

Dù có những tín hiệu vui ở các giải đấu trong và ngoài nước nhưng để cầu lông Việt Nam vươn tầm sẽ chẳng dễ dàng khi trình độ và sự đầu tư ở các nước trong khu vực ngày càng được chú trọng.

Cầu lông Việt Nam nỗ lực tìm thế hệ kế thừa sau Nguyễn Tiến Minh.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đều có nguồn lực mạnh, nên cầu lông Việt Nam dường như đang tụt lại khá xa so với những quốc gia trong khu vực. Qua các kỳ SEA Games, cầu lông Việt Nam vẫn chưa được đứng lên bục cao nhất để nhận huy chương, thậm chí là giành suất vào chung kết. Điều này cho thấy, một mình huyền thoại cầu lông Việt Nam Nguyễn Tiến Minh không thể làm nên mùa xuân, do anh đã 39 tuổi, thể lực lẫn phong độ đều suy giảm. Ngành không nên trông chờ vào sự tỏa sáng của cá nhân tại một thời điểm mà phải quan tâm, đầu tư để tạo thành nền tảng vững chắc, làm gốc phát triển trong tương lai.

Hiện rất khó tìm người đủ sức thay thế Tiến Minh khi cầu lông nam thế giới đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Còn lớp tay vợt trẻ kế cận của Việt Nam vẫn chưa tương đồng với bậc đàn anh từ tư duy chiến thuật, nền tảng thể lực, sự quyết đoán trong thi đấu. Muốn đào tạo ra một tay vợt đẳng cấp thế giới cần hội tụ nhiều yếu tố, đi kèm khát vọng vươn lên của vận động viên, gia đình phải có tiềm lực tài chính để tạo điều kiện…

Nhưng thực trạng chung của cầu lông Việt Nam hiện nay là số lượng các giải thi đấu lẫn tiền thưởng khá ít, công tác xã hội hóa hạn chế, chưa có nhà tập luyện chuyên dụng… nên khó tìm ra được những nhân tố trẻ nổi bật, mang năng lực thực sự. Đối với các tay vợt tiềm năng phát triển lại không có nhiều cơ hội tìm người xứng tầm để cọ xát. Ngoài những lần thi đấu quốc tế hiếm hoi, họ thường duy trì phong độ bằng việc đấu tập với những tay vợt phong trào nên chưa thể khẳng định tên tuổi ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sự non kém về kinh nghiệm càng thể hiện rõ khi các tay vợt Việt Nam có nhiều trận thua khá chóng vánh lúc đối đầu với những vận động viên đến từ khu vực Đông Nam Á. Để cầu lông Việt Nam khởi sắc, ngành chuyên môn cần tiếp tục tổ chức những giải đấu cấp độ cao, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, công nghệ phù hợp như hệ thống mắt diều hâu, hệ thống ánh sáng chuẩn… nhằm phục vụ và tạo sức hút nơi người hâm mộ.

Đặc biệt, sau SEA Games 31, giới chuyên môn cho rằng cầu lông Việt Nam đã bước vào giai đoạn đổi mới, trẻ hóa lực lượng khi huấn luyện viên bộ môn đều theo sát vận động viên ở giải trẻ toàn quốc để tìm kiếm các tay vợt triển vọng, có thể là những Nguyễn Tiến Minh tương lai. Mục tiêu mà Liên đoàn cầu lông Việt Nam tập trung thực hiện là tìm thêm nguồn xã hội hóa để đưa các vận động viên trẻ dự nhiều giải quốc tế. Việc cọ xát, tích lũy kinh nghiệm giúp các tay vợt ghi những dấu ấn thành tích và liên tiếp tăng bậc trên bảng xếp hạng thế giới. Ngoài rèn kỹ năng, khi thi đấu quốc tế thường xuyên, yếu tố chuyên môn cũng được cải thiện rõ rệt và quan trọng hơn là vận động viên không thấy e dè trước các đối thủ.

Cầu lông Việt Nam có thuận lợi về tố chất con người phù hợp, nhiều tay vợt trẻ rất triển vọng và đang khẳng định dần chuyên môn như Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Hải Đăng, đó là cơ sở để ngành thể thao tính toán bài bản trong việc đầu tư, phát triển. Trong đó, Thùy Linh được đánh giá là đang ở thời kỳ phong độ nhất, khi liên tục đứng trên bục cao các giải quốc tế mở rộng trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, muốn chinh phục đỉnh cao, các lứa vận động viên phải liên tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, tránh việc để nền cầu lông quốc gia rơi vào cảnh hụt hẫng lực lượng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, thích ứng linh hoạt, giờ là lúc để các vận động viên trẻ hướng đến con đường chuyên nghiệp, những mục tiêu tiếp theo trong tương lai và thành công vươn ra biển lớn.

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>