Chữ “không”: dễ học, liệu có khó làm ?

25/09/2023 | 08:55 GMT+7

Chữ “không”, gần đây là không được giấu giếm tài sản, thu nhập, mà phải trung thực kê khai ở một bộ phận cán bộ, đảng viên được nhắc đến nhiều. Trong các nguyên nhân giấu giếm được phân tích, có thực tế là do cán bộ không muốn lãnh đạo, tập thể hay nhiều người biết mình có bao nhiều tiền bạc, tài sản. Điều này chưa đúng với những quy định của Đảng, Nhà nước...

Câu chuyện có thể bắt đầu từ một vài trường hợp cụ thể.

Sau khi giấu giếm tiền có được, cán bộ không thực hành được chữ “không”, gửi vào ngân hàng. Ảnh minh họa.

Biết luật nhưng vẫn phạm luật

Ông Trần Lê Nguyễn, phó một ngành, thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang quản lý, vừa bị kỷ luật bằng hình thức “Cách chức Phó Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2025”, cách chức vụ phó ngành vì nhiều sai phạm, trong đó có hành vi “không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập”.

Cụ thể, bảng kê khai tài sản, thu nhập được kiểm tra, ông Nguyễn khai chỉ có nhà và đất, nhưng qua tiếp nhận đơn tố giác, tiến hành các bước nghiệp vụ, xác định ông Nguyễn có vài trăm triệu đồng gửi ở ngân hàng.

Trong lần kiểm điểm gần nhất trước khi bị kỷ luật, ở phần phụ lục nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (82 biểu hiện cụ thể), ông Nguyễn thông tin rằng đã đánh dấu x vào ô: Không có biểu hiện “kê khai tài sản, thu nhập không trung thực”.

Ông Nguyễn là người hiểu biết, làm việc trong cơ quan chấp pháp, có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra kê khai tài sản, thu nhập toàn tỉnh nhưng không chấp hành đúng quy định, hướng dẫn về kê khai, công khai tài sản, thu nhập, cố tình “quên”, vi phạm các quy định.

Ông cũng được học chữ không gian dối trong kê khai, công khai tài sản nhiều hơn so với hàng ngàn cán bộ, đảng viên thuộc diện, nhưng thực hành hoàn toàn ngược lại. Hành vi không trung thực của Nguyễn xuất phát từ ý thức muốn giấu tài sản của mình có được chứ không phải không biết nghĩa vụ, trách nhiệm minh bạch.

Ông Nguyễn có phải duy nhất học được chữ “không” nhưng thực hành thì khác?

Bí thư cấp ủy của một địa phương cũng vừa bị kỷ luật do kê khai, công khai tài sản không trung thực.

Theo đơn vị quản lý, bí thư này vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.

Với hành vi trên, bí thư này vừa nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc.

Dư luận lên tiếng rằng, sự hiểu biết về nghĩa vụ kê khai, công khai tài sản, thu nhập của vị bí thư này cao hơn nhiều so với ông Nguyễn. Cả 2 đều biết luật…

Báo cáo của Chính phủ gần nhất về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông tin, từ 8-2-2022 đến 30-4-2023, cả nước có 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm đã bị các hình thức kỷ luật: xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…

Con số 54 đó đã phản ánh đúng thực chất vấn đề ?

Vì sao không trung thực ?

Thật khó để trả lời thỏa đáng câu hỏi này.

Đem câu chuyện trung thực - một phạm trù đạo đức, trao đổi với những cán bộ thanh tra, kiểm tra, các vị này nhắc lại: Khái niệm trung thực đã được quy phạm hóa trong Điều lệ Đảng - “trung thực với Đảng” và nhiều văn bản quy phạm hiện hành. Ở phạm vi hẹp tức là cán bộ, đảng viên phải trung thực trong kê khai, công khai tài sản, thu nhập.

Từ hành vi, sự tự nguyện ở mức độ hạn chế hợp tác của người bị xử lý, có thể thấy do ý thức không mong muốn để tổ chức, người có thẩm quyền biết đến tài sản lẽ ra chỉ bằng hoặc hơn chút ít với đồng nghiệp thì của mình cao quá nên mới gian dối.

