Hiệu quả từ cơ chế đối thoại trong giải quyết khiếu nại

18/03/2024 | 07:27 GMT+7

Cơ chế đối thoại trong giải quyết khiếu nại về đất đai được luật định nhiều năm qua. Thực thi cơ chế này trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính ở tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh (bìa trái) lắng nghe ý kiến của công dân tại một buổi đối thoại.

Đối thoại với người khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại đã được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, nhưng không phải là một thủ tục bắt buộc. Đến Luật Khiếu nại, tố cáo (sửa đổi, bổ sung) năm 2005 mới bắt buộc người giải quyết khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại với người bị khiếu nại, còn người giải quyết khiếu nại lần 2 thì “có thể” chứ không bắt buộc phải gặp gỡ, đối thoại.

 Tại Luật Khiếu nại năm 2011, Điều 30 về giải quyết khiếu nại lần đầu đã quy định cụ thể, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu và hướng giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, đối với khiếu nại lần 2 thì cơ chế đối thoại được xem là thủ tục bắt buộc và cũng là căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, trong quá trình giải quyết khiếu nại, các cấp đã tăng cường đối thoại và xem đây là phương thức làm rõ mọi vấn đề còn khúc mắc, cơ sở quan trọng cho một quyết định giải quyết khiếu nại hành chính được khách quan, đúng đắn.

Tại Ban tiếp công dân tỉnh, các buổi đối thoại khi giải quyết khiếu nại lần 2 của công dân luôn có sự tham gia đầy đủ các thành phần, tổ chức, đoàn thể. Đặc biệt, là sự có mặt của các cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại, cùng Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể như Hội Luật gia, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Hội Nông dân… có trách nhiệm giám sát việc giải quyết của chính quyền địa phương, tham gia phản biện, cho ý kiến để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Đơn cử như vừa qua, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với hộ ông Nguyễn Thành Nam, ngụ ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành. Trường hợp của ông Nam bị giải tỏa phần nhà có diện tích 58,6m2, do triển khai dự án Khu công nghiệp Sông Hậu, giai đoạn 1.

Tại buổi đối thoại, theo xác minh của địa phương, hộ ông Nam xây nhà trên phần đất nông nghiệp, ông Nam cũng có hộ khẩu ở địa phương khác và thực tế không sinh sống trực tiếp trên phần nhà bị giải tỏa, do đó, căn cứ quy định pháp luật thì ông không đủ điều kiện để giải quyết tái định cư.

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, ông Nam cho rằng, bản thân từ nhỏ sinh sống ngay tại phần nhà bị giải tỏa, nhiều hộ dân xung quanh đều có thể xác nhận điều này, do đó việc địa phương cho rằng ông không sinh sống tại căn nhà trên là chưa chính xác.

Qua nghe ý kiến của hộ dân tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị địa phương cần tiến hành tổ chức họp dân, đối chất giữa hộ dân với địa phương để làm rõ vấn đề.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cũng cho rằng, tổ chức đối thoại với công dân là nhằm tìm ra vấn đề chưa đạt được tiếng nói chung giữa công dân và chính quyền địa phương, từ đó có giải pháp giải quyết thấu đáo, hợp lý, hợp tình với mong muốn của người dân.

“Trước đó, tôi không đồng tình với kết quả xác minh, giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND huyện Châu Thành. Tuy nhiên, khi được đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh, tôi đã hiểu ra được nhiều quy định của Nhà nước, đồng thời lãnh đạo tỉnh đã có quyết định hợp lý, hợp tình với gia đình tôi, nên bức xúc của tôi được giải tỏa, giờ đây tôi mong muốn khiếu nại của mình sẽ được xác minh, làm rõ lại”, ông Nam bộc bạch.

Theo chia sẻ của một số thành viên Đoàn công tác liên ngành giải quyết khiếu nại tỉnh, hoạt động đối thoại trong giải quyết khiếu nại những năm qua đạt những kết quả tích cực. Nhiều vụ việc khi đối thoại với cơ quan nhà nước, nhận thức được việc khiếu nại của mình chưa đúng, công dân đã tự nguyện rút đơn, chấp hành quyết định hành chính, chủ động bàn giao nhà, đất… Song song đó, cũng có những trường hợp qua đối thoại đã phát hiện nhiều vấn đề chưa được xác minh, làm rõ, từ đó cơ quan chức năng đã chấn chỉnh, khắc phục, bổ sung kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại.

Đánh giá về tầm quan trọng của công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính, ông Lưu Ngọc Đông, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh, cho biết: Đối thoại là khâu quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bởi việc tổ chức đối thoại không chỉ giúp công khai, minh bạch, tiếp nhận đầy đủ các thông tin liên quan đến việc giải quyết, mà còn giúp tạo sự thống nhất, đồng thuận giữa các bên trong phương án giải quyết vụ việc đảm bảo đúng chính sách, pháp luật.

“Về phía Ban Tiếp công dân tỉnh, thời gian qua chúng tôi luôn tham mưu UBND tỉnh tổ chức, bố trí đối thoại đúng đối tượng, thời gian, thành phần. Làm sao vừa đảm bảo quy định pháp luật, nhưng cũng tạo sự thân tình, gần gũi giữa người dân và chính quyền trong quá trình giải quyết khiếu nại”, ông Đông nhấn mạnh.

Đối thoại là phương thức thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch trong giải quyết khiếu nại. Việc chú trọng và tổ chức tốt công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại là yêu cầu cấp thiết, mang lại nhiều hiệu quả. Đối thoại với công dân không mất quá nhiều thời gian, không quá tốn kém nhưng hiệu quả mang lại là rất thiết thực, nhất là vấn đề an dân, ổn định lòng dân.

Quy định về đối thoại trong Luật Khiếu nại năm 2011

Khoản 1, Điều 30 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.

Còn đối với khiếu nại lần 2, tại Điều 39 quy định, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần 2 thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật này.

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>