“Vị ngọt” từ chanh không hạt

11/04/2023 | 08:56 GMT+7

Chanh không hạt đang được trồng nhiều tại ĐBSCL, trái chanh tuy chua nhưng đã mang về giá trị ngọt ngào cho người trồng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên chanh đã vươn xa ra nhiều nước trên thế giới.

Anh Nguyễn Văn Phụng thu hoạch chanh cung cấp cho HTX Trái cây sinh học OCOP, huyện Châu Thành.

Chanh không hạt vươn xa

Anh Nguyễn Văn Phụng, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, là một trong những hộ nông dân ở ĐBSCL trồng chanh không hạt theo quy trình sản xuất, kỹ thuật mà HTX Trái cây sinh học OCOP, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đưa ra. Hiện vườn chanh không hạt rộng 1ha của anh Phụng đã được 40 tháng tuổi và đang cho trái.

 “Chỗ HTX Trái cây sinh học OCOP có đưa kỹ thuật xuống hỗ trợ về quy trình trồng, chăm sóc. Trễ nhất là 10 ngày vào 1 lần, xem tình trạng cây và trái như thế nào. Họ trực tiếp làm bông, làm trái cho mình luôn, khi làm theo quy trình nông dân cũng dễ dàng áp dụng, xài theo gốc thuốc sinh học 100%; phân, thuốc phía HTX cung cấp hết cho nông dân sử dụng. Hiện đang hái trái, với giá bán 25.000 đồng/kg, cao điểm gia đình hái được 2,4 tấn trái, như lứa hiện tại hái được khoảng 1,2 tấn, giao hết cho HTX, nhờ vậy mà giá cả, đầu ra luôn ổn định”, anh Nguyễn Văn Phụng bộc bạch.

Để cải thiện chất lượng chanh không hạt, HTX Trái cây sinh học OCOP, ở huyện Châu Thành, đã xây dựng quy trình trồng và đóng gói đạt theo tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài. Chỉ tính riêng chanh không hạt HTX đang làm gần 300ha, trung bình mỗi tháng HTX thu về khoảng 150 tấn trái.

Theo ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, ngoài việc truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm thì doanh nghiệp phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm… để nâng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường. Phía HTX có nhóm kỹ sư, mỗi kỹ sư sẽ quản lý khoảng 40 nông dân, nhiệm vụ xuống hướng dẫn cho nông dân thay đổi, sử dụng thuốc theo quy trình của châu Âu, hướng dẫn người dân từng bước áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trên vườn mình, lên lịch thu hái và bao tiêu sản phẩm.

Ông Trần Bá Sơn chia sẻ: Đối với cây chanh để xuất khẩu bền vững thì thứ nhất phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu, lấy người dân làm trọng tâm. Thay đổi thói quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân, chuyển sang việc sản xuất theo quy trình của khách hàng yêu cầu. Thứ hai, trong quá trình canh tác phải tăng cường lượng phân bón hữu cơ, giảm dần phân bón hóa học, theo tỷ lệ 50% phân hóa học, 50% phân bón hữu cơ thì như vậy chất lượng chanh mới tốt được. Thời gian bảo quản chanh, sử dụng phân hữu cơ thì lâu hơn những loại chanh sử dụng phân hóa học. Phải chuẩn hóa tiêu chuẩn ở đồng ruộng, đó là tiêu chuẩn GlobalGAP, hiện nay gần như tất cả các thị trường nhập khẩu chanh bắt buộc phải có tiêu chuẩn GlobalGAP hết. Phải từng bước hướng dẫn, tập huấn cho người nông dân làm quen dần với tiêu chuẩn này.

 “Những thị trường xuất khẩu dĩ nhiên chất lượng sẽ quyết định số lượng, mình xuất được nhiều hay ít tại vì những thị trường xuất khẩu. Các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Trung Quốc giờ nâng cao lên chất lượng rất là cao. Các tiêu chuẩn về GlobalGAP, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, kim loại nặng… Lô hàng cho dù mình 10kg hay 100 tấn nếu không đạt họ sẽ không nhận, hủy hết”, ông Trần Bá Sơn thông tin thêm.

Giá cao, không đủ nguồn cung

Thời gian qua cùng với việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực hỗ trợ về cấp mã vùng trồng, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng chanh... Đặc biệt là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của các thị trường để xuất khẩu bền vững.

Qua rà soát, Hậu Giang hiện có hơn 2.788ha chanh không hạt, sản lượng quý I năm nay ước được trên 2.729 tấn. Trên những cánh đồng chanh luôn có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn canh tác, đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu… Như ở HTX nông nghiệp Thạnh Phước, huyện Châu Thành, chanh không hạt hiện đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ đầu ra ổn định, cộng với giá chanh đang cao kỷ lục, khiến người trồng rất phấn khởi.

Bà Nguyễn Thị Thuyết, Giám đốc HTX nông nghiệp Thạnh Phước, cho biết: “Giá chanh đang được thu mua dao động ở mức 25.000-30.000 đồng/kg. Mùa nắng, năm nào cũng vậy, do nắng nóng, người ta sử dụng chanh để làm nước giải khát nhiều. Vùng mình cũng còn nhiều nhưng vẫn không đủ nên HTX phải đi các tỉnh khác gom, hiện mỗi ngày HTX cung cấp từ 10-15 tấn chanh”.

Theo chương trình Phát triển nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết về chanh không hạt, phát triển diện tích đến năm 2025 đạt 4.000ha, tăng 1.077ha so với năm 2020; sản lượng đạt 40.000 tấn/năm. Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao và chứng nhận mã số vùng trồng, thực hiện và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện chứng nhận đạt các tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương khoảng 150ha. Phát triển thương hiệu cho nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang”. Kêu gọi các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh liên kết thu mua nguyên liệu, sơ chế, chế biến.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>