Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ công tác tư pháp

25/12/2023 | 08:55 GMT+7

Năm 2023, dù còn nhiều khó khăn song bám sát các chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành tư pháp Hậu Giang đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nhiều nhiệm vụ. Qua đó, đóng góp đáng kể vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong dân.

Lãnh đạo Sở Tư pháp báo cáo tình hình công tác tư pháp năm 2023 với Đoàn công tác của Bộ Tư pháp.

Chặt chẽ trong xây dựng văn bản

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp tỉnh thời gian qua là tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản, bao gồm các nhiệm vụ như thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Bởi hoạt động này được thực hiện tốt sẽ góp phần đảm bảo chất lượng văn bản ban hành, phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Phượng Quyên, để làm tốt công tác này, hàng năm, Sở đều tham mưu đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Đồng thời định kỳ, tiến hành kiểm tra đối với phòng tư pháp cấp huyện.

Trong năm 2023, ngành tư pháp Hậu Giang tổ chức thẩm định 42 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (14 nghị quyết và 28 quyết định) và tham gia góp ý 249 dự thảo văn bản, trong đó có 90 văn bản quy phạm pháp luật.

Qua công tác thẩm định, kiểm tra, nhìn chung các văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành theo đúng trình tự, thủ tục qua các khâu như: Xây dựng dự thảo, lấy ý kiến góp ý, tổng hợp ý kiến, chỉnh lý lại dự thảo, thẩm định và trình UBND hoặc HĐND xem xét, quyết định, từ đó nội dung văn bản được ban hành đúng quy định pháp luật và có tính khả thi cao.

Song song đó, đơn vị còn phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành danh mục văn bản hết hiệu lực và hết hiệu lực một phần đối với 44 văn bản nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp quy trên địa bàn.

“Đối với công tác xây dựng văn bản, Sở luôn chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức pháp chế các sở, ngành, địa phương. Thực hiện nghiêm các quy định nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước”, bà Quyên nhấn mạnh.

Bổ trợ tư pháp được quan tâm hơn

Bên cạnh những kết quả trong lĩnh vực xây dựng văn bản, ngành tư pháp đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành.

Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nội dung tuyên truyền được đa dạng với nhiều hội nghị, sự kiện, mô hình phối hợp; công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp có nhiều đổi mới.

Theo ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, hàng năm, Sở đều tham mưu UBND tỉnh thực hiện các đề án của Chính phủ đối với hoạt động bổ trợ. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả Đề án 258 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp”; Đề án “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025”…

Cùng với đó, Sở hướng dẫn các tổ chức bổ trợ tư pháp triển khai việc hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp và chương trình công tác trọng tâm của ngành thông qua triển khai, phổ biến sâu rộng Luật Công chứng, Luật Giám định tư pháp, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản liên quan.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 luật sư với 19 tổ chức hành nghề hoạt động. Lĩnh vực công chứng cũng ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa với 12 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động (1 phòng công chứng, 11 văn phòng công chứng). Song song đó, lĩnh vực giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng với 2 tổ chức giám định công lập (Trung tâm Pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh).

Mặt khác, công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ngày càng đi vào nề nếp, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Công tác hộ tịch và cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công tác trợ giúp pháp lý tăng cường hướng về cơ sở, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng thụ hưởng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp, đánh giá: Trong năm, với nỗ lực cao, một số mặt công tác tư pháp đã có chuyển biến tích cực, rõ nét, tạo điểm nhấn. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, ngành tư pháp tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng văn bản, hộ tịch, lý lịch tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… Đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>