Ông Nguyễn khi làm việc với cơ quan chức năng, một mực khẳng định, có bao nhiêu khai bấy nhiêu, không gian dối; hoặc bị đuối lý thì khai nhỏ giọt... Cho đến khi chứng cứ rành rành thì mới chịu cúi đầu.

Với vị bí thư tỉnh ủy, giấu tài sản, thu nhập có chủ đích chứ không phải bộc phát, nhất thời, vô tình. Bởi vậy, Bộ Chính trị khẳng định vi phạm của ông mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.

Và vì sao nữa?

Pháp luật hiện hành chế định: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; bên cạnh chấp hành thì người có nghĩa vụ phải nhận biết được những loại, tài sản, thu nhập nào phải kê khai, bổ sung…

Thực tế, ngoài những người biết luật vẫn phạm luật thì qua rà soát của ngành chức năng, ghi nhận có người chưa biết hết quy định kê khai sao cho đúng, đủ; có trường hợp kê khai rồi, bộ phận nghiệp vụ hướng dẫn lại thì người đó mới ngộ nhận phải khai thêm. Thậm chí có cán bộ phụ trách nhận bảng kê khai để công khai cũng không biết loại nào cần khai, bổ sung.

Ông Huỳnh Minh Thích, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Long Mỹ, trao đổi, tất cả đảng viên biết hành vi nào là không trung thực với Đảng, trong đó hiểu rõ không trung thực kê khai tài sản là sai.

Mở rộng vấn đề, ông Huỳnh Minh Thích nói: “Sau khi đảng viên học tập, quán triệt quy định, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó có các điều khoản liên quan đến mình thì hầu hết nhận thức được hết cái gì nên làm, không nên làm, cái gì đúng, cái gì sai, cái gì tử tế, không tử tế nhưng vẫn cố tình vi phạm, nguyên nhân phần lớn là do thiếu tu dưỡng, rèn luyện”.

Công tác nhiều năm trong ngành kiểm tra đảng, ông Huỳnh Văn Thống, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Vị Thanh, cho biết thêm, cán bộ, đảng viên thật sự ngoài được nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng định kỳ thì còn được học tập, bồi dưỡng, trao đổi thực tế tại nhiều cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề; có cam kết học tập, làm theo gương Bác rất rõ nét…

Nhưng vì sao không năm nào không có vi phạm? Ông Huỳnh Văn Thống khẳng định nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ, đảng viên không nghiêm khắc với bản thân; do công tác nắm tình hình trong tổ chức thực hiện các quy định của Đảng từng lúc, từng nơi chưa thường xuyên, kịp thời.

Nếu phân tích cặn kẽ hơn, thì việc một cá nhân trong năm công tác, thu nhập theo luật định có thể bằng hoặc hơn người cùng cấp, song bất ngờ phải kê cao hơn gấp nhiều bởi khối tài sản có, nên đành giấu. Phải chăng đây mới là gốc của vấn đề có liên quan đến hành vi tham nhũng - khai ra sẽ khó giải trình hợp tình hợp lý?

Chữ “không”: dễ học, liệu có khó làm ?

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý học hành vi, để thực hiện một quy định, công việc nào đó, người thực hiện phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm, sự hiểu biết cơ bản.

Trung thực với Đảng, trung thực trong kê khai tài sản với Nhà nước, người thực hiện phải có ý thức trách nhiệm thật sự với chủ thể ban hành quy định, cộng với đó là hiểu biết, tự nguyện phục tùng tổ chức, chấp hành nghiêm. Hiểu biết nhưng suy thoái, biến chất, người thuộc diện chỉ làm đối phó, làm nửa vời, hoặc không làm…

Để lòng trung thực, nghĩa vụ trung thực như đã nói được thực hành nghiêm túc, đầy đủ, vui vẻ tự nguyện trong cán bộ, đảng viên - những người đã, đang, sẽ kê khai tài sản, thu nhập, cần rất nhiều biện pháp tổng hợp, trong đó thiết nghĩ quan tâm các giải pháp cơ bản, thường xuyên, lâu dài:

Phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống các quy định của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn về kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cá nhân thuộc diện.

Các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh quán triệt giáo dục sâu rộng hơn nữa ý thức chính trị, đạo đức cán bộ, đảng viên về lòng trung thành, trung thực; tự giác cao trong minh bạch với tổ chức, cấp trên về các vấn đề liên quan đến tài sản, thu nhập có được. Đặc biệt là phát huy có hiệu quả cao vai trò người đứng đầu trong nêu gương nói đi đôi với làm những gì Đảng, Nhà nước quy định.

Cần mở các lớp tập huấn, cập nhật những văn bản về kê khai, công khai tài sản, thu nhập một cách kịp thời cho đối tượng kê khai, công khai tài sản, thu nhập và cán bộ phụ trách.

Theo ông Huỳnh Minh Thích, trung thực với Đảng là sự chấp hành tuyệt đối; cán bộ, đảng viên đã học thì phải làm. Sau tuyên truyền, giáo dục hết rồi là kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý; vấn đề này theo quy luật, nếu nghiêm minh thì vi phạm của đảng viên sẽ giảm.

Ông Huỳnh Văn Thống cũng đồng tình với việc xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, “xử lý cho nghiêm mới được, nếu không nghiêm sẽ lờn thuốc”, vì đây là hành vi có liên quan ít nhiều đến tham nhũng, làm nghiêm sẽ phòng ngừa tốt, đẩy lùi được tham nhũng. Sau xử lý là công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sâu hơn vấn đề, bà Phạm Thị Phượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nói cán bộ, đảng viên học rất nhiều quy định “không”, cụ thể là Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; các đạo luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức cũng có nhiều điều cấm; các ngành, địa phương còn cụ thể hóa hơn để quản lý chặt chẽ. Đặt ra nhiều như vậy là rất cần thiết để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức biết mà không làm sai. Những quy định ấy cán bộ, đảng viên phải nằm lòng, tự nhắc mình cần làm đúng, nếu sai sẽ bị xử lý nghiêm.

Với thực trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” học mà không làm được, trong đó có “không kê khai, công khai trung thực tài sản, thu nhập”, bà Phạm Thị Phượng nói tới đây sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm tra một số các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập cá nhân thuộc cấp mình quản lý.  

Khẳng định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cụ thể là người đứng đầu rất quan trọng nên bà Phượng nhấn mạnh phải quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức thực hiện các quy định, chỉ thị của Đảng, Nhà nước; chủ thể này có nhận thức đúng, lãnh đạo sâu sát, hành động chuẩn mực thì đảng viên sẽ có niềm tin hơn trong học tập, làm theo, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cũng cần hiểu đầy đủ hơn vị trí, vai trò rất quan trọng của mình trong kiểm tra, giám sát đảng viên để làm tròn trách nhiệm là “thanh bảo kiếm” của Đảng.

Cán bộ, đảng viên trong quá trình phục vụ cần chịu sự giám sát của tổ chức đảng, đoàn thể, nhân dân, nếu phát hiện vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, trong đó có việc không chấp hành kê khai, công khai tài sản, thu nhập thì phản ánh kịp thời với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định…

Còn bao nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập chưa đúng, đủ? Chữ “không” - điều cấm với đảng viên rất nhiều, dễ học và dễ thuộc. Đảng đặt ra nhiều quy định, trong đó phải trung thực kê khai, công khai tài sản, thu nhập để quản lý đảng viên, cốt yếu cũng nhằm rèn luyện cho đảng viên chuẩn về đạo đức, văn minh trong ứng xử, góp phần nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực hành động của đảng viên, xây dựng Đảng thêm trong sạch, vững mạnh.

Dễ học nhưng đâu đó xảy ra chuyện khó làm. Để góp phần cho Đảng ta ngày càng đạo đức, càng văn minh, thì chuyện dễ học phải đi đôi với dễ làm!

TRÍ THỨC

 * Tên nhân vật Trần Lê Nguyễn đã được thay đổi.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